Ngành năng lượng đang gặp nhiều thách thức
Tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam mới đạt từ 20 - 30%, một số khu vực đạt 40% và đây cũng là thách thức cho năng lượng của Quốc gia trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn “Năng lượng Việt Nam – Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững do Báo Công Thương phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức hôm nay (21/8) tại Hà Nội, theo báo cáo, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.
Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam mới đạt từ 20 – 30%, một số khu vực đạt 40%.
Tiết kiệm năng lượng nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng và phát triển bền vững đang là chủ trương của ngành công nghiệp Việt Nam. Cũng theo thống kê, hiện nay các nguồn năng lượng sơ cấp không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế do đó Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) từ năm 2023.
Trong khi đó, theo dự báo, nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 sẽ tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 192,93 tỷ kWh).
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: “Năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm”.
Việt Nam được đánh giá là một quốc gia chuyển từ một nước xuất siêu sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Do đó ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc đảm bảo cung ứng đủ năng lượng.
Đây đang là vấn đề đặt ra với ngành năng lượng trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.
Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương thông tin thêm, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì cùng các bộ, ban ngành, trước hết là Bộ Công Thương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia. Trong đó, tiết kiệm năng lượng phải được coi là giải pháp năng lượng hàng đầu.
Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015 đã đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước, tương đương với việc tiết kiệm từ 11-17 triệu TOE (đơn vị tiêu thụ năng lượng).
Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011-2015, đáng kể như ngành thép (giảm 8,09%); ngành xi măng (giảm 6,33%); ngành dệt sợi (giảm 7,32%).
Chia sẻ thực tế tiết kiệm năng lượng từ khối các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) – cho biết, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.
Thực hiện mục tiêu của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành 6 Thông tư về tiêu hao năng lượng định mức/sản phẩm ở các ngành hóa chất, thép, bia, nước giải khát, nhựa và chế biến thủy sản.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, về mặt chiến lược, vấn đề sử dụng bền vững và hiệu quả năng lượng mới là điều cần được quan tâm đặc biệt.
“Trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, có thể gây ra tăng mạnh đầu tư công nghệ cũ – tốn năng lượng, rồi đô thị hóa, biến đổi khí hậu… sẽ tạo ra áp lực lên việc cung ứng điện.
Do vậy, cần có cách tiếp cận mới về sử dụng năng lượng. Phải điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng (điện) cả từ phía cầu sử dụng, bằng giá bán, tiết kiệm điện…”, ông Thiên nhấn mạnh.
Gợi mở những giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy điện, nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện; ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: EVN đã ban hành quy trình kiểm toán năng lượng cho các loại hình nhà máy điện để thống nhất tiến hành đo đạc, lập hồ sơ, đánh giá và triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy điện.
EVN cũng phối hợp với các hiệp hội, các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có chuyên môn sâu để hợp tác đào tạo chuyên gia, ứng dụng công nghệ cao cho công tác vận hành, sửa chữa nhà máy điện và hệ thống điện.
Bên cạnh đó, EVN từng bước áp dụng biện pháp sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị theo trọng tâm độ tin cậy (RCM), để nâng cao ổn định, an toàn trong vận hành nhà máy điện và lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Mặt khác, cũng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích, thúc đẩy đầu tư xây dựng điện mặt trời áp mái, năng lượng tái tạo tại chỗ nhằm bổ sung nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia.
Kết luận Diễn đàn, ông Cao Đức Phát cho rằng, cần có sự đồng thuận cao giữa các bộ, ngành để thúc đẩy chủ trương sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Ưu tiên hàng đầu về thực hiện chiến lược về năng lượng để góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhanh và bền vững hơn.
Ông Cao Đức Phát cũng chỉ ra 4 yếu tố cần khắc phục trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Nhận thức, cơ chế chính sách, quản lý, khoa học công nghệ. Theo đó, để nâng cao hiệu quả về sử dụng năng lượng thì phải xử lý tồn tại tại 4 lĩnh vực đó.
Theo Lê Minh/ CLO