Năm 2022: Một năm “dị biệt” của thị trường xăng dầu

Năm 2022, thị trường năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng có rất nhiều điểm “dị biệt” đã tác động trực tiếp vào nguồn cung xăng dầu trong nước. Vì vậy, để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương đã đưa ra loạt giải pháp mới.

Năm “dị biệt” của thị trường xăng dầu

Vừa qua, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng một số cơ sở kinh doanh xăng dầu tạm ngừng hoạt động, vì thiếu nguồn cung. Mặc dù Bộ Công Thương đã khẳng định, nguồn cung xăng dầu không thiếu, thế nhưng, thực tế vẫn bị đứt gãy ở một số phân khúc.

Nguyên nhân là do nhu cầu xăng dầu trong nước tăng khá cao so với dự kiến; doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, thu hẹp kinh doanh; tỷ giá USD/VND tăng cao; mưa bão; chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, đủ; nhiều doanh nghiệp bị tước giấy phép nhập khẩu.

Chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ khiến nguồn cung trong nước bị gián đoạn

Liên quan tới một số chi phí, mới đây, Bộ Tài chính đã đồng ý điều chỉnh chi phí định mức để tính giá xăng dầu và được áp dụng từ ngày 11/11.PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, qua tiếp cận một số doanh nghiệp thì mức điều chỉnh này vẫn chưa thỏa đáng. Do vậy, nên cần phải xem xét lại trong bối cảnh 1 năm thị trường xăng dầu dị biến, dị dạng như vậy mà cơ quan quản lý không nắm bắt được, không phải là người thực tiễn trong kinh doanh thì khó có khả năng xử lý để thích ứng đáp ứng được với sự phát triển, tồn tại của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm và nhập nguyên liệu dầu thô phục vụ hoạt động sản xuất tại các nhà máy lọc dầu, do đó thị trường xăng dầu Việt Nam chịu ảnh hưởng, phụ thuộc lớn vào thị trường xăng dầu thế giới.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết: Năm 2022 là một năm dị biệt đối với thị trường năng lượng nói chung, và xăng dầu nói riêng.

Ông Bảo phân tích: Năm 2022, thế giới đã có rất nhiều biến động, đặc biệt là sau cuộc chiến giữa Nga – Ukraine đã tác động tiêu cực tới ngành năng lượng, khiến thế giới đối mặt với tình trạng khủng hoảng năng lượng.

“Đây là cuộc khủng hoảng có những dị biệt, như giá dầu thô có lúc lên rất cao và xuống cũng rất thấp. Mức độ tăng, tần suất tăng, giảm là ở mức độ cực kỳ lớn. Cụ thể, trong 1 ngày, giá dầu có thể biến động 10-12 USD trên một phiên giao dịch. Trong khi trước đây, chu kỳ này phải mất 15-20 ngày thậm chí 1 tháng”, ông Bảo nói.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu diesel đã cao hơn giá xăng, sau một quá trình tăng liên tục. Có thời điểm giá dầu diesel tăng vọt lên cao nhất mọi thời đại. Giá dầu diesel cộng thêm các loại phụ phí có thời điểm lên cao nhất tới gần 200 USD/thùng.

“Ở Việt Nam chúng ta ghi nhận lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, giá diesel cao hơn cả giá xăng”, ông Bảo nhấn mạnh.

Tháng 7 khi giá dầu lên đỉnh điểm thì giá xăng trở về nhịp độ bình thường, xoay quanh giá dầu thô. Lợi nhuận lọc dầu của xăng có thời điểm thấp hơn dầu thô. Nhưng ngược lại là giá diezel vẫn duy trì ở mức rất cao. Cho đến thời điểm này vẫn ở mức khoảng 40 USD/thùng.

“Như vậy chúng ta có thể thấy được sự biến động của cơ cấu sản phẩm trong cuộc khủng hoảng này”, ông Bảo nói.

Chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ khiến nguồn cung trong nước bị gián đoạn

Bên cạnh một số tác động của thế giới, việc nguồn cung xăng dầu trong nước bị gián đoạn ở một số phân khúc còn liên quan tới chi phí kinh doanh xăng dầu. Theo đó, một số doanh nghiệp xăng dầu phản ánh, hiện có một số chi phí chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá kinh doanh xăng dầu, điều này đã làm doanh nghiệp bị thiệt hại. Từ đó có hiện tượng các cơ sở bán lẻ tạm ngừng hoạt động.

Thực tế cho thấy, đã nhiều lần Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu, nhưng phải chờ đợi khá lâu, Bộ Tài chính mới đồng ý điều chỉnh.

Về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho biết vì sao Bộ Tài chính lại rất đắn đo khi điều chỉnh lại mức chi phí kinh doanh. Đó là bởi, điều chỉnh mức chi phí kinh doanh nếu tăng lên, sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong quá trình điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương cũng thấy rõ những bất cập đó, đã trực tiếp tác động và gửi yêu cầu đến Bộ Tài chính. Tuy nhiên với sự nhạy cảm, sự biến động của giá xăng dầu tác động lớn như vậy cho nên cơ quan nào cũng ngại. Nếu thành công thì không vấn đề gì nhưng không may có gì xảy ra thì khi đó lại trở thành tội.

Với quan điểm như vậy để đảm bảo hài hòa lợi ích, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh hiện nay phải xem xét lại các mức thuế điều hành. Chúng ta cũng phải thông cảm cho Bộ Tài chính.

Trong bối cảnh giá xăng dầu vừa qua hết sức dị thường, từ trước đến nay chưa có, nên sự điều hành của các cơ quan chức năng thời gian qua, đặc biệt là Bộ Công Thương phải đáng ghi nhận.

“Bên cạnh đó cũng phải nói đến tâm lý, do thông tin tuyên truyền cho nên nhiều người có tâm lý phòng còn hơn để xảy ra nên chưa cần mua xăng cũng đến xếp hàng tạo cảm giác không tốt trong kinh doanh xăng dầu, khiến người ta có cảm giác thiếu nguồn cung xăng dầu kinh khủng quá”, ông Long nói.

Bộ Công Thương đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng thiếu xăng dầu

Ngày 15/11, tại buổi họp giao ban báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có báo cáo thông tin về tình hình thị trường xăng dầu trong nước, đưa ra một số giải pháp của Bộ trong thời gian tới.

Theo đó, cơ quan này cho rằng thời gian tới tình hình thế giới dự báo còn nhiều phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ còn tiếp tục khó khăn, do đó Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp đã được Thủ tướng chỉ đạo tại công điện mới đây.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, cơ quan điều hành sẽ rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường, hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và thực hiện ngay để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đặt mua theo hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực thiếu cục bộ.

Định Trần | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục