“Van” tín dụng đã mở: Không nên “bỏ rơi” bất động sản?

“Van” tín dụng cho nền kinh tế đã được mở nhưng bất động sản không nằm trong danh sách được ưu tiên. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng với những đóng góp của mình, bất động sản nên có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn mới.

Nới room tín dụng, bất động sản không được ưu tiên

Đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước công bố nới room tín dụng 1,5-2% nhằm giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực, mở rộng tín dụng đối với những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế. Sẽ có khoảng 240.000 tỷ đồng sẽ được bơm ra thị trường nhờ quyết định này.

Chia sẻ với báo chí, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết đối tượng Ngân hàng Nhà nước muốn tập trung và cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trước hết vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, phụ tùng thay thế, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này.

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng nhưng bất động sản không phải lĩnh vực được ưu tiên. Ảnh minh họa

Bất động sản cũng được đề cập tới nhưng chỉ phân khúc nhà ở xã hội nhận được dòng vốn tín dụng này.

Tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp” tổ chức hôm nay (13/12), tín dụng bất động sản cũng được cá chuyên gia đề cập tới.

TS Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định thời gian quan, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm hướng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, trong đó có 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có hoạt động xuất khẩu lãi suất chỉ 5,5%/năm và tất nhiên doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tiết lộ cho đến đầu tháng 12, ngân hàng đã cung hơn hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng hơn 120.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng khoảng 10,7% so với đầu năm).

“Lĩnh vực cho vay chủ yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng xanh và lĩnh vực thiết yếu”, ông Đỗ Thanh Sơn nhấn mạnh vào các lĩnh vực được VietinBank ưu tiên giải ngân.

Nên cho vay theo phân nhóm doanh nghiệp bất động sản

Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những đánh giá về bất động sản.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết thời gian qua, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng doanh nghiệp bất động sản càng khó phát hành hơn.

“Riêng với doanh nghiệp bất động sản, qua rà soát, chúng tôi thấy rằng khó khăn lớn nhất là pháp lý, còn vốn là câu chuyện khác”, ông Cấn Văn Lực bình luận.

Ông Lực đưa ra ví dụ như rào cản pháp lý ở TP HCM, có gần 1.000 dự án và Hà Nội khoảng 400 dự án, và cả nước có khoảng khoảng 239 dự án condotel, officetel đang bị vướng, với tổng giá trị, khoảng 30 tỷ USD.

Dù hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhưng ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vietravel cũng “nói hộ” đồng nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng chia sẻ với tôi, và tôi cho rằng bất động sản là một ngành kinh tế tổng hợp và trụ cột của nền kinh tế, đóng góp rất nhiều. Có mặt tốt và chưa tốt, mặt chưa tốt thì cần uốn nắn. Còn giờ tất cả đều khó. Cho nên tôi muốn nói ý này để thấy doanh nghiệp rất tắc, 3 kênh vốn là ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu đều tắc nghẽn, may quá còn vốn tín dụng”, ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.

Vì vậy, theo ông Kỳ, doanh nghiệp cần chính sách thiết kế cho kênh này thông thoáng hơn. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã nới room nên dòng vốn được kỳ vọng sẽ “chảy” tới doanh nghiệp nhiều hơn.

Ông Lực đánh giá việc nới room tín dụng là rất tích cực, vì nhiều hồ sơ, nhiều công trình, dự án đang dở dang khi trái phiếu doanh nghiệp chưa phát hành được.

“Nay cần vốn cho những khoản nợ đến hạn phải thanh toán, người mua nhà phải giải ngân tiếp. Đồng thời, giúp cho giá cổ phiếu của khối bất động sản cũng phục hồi tích cực hơn trong mấy ngày vừa qua”, ông Lực đề cao tầm quan trọng của dòng vốn chảy vào bất động sản.

Đồng thời, về tín dụng bất động sản, thông qua kiến nghị tại toạ đàm, ông Lực đưa ra ý kiến yêu cầu Bộ Xây dựng phân nhóm doanh nghiệp bất động sản theo 4 phân khúc và giám sát, cho vay theo 4 nhóm này. Theo ông Lực, các nước cũng đang làm tương tự như vậy.

Hoàng Tú | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục