Ngẫm về những giá trị bị bỏ quên khi xem “Về nhà đi con”
Bộ phim truyền hình dài 85 tập “Về nhà đi con” đang chiếu những tập cuối cùng. Nhưng “cơn sốt” về phim vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phải lâu lắm rồi, phim truyền hình về đề tài gia đình “made by Việt Nam” lại tạo nên một hiệu ứng lớn lao đến thế.
Bộ phim không hướng đến những điều “đao to búa lớn” mà xoay quanh những câu chuyện cảm động về quan hệ gia đình. Mỗi tình tiết, mỗi bi kịch, mỗi câu thoại… đều để lại cho người xem những suy ngẫm khó quên về tình thân. Nhiều người đã không ngăn được những dòng nước mắt bởi tình huống trong phim có bóng dáng và thân phận của chính mình.
Quan trọng hơn cả là bộ phim đã góp phần đánh thức những giá trị bị bỏ quên về tình máu mủ – ruột rà. Nhất là ở cái thời mà mọi thứ đang bị “đè bẹp” bởi những toan tính tầm thường và những giá trị hư ảo. Sự gắn kết gia đình đang trong thế lỏng lẻo, thậm chí méo mó và biến tướng… mà văn hóa – nghệ thuật vẫn đang loay hoay tìm phương cách để “cứu rỗi”.
Đúng như những câu thơ mà tác giả Du Phong đã cảm xúc viết lên khi xem phim khiến nhiều người đồng cảm:
“Nếu ngoài kia toàn thất vọng tràn trề/Và những nỗi buồn lê thê không đếm nổi…/Đừng cố ép nài, đưa chân rong ruổi/Chẳng đâu bằng nhà mình/Ba không có gì ngoài hai tiếng “gia đình”/Cứ vậy một mình nuôi con khôn lớn/Hãy để cái ôm già làm dịu đi đau đớn/Con ba chịu khổ đủ rồi…/Ba có gia tài chỉ mỗi con thôi/Đừng để người đời làm con rơi nước mắt”.
Bản thân đạo diễn của phim Nguyễn Danh Dũng cũng thừa nhận: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi có nhiều khán giả xem phim như một diễn đàn để tương tác với nhau và hâm nóng lại tình cảm của gia đình, cùng chia sẻ để vun đắp một gia đình hạnh phúc”.
Đáng tiếc là mãi đến bây giờ “Về nhà đi con” mới xuất hiện trên truyền hình… Mãi tận bây giờ người ta mới nghĩ đến việc đánh thức những giá trị đã bị phai mờ từ lâu lắm. Mãi đến tận bây giờ người ta mới bơn bớt chạy theo những dòng phim chỉ mang tính hô hào, khô cứng. Điều đáng nghĩ là liệu sau “Về nhà đi con”, các nhà làm phim sẽ xử lý thế nào để cái sự đánh thức những giá trị thiêng liêng đó không bị đứt gãy, vụn vặt và rơi rớt?
Ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… bao năm qua mảng phim về đề tài gia đình vẫn giữ được thế chủ đạo trên sóng trền hình quốc nội. Thậm chí, phim về gia đình của họ còn phủ sóng ở các kênh truyền hình khu vực.
Tuy nhiên, mong muốn của điện ảnh Việt Nam là xây dựng được những bộ phim khơi lên những khát vọng yêu thương và trân trọng giá trị gia đình lại mới bắt đầu chạm tới ngưỡng thành công. Sự thành công được đo đếm bằng đón nhận của khán giả và thông điệp được lan tỏa chứ không phải những chỉ số rating (lượng người xem) máy móc.
Người xưa có câu “chậm mà chắc”. Thôi thì cứ nuôi hy vọng. Hy vọng về một nền phim Việt mới mẻ, biết đi vào đời sống và khơi lên những khát vọng yêu thương. Hy vọng sau nhiều năm đứng quan sát xứ người, nay là lúc biến những điều mình đã quan sát được để đưa vào thực tiễn, đưa phim Việt đi lên bằng chất chứ không phải thụt lùi theo lượng.
Theo Hà Tùng Long/ Dân trí