Người phụ nữ chống hủ tục giành giật những đứa trẻ từ tay thần chết

Không chỉ cưu mang, dạy giỗ hàng chục đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, chị Y Lững (37 tuổi, trú tại thôn Kon Tu Kơ Pơng, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, Kon Tum) còn chống hủ tục “giành giật” những đứa trẻ từ tay “thần chết” về nuôi dưỡng, chăm sóc.

Không may mắn như những đứa trẻ khác khi vừa tròn 2 tuổi chị Y Lững đã mồ côi mẹ, năm lên 7 người cha già cũng bỏ chị mà về bên kia thế giới. Không có khả năng nuôi cháu, người cô của Y Lững đành gửi chị đến cô nhi viện.

Thiếu thốn tình cảm của gia đình, hơi ấm của mẹ cha song Y Lững được nhận xét là đứa trẻ ngoan ngoãn. Trong thời gian sống ở cô nhi viện, Y Lững luôn ân cần, chu đáo chăm sóc những đứa trẻ kém tuổi có hoàn cảnh giống mình nhằm xoa dịu nỗi nhớ nhà, nhớ người thân…

Nhiều năm nay, vợ chồng chị Y Lững đã nhận nuôi, dạy dỗ hàng chục đứa trẻ nên người

Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp 3 vì không có điều kiện thi đại học nên Y Lững rời cô nhi viện ra ngoài lập nghiệp. Một năm sau đó, chị lập gia đình với hai bàn tay trắng. Cùng thời gian này chị bắt đầu nhận nuôi, chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh trong làng trong căn nhà chòi ở góc vườn do bố mẹ để lại.

Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình ở các địa phương khác có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ cũng đem con đến gửi. Cũng có những bà mẹ trẻ bị chồng bạo hành đã tìm đến với mái ấm của vợ chồng Y Lững nương náu. Bất kể là ai, ở đâu, chị Y Lững đều chào đón và giúp đỡ nhiệt tình. Đặc biệt, người phụ nữ này còn nhiều lần chống hủ tục để “giành giật” những đứa con từ tay “thần chết” về nuôi khôn lớn, nên người.

Chị Y Lững kể lại: “Năm 2008, trong lần đi thăm rẫy, tôi có đi qua 1 ngôi nhà đang tổ chức đám tang. Khi nghe tiếng khóc của trẻ con tôi đến tìm hiểu thì biết có một người mẹ mới mất trong lúc vượt cạn và để lại một đứa trẻ sơ sinh đang đỏ hỏn. Theo phong tục xưa, nếu mẹ sinh con mà mất thì đứa con cũng phải chị chôn chung theo mẹ. Lúc đó, tôi đã quỳ xin dân làng cho được đưa đứa bé về nuôi, nhưng ý định của tôi lại vấp phải sự phản đối của cả làng”.

Không chỉ cưu mang, dạy giỗ hàng chục đứa trẻ mồ côi, chị Y Lững còn chống hủ tục “giành giật” những đứa trẻ từ tay “thần chết” về nuôi dưỡng, chăm sóc

Sau nhiều giờ tha thiết cầu xin, chị Y Lững đã được dân làng đồng ý. Đứa bé lớn lên nhờ mật ong, nắm cơm và tình yêu thương của chị Y Lững. Đến nay, “con ma rừng” ngày nào đã lớn biết phụ cha mẹ nuôi việc nhà và chăm sóc các em. Vợ chồng chị Y Lững đặt tên cháu là A.V, vì không muốn A.V bận lòng nên vợ chồng chị Lững giấu nhẹm chuyện buồn quá khứ.

Được biết, hoàn cảnh vợ chồng chị Y Lững cũng không khá giả gì, nhưng 2 vợ chồng vẫn luôn chào đón những mảnh đời bất hạnh đến với mình. Phần lớn các con đều có hoàn cảnh mồ côi hoặc sinh ra trong gia đình khó khăn. Tính đến nay, hai vợ chồng chị Y Lững đã cưu mang, nuôi dưỡng trên 50 cháu, trong đó có nhiều đứa trẻ đã trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng và có việc làm ổn định. Các cháu nhỏ được vợ chồng chị Y Lững nuôi dưỡng, chăm sóc đều được đến trường học hành đầy đủ.

Để duy trì mái ấm, hai vợ chồng Y Lững làm đủ thứ nghề. Anh Lương Văn Thin (chồng Y Lững) xin theo các công trình làm công nhân, còn chị Y Lững buôn bán, làm thêm hoa màu…

Tính đến nay, mái ấm của đôi vợ chồng trẻ đã cưu mang, nuôi dưỡng trên 50 cháu, trong đó có nhiều đứa trẻ đã trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng và có việc làm ổn định

“Hai vợ chồng tôi dù còn nghèo nhưng sẽ tiếp tục nhận nuôi những đứa trẻ bất hạnh khác. Dù sao thì cũng đã nghèo rồi, thêm 1, 2 miệng ăn cũng không chết được. Quan trọng là phải cố gắng vượt qua những khó khăn bằng sự lạc quan yêu đời. Tôi luôn dạy mấy đứa con như thế”, chị Lững tâm sự.

Có lẽ, niềm vui lớn nhất đối với vợ chồng chị Y Lững là sự trưởng thành của các con. Từ mái ấm của chị, có 3 đứa trẻ đã bước chân vào cổng trường đại học. Có hàng chục đứa trẻ khác đã lập gia đình và không quên hỗ trợ mẹ nuôi kinh phí chăm sóc các em.

Ông Đào Văn Hậu – Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết, chị Y Lững là một công dân tốt, không những cưu mang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi mà còn giúp đỡ những em gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Vừa qua, đơn vị cũng có hướng dẫn cho chị Lững hoàn thành các thủ tục pháp lý để được cơ quan chức năng hỗ trợ, bớt đi phần nào vất vả khi hàng ngày lo cho hàng chục đứa trẻ.

Trần Hiền | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục