Đôi vợ chồng già nặng lòng giữ nghề làm hương truyền thống
Giữa áp lực thị trường, hai vợ chồng bà Đoàn Thị Tiên tại làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, ngoài 60 tuổi vẫn đau đáu với nghề làm hương truyền thống.
Đến thăm làng hương Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá khi Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần, mùi hương nồng nàn ấm cúng đã xua tan đi cái se lạnh của những ngày cuối đông. Những bó tăm hương xoè đỏ rực được phơi dọc những con ngõ nhỏ, trong mỗi sân nhà của những hộ sản xuất hương trong làng.
Cũng không ai biết, nghề làm hương có ở Đông Khê tự bao giờ, những người đưa nghề về làng cũng không ai nhớ, chỉ biết làng từ lâu đã có nghề hương thủ công truyền thống. Những ngày này, làng hương Đông Khê bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, ai cũng tất bật với công việc bởi đây cũng là mùa làm ăn chính của họ. Các loại hương được làm chủ yếu là hương trăm, hương sào và hương thẻ.
Theo những người dân nơi đây, nghề làm hương không vất vả như nghề nông nhưng yêu cầu người làm phải thật cẩn thận. Thị trường tiêu thụ cũng tương đối ổn định, mang lại thu nhập khá cho người lao động và các hộ kinh doanh có thể tranh thủ được nguồn lao động sẵn có trong gia đình.
Ngày nay, với công nghệ hiện đại, nhiều máy móc ra đời phục vụ nghề làm hương giúp các công đoạn được nhanh gọn, sạch sẽ, tiết kiệm nhân công và cho ra nhiều sản phẩm hơn. Tại làng hương Đông Khê cũng đã có nhiều hộ gia đình đã chuyển sang công nghệ máy móc, đầu tư trang bị máy phụt, máy lăn hương nhằm giảm bớt nhân công, tăng nguồn thu nhập.
Nhưng với gia đình bà Đoàn Thị Tiên đến nay các công đoạn từ pha chế màu nhuộm cho đến se hương vẫn được làm thủ công. Vợ chồng bà Tiên cũng chẳng biết bắt đầu làm nghề hương từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên đã sống với nghề làm hương. Hơn 30 năm qua, vợ chồng bà vẫn đau đáu, tâm huyết với cái nghề dành cho tâm linh như thế.
Theo vợ chồng bà Đoàn Thị Tiên, những công đoạn se hương đòi hỏi người thợ phải thực có kinh nghiệm và tỉ mẩn; những cây hương được làm thủ công sẽ có dáng tròn trịa, dẻo và không bị vỡ.
Bà Tiên cũng chia sẻ thêm, để cho ra một mẻ hương tốt phải chú ý đến khâu chọn nguyên liệu. Hương liệu trước đây phải là rễ cây trầm, nhưng bây giờ, rễ trầm ngày càng khan hiếm nên người ta thường thay thế bằng rễ cây trám, rồi trộn lẫn với các vị thuốc Bắc như nụ hồi, đinh hương, cam thảo… tạo mùi thơm rất dễ chịu. Hương trầm là loại hương được ưa chuộng nhất không chỉ bởi mùi thơm, mà còn bởi hương cháy đều khi đốt lên, tàn hương uốn vòng lại trên bát hương, báo hiệu những điềm tốt lành.
Nghề làm hương vốn đã khó nhọc lại còn phải phụ thuộc vào thời tiết vì ngày nắng mới làm được, thậm chí ngay cả khi trời nắng, hương đang phơi mà bỗng gặp cơn mưa rào, không thu kịp thì mẻ hương đó phải bỏ đi.
Hiện nay, nghề làm hương ở làng Đông Khê đang dần mai một, không mấy người trẻ mặn mà với nghề hương mà chỉ còn chủ yếu những người có tuổi, phụ nữ còn lại ở chốn quê vẫn giữ nghề. Cũng theo những người dân nơi đây, những người trẻ đã chọn việc đi làm ở công ty vì có thu nhập ổn định, nghề làm hương chỉ mùa vụ mà thu nhập lại không cao. Những người thợ làm hương sẽ có những công việc khác nhau, người se hương, người nặn nhựa, người phơi hương,… và được trả công 150.000/ngày.
Tuy nghề làm hương có mùa vụ quanh năm, nhưng vào tháng cuối năm, không khí làm việc ở làng nghề rất khẩn trương, nhộn nhịp. Mỗi nhà đều nỗ lực để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón Tết. Mỗi năm, hộ gia đình làm thủ công như gia đình bà Tiên sản xuất ra được khoảng 100 vạn cây hương cung ứng đi cho nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Thanh Hoá.
Hầu hết các cơ sở làm hương đều sản xuất nhiều loại tùy theo đơn đặt hàng nhưng phổ biến nhất vẫn là hương bài và hương đen với độ dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Giá cả cũng từ đó mà có sự chênh lệch, loại thấp nhất có giá 20.000 đồng/bó, loại cao có giá 40.000 đồng/bó. Riêng loại hương sào được bán với giá đắt nhất là 50.000 – 100.000/10 cây, do ưu điểm cây to, rất thơm và lâu tàn cháy từ 8 – 10 tiếng.
Đau đáu với nghề vì người trẻ không mặn mà với nghề thủ công truyền thống, gia đình bà Tiên đang trông đợi vào cô con gái đã lấy chồng, động viên các con giữ gìn lấy nghề truyền thống.
Có thể thấy, đến nay, làng nghề làm hương Đông Khê vẫn đang được duy trì. Giờ đây, hương không chỉ đơn thuần là sản phẩm tâm linh mà nó đã trở thành hàng hóa, đem lại thu nhập cho các hộ gia đình còn giữ lại nghề truyền thống và những lao động làm nghề nơi đây.
Hà Anh | Nhà báo & Công luận