Nhóm sinh viên sáng chế dụng cụ thí nghiệm Vật lý cho học sinh khiếm thị
Nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã lên ý tưởng sáng tạo bộ dụng cụ đo lực và điện học có thể phát ra âm thanh, giúp học sinh khiếm thị tham gia môn học này tốt hơn.
Không còn loay hoay chuyện đo lực
Sau khi đọc được bài báo về 2 học sinh chế tạo lực kế cho các em khiếm thị, nhóm sinh viên khoa Vật lý (trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) vô cùng xúc động khi nhìn thấy hình ảnh học sinh tại đây gặp khó khăn trong môn Vật lý.
“Việc tiếp cận chủ đề Lực và Điện, đặc biệt là thực hành một số thí nghiệm đo lực với học sinh bình thường đã không dễ dàng thì với các em khiếm thị lại là cả một vấn đề lớn. Bộ thí nghiệm này cũng phần nào góp phần tạo sự công bằng trong việc tiếp cận, phát triển tư duy, tri thức”, Huỳnh Thị Ngọc Trân (thành viên nhóm nghiên cứu) chia sẻ.
Đến tháng 10/2021, nhóm sinh viên nhận thấy bộ thí nghiệm đó chủ yếu dùng xúc giác để sử dụng, nhóm đã nghĩ tới việc chế tạo ra lực kế có âm thanh. Đồng thời, cả nhóm cùng nghiên cứu thêm bộ thì nghiệm về điện để giúp các em trong quá trình học chương điện từ 1 cách dễ dàng.
“Giáo viên chủ yếu làm mô hình để học sinh sờ bằng tay, dạy lý thuyết hoặc tự làm thí nghiệm với lực kế thông thường rồi đọc số liệu để học sinh biết. Nhưng hai bộ thí nghiệm này của chúng tôi có điểm chung là có thể phát ra được âm thanh kết quả thí nghiệm, giúp các em học sinh khiếm thị có thể tự tay thực hành và kiểm chứng”, Huỳnh Thị Ngọc Trân cho hay.
Bộ thí nghiệm được thiết kế gọn nhẹ, kích thước như một chiếc hộp tròn, nhưng tích hợp nhiều tính năng bên trong. Đối với bộ dụng cụ thí nghiệm về chủ đề lực, nhóm đã nghiên cứu bố trí các phần chính như cảm biến lực loadcell; bộ hiển thị số; bộ phát âm thanh. Đặc điểm nổi bật của bộ dụng cụ này là có thể phát ra được âm thanh kết quả đo lực, giúp các em học sinh khiếm thị có thể tự tay thực hành và kiểm chứng số đo Lực một cách rõ ràng. Mặt khác, dụng cụ thực hiện có độ chính xác cao (độ chia nhỏ nhất của lực đến 0,1N).
Riêng bộ dụng cụ thí nghiệm về chủ đề điện học, sẽ có sự phối hợp hoạt động giữa các phần chính như bộ tích hợp nguồn cung cấp điện; Cảm biến nhiệt độ; Vôn kế; Ampe kế và loa ngoài; Biến trở con chạy, điện trở; Công tắc; Dây nối; Bóng đèn pin 2,5V. Đáng chú ý, để phát ra được âm thanh, cần có bộ phận phát tín hiệu âm thanh, đọc được giá trị ampe kế, hiệu điện thế, giá trị nhiệt độ (bộ code)
Đi đến chung kết Eureka
Thời gian đầu, nhóm sinh viên gặp không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu, chọn nguyên vật liệu chính xác.
“Chúng tôi đã phải thiết kế hiệu chỉnh sai số sao cho nhỏ nhất để khi thực hiện thí nghiệm có kết quả đúng nhất. Bộ thí nghiệm là điện tử nên xảy ra lỗi ở các linh kiện. Ngoài ra, bộ cảm biến quá nhạy dễ ảnh hưởng đến số liệu”, Trân bộc bạch.
Với lòng tin sẽ giúp được trẻ khiếm thị, nhóm đã nỗ lực lấy khó khăn làm kinh nghiệm khắc phục. Các em nhận ra thiết kế thí nghiệm đạt độ ổn định cao nhất để tránh ảnh hưởng đến số liệu. Bên cạnh đó, người thực hiện phải thử thí nghiệm với bộ dụng cụ nhiều lần để điều chỉnh độ sai số.
Ngoài ra, vì thực hiện nghiên cứu trong khoảng thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, cả nhóm đã phải họp online, rồi chia nhau ra đặt mua đồ trên mạng, về lắp ráp. Đến khi trở lại trường, thời gian không có nhiều vì còn học tập ở lớp, nhóm đã phải cân đối thời gian sao cho vừa hoàn thành tốt việc học, vừa thành công nghiên cứu.
“Mỗi thành viên đều có lịch học khác nhau, nên đa phần chúng tôi sẽ sắp xếp gặp trên trường để có thể hoàn thành bộ thí nghiệm, cũng như là đưa các giải pháp giải quyết những vấn đề còn khó khăn, kết hợp với việc họp online sau 21h”, Trân kể.
Sau khi thử nghiệm thành công, được thầy cô hướng dẫn đánh giá cao, nhóm nghiên cứu lần đầu đem ra ứng dụng tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Hòa nhập Đà Nẵng.
Thay vì lúng túng như trước đây, những học sinh khiếm thị hoàn toàn thực hiện thí nghiệm một cách nhanh chóng.
“Khi biết mình có bộ dụng cụ thí nghiệm vào bài học thì tinh thần của các em rất hào hứng, học tập tích cực, giơ tay phát biểu và hăng hái lên thực hiện thí nghiệm với bộ dụng cụ. Các em cũng không còn loay hoay nghe cô đọc nữa, mà tự đo đạc, ghi số liệu vào vở”, nhóm nghiên cứu ghi nhận.
Hiện, đề tài của nhóm đã đạt giải 3 Nghiên cứu khoa học cấp khoa và hiện đang có mặt trong vòng chung kết của Giải thưởng khoa học Eureka do Đoàn Thanh niên Cộng sản TP HCM, phối hợp với Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ phổ biến rộng rãi hơn về những bộ thí nghiệm đến với các trường có học sinh khiếm thị trên toàn quốc. Đồng thời, phát triển thêm những bộ thí nghiệm mới dùng trong những học phần khác của môn Vật lý, ứng dụng cho học sinh THCS, THPT.
Bài: Thúy Vy; Ảnh: NVCC
Nhà báo & Công luận