Đại chiến nhân lực hàng không Việt

Trước khi chuyến bay Bamboo Airways đầu tiên của Trịnh Văn Quyết FLC "cất cánh" cũng là lúc "giọt nước tràn ly" trong trận tuyến cạnh tranh nhân lực trong ngành hàng không Việt (Vietnam Airlines - Vietjet Air - Bamboo Airways - Jestar Pacific).

Cơn sóng ngầm dịch chuyển đặc biệt sôi động nhất bao gồm nhân lực phi hành đoàn nói chung, mà nhất là phi công – những người được mệnh danh “ông chủ nhỏ” nắm giữ vận mệnh bầu trời. Các hãng đồng loạt bung ra chính sách kêu gọi thu hút nhân lực cũ, nâng lương vội vã, kể cả bí mật dùng cách nới lỏng quy trình quản lý nghiệp vụ để chiêu dụ nhân sự…

Hôm nay, việc hàng loạt chuyến bay của hãng Vietjet Air bị delay không còn là góc nhìn đơn giản và nỗi lo của một hãng hàng không, mà xa hơn, đã đến lúc các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định và quản lý chính sách hàng không của Chính phủ cần nghiêm túc xem lại vấn đề cạnh tranh nhân lực giữa các hãng.

Việc phi công Vietnam Airlines liên tục rời bỏ hãng bay cũ đầu quân về hãng bay mới như Vietjet trước đây, và nay Bamboo Airways… thoạt nhìn là điều tất yếu của quy luật thị trường, nhưng nếu sự dịch chuyển này không được bù đắp bằng chính sách tái đào tạo phi công bài bản, sự công bằng trong thu hút nhân lực thì đã đến lúc các hãng bay Việt đang tự giết chết chính mình.

Chiếc bánh đào tạo nhân lực ngành hàng không vốn dĩ rất nhỏ, chiếc lò đào tạo phi công “chậm chạp” ra từng ít bánh mà nay bị chia xẻ ra từng mảng nhỏ thì sớm muộn “cung” không đủ “cầu”, việc cắt giảm chất lượng trong đào tạo phi công sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường (phi công ít, tần suất bay nhiều, đào tạo kém… ).

Ai cũng hiểu việc đào tạo phi hành đoàn hết sức đặc thù vì nó liên quan trực tiếp tới an ninh quốc gia, an toàn hàng không… và nếu sự giành giật nhân lực tiếp tục diễn ra mà không có kiểm soát công bằng bởi cơ quan chức trách thì sớm muộn gì không chỉ mình chị Thảo Vietjet, anh Quyết Bamboo mà anh Thành CEO Vietnam Airlines cũng triền miên đau đầu mất ngủ.

Tiếp theo đó là hàng ngàn hành khách hàng không sẽ tiếp tục vật vờ ở sân bay và đón nhận những chuyến bay delay không giới hạn. Đó là chưa kể việc các phi công vì đồng lương phải đánh đổi sức khỏe bay gấp nhiều lần, đối mặt nguy hiểm khôn lường.

Và khi tất cả hãng bay nội địa không có tiếng nói chung, giành giật thị phần mọi giá, dùng chính sách “đạp đầu nhau” mà sống thì trò chơi vương quyền sẽ nằm trong tay các hãng bay ngoại.

Cần nhớ rằng thị phần hàng không nội địa thực tế không tăng nhanh như các hãng mong muốn. Và chắc chắn không ai được lợi nếu sự cạnh tranh biến thành trận “đại chiến đổ máu”.

Theo Steven Nguyễn

Bài cùng chuyên mục