Chứng khoán thế giới phục hồi, vì sao thị trường Việt Nam lại “đi ngược”?

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán trong nước đang bị đè nặng về mặt tâm lý. Nhà đầu tư vẫn còn lo ngại thông tin xử lý sai phạm của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cùng với rất nhiều tin đồn trên thị trường thời gian qua.

Dù thị trường chứng khoán Mỹ có mức độ hồi phục khá tốt trong một tháng qua, song thị trường chứng khoán Việt Nam lại có xu hướng đi ngược lại. Đặc biệt, VN-Index ghi nhận chuỗi giao dịch tồi tệ trong tuần qua và trở thành thị trường chứng khoán có mức giảm mạnh nhất thế giới.

VN-Index ghi nhận chuỗi giao dịch tồi tệ trong tuần qua – Nguồn: Kỳ Hoa

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock cho rằng, nguyên nhân của diễn biến trên đến từ việc thị trường trong nước đang bị đè nặng về mặt tâm lý. Nhà đầu tư vẫn còn lo ngại thông tin xử lý sai phạm của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cùng với rất nhiều tin đồn trên thị trường thời gian qua.

“Tất cả yếu tố kinh tế như lạm phát cao, lãi suất tăng, tỷ giá biến động phức tạp đều tác động tiêu cực chung đến thị trường chứng khoán. Song, ở Việt Nam lại có một điểm riêng là năm nay xử lý rất nhiều hành vi vi phạm trên thị trường liên quan tới thao túng giá cổ phiếu, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu vi phạm pháp luật”, ông Ngọc nêu.

Thêm vào đó, nhiều cổ phiếu bất động sản đã bị call margin (lệnh gọi ký quỹ) và một số bị mất thanh khoản cũng trở thành yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý chung của thị trường. Theo vị chuyên gia, những yếu tố này khiến nhiều người không còn quan tâm đến những điều tích cực bên ngoài mà chỉ tập trung vào các vấn đề tiêu cực trong nước.

Từ đó, ông Ngọc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc ổn định tâm lý nhà đầu tư là yếu tố quan trọng. Cùng với đó, việc xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn cũng giúp nhà đầu tư nhận diện cơ hội hiếm có trên thị trường.

Nêu quan điểm, ông Nghiêm Quang Huy, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán VPS đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại là thị trường mang tính chất cận biên, phần lớn các nhà đầu tư thuộc nhóm nhà đầu tư cá nhân, trong khi các quỹ đầu tư chiếm tỷ trọng nhỏ. Điều này khiến tâm lý ảnh hưởng mang tính chất nhỏ lẻ và giao dịch mua bán thường chịu biến động mạnh bởi yếu tố tâm lý.

Cũng theo ông Huy, độ trễ của VN-Index so với Dow Jones vẫn sẽ có, thời gian qua Chính phủ cũng đã nhìn thấy vấn đề và đang quyết liệt để tìm ra giải pháp.

“Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế và tìm hướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu. Nếu chúng ta hành động quyết liệt hơn và mang niềm tin trở lại cho thị trường, Việt Nam rồi cũng sẽ hồi phục như thị trường chứng khoán thế giới”, ông Huy nhấn mạnh.

Kỳ Hoa | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục