Ngán ngẩm với những “content rác” trên mạng xã hội

Chia sẻ lối sống lười biếng, moi tiền, miệt thị ngoại hình, sex joke (trò đùa tình dục)... là những biến tướng đáng lo ngại về nội dung video trên mạng xã hội, khiến người xem phải ngán ngẩm.

“Content rác” vẫn còn đất diễn

Vài ngày qua, mạng xã hội lại một phen xôn xao bởi một nữ YouTuber nickname K có những video với nội dung được đa số ý kiến người đã xem cho là “nhảm nhí”, “độc hại”…

Nữ Youtube chia sẻ về cách kiếm tiền trên Tinder.

Trong đó, video về “Những lần mình kiếm tiền trên Tinder” của K đã có gần 300 nghìn lượt xem với mô tả như sau: “Mình đã nhiều hơn một lần có thu nhập từ Tinder hay các app hẹn hò nhờ vào những chiêu trò mà mình sử dụng…”

Trong video, nữ Youtuber này chia sẻ về cách có thể “moi tiền” của đối phương khi hẹn hò như: lập tài khoản trên Tinder sau đó hẹn các bạn nam gặp mặt ngoài đời. Kết thúc buổi gặp, K. sẽ hỏi bạn nam ngỏ ý mượn tiền mặt, cô sẽ chuyển khoản lại nhưng thường đối phương sẽ không chủ động đòi lại.

Ngoài ra, K. còn thừa nhận, cô viết hồ sơ thuê và giúp nhiều bạn nam trò chuyện, tán gái trên Tinder.

Đó chỉ là một trong số nhiều video nhận được phản ứng và tranh cãi dữ dội từ cư dân mạng. Những video khác như: “”Mình bịa CV để đi xin việc như thế nào?”, “Mình không sinh ra để đi làm! Bạn cũng thế” cũng đang nhận về hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận dưới mỗi video.

Những chia sẻ ở trên cực kỳ nhảm nhí và sai trái, không mang lại lợi ích và giá trị cho cộng đồng mà ngược lại còn khiến nhiều người bắt chước, hưởng ứng với lối sống lười biếng, chỉ thích hưởng thụ.

Tranh cãi với các video về miệt thị phụ nữ, miệt thị ngoại hình.

Trước đó, trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện không ít các “content rác” với những nội dung nhảm nhí, lố lăng và có phần nguy hiểm.

Các nội dung như truyền bá cách nuôi Kumanthong (búp bê tâm linh của Thái Lan), hướng dẫn cách tự tử không đau đớn, thể hiện sự miệt thị người nghèo, miệt thị ngoại hình… vẫn đang được một bộ phận người dùng mạng xã hội khai thác để sản xuất các video câu like, câu view bất chấp.

Có thể dễ dàng nhận thấy, bất kỳ vấn đề gì cũng có thể đem ra khai thác để thành content trên mạng xã hội với mục đích xuất phát từ ý định câu view, kiếm fame của một bộ phận người dùng, thậm chí là trục lợi khi các nền tảng này có thể hái ra tiền bằng lượt tương tác của người xem.

Tỉnh táo trước “content rác” trên mạng xã hội

Dù các cơ quan chức năng đã liên tục xử phạt nhiều chủ tài khoản sản xuất video rác nhưng trên thực tế, hàng loạt trào lưu độc hại, nội dung nhảm nhí, tiêu cực liên tục nở rộ trên các nền tảng này khiến người dùng ngán ngẩm.

Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn những video độc hại tên mạng xã hội nhưng chính người dùng cũng có thể bài trừ để bằng cách “báo cáo” các content bẩn ra khỏi danh sách theo dõi của mình.

Để TikTok trở thành một không gian giải trí an toàn và văn minh, người dùng cần phải có sự tỉnh táo trong việc chọn lọc những video đáng xem và đáng học hỏi. Việc nâng cao tiêu chuẩn tiếp nhận nội dung lành mạnh như học tiếng anh, cách phối đồ, nấu ăn… giúp thanh lọc các video vô giá trị.

Tuy nhiên, chính những chủ tài khoản video trên mạng xã hội cần phải tự nhận thức và nâng cao chuẩn mực trong các video của mình. Nhất là những “content creator”- người đứng sau sản xuất và sáng tạo nội dung các video càng phải làm được điều này.

Chị Phan Trang, Trưởng bộ phận Marketing và sáng tạo nội dung tại Hà Nội cho rằng, “content bẩn” sẽ rất nhanh tạo được hiệu ứng chú ý trong cộng đồng mạng nhưng cũng rất nhanh bị chìm bởi những content khác. Những nhà sáng tạo nội dung phải đủ tỉnh táo và khắt khe trước những nội dung được sản xuất, không thể bất chấp chỉ vì câu view, câu like.

Nguyễn Linh | NB&CL

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục