Khi doanh nghiệp phải tự kêu oan, tự giải oan

Vào ngày 18/8/2018, Công ty CP Con Cưng chính thức được minh oan sau hàng loạt nỗ lực tự cứu mình qua việc chứng minh việc không gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả hàng lậu. Một năm sau, tới lượt một thương hiệu Việt thậm chí lớn hơn - Asanzo lại phải tự kêu cứu, tự minh oan cho mình.

Chừng ấy cũng đủ cho thấy doanh nghiệp Việt đang “bơ vơ” như thế nào.

1. Ngày 17/9 vừa qua tại Hà Nội, Công ty Asanzo đã tổ chức cuộc họp báo với tiêu đề “Chúng tôi được minh oan” nhằm cung cấp các tài liệu, minh chứng nhằm minh oan cho mình, đồng thời thông báo sắp hoạt động trở lại sau thời gian khá dài phải đóng cửa.

Cụ thể trước đó, doanh nghiệp này vướng phải 03 cáo buộc: Giả xuất xứ, vi phạm quy định pháp luật về xuất nhập khẩu và lừa dối khách hàng.

Ông Phạm Văn Tam phát biểu tại Họp báo Asanzo được minh oan tại Hà Nội ngày 17/9 vừa qua.

Và trong họp báo “Chúng tôi được minh oan” vừa qua, luật sư Trần Đức Hoàng, tư vấn pháp lý của Asanzo đã lần lượt làm rõ các hoài nghi, thắc mắc của báo chí, dư luận về các cáo buộc trên, cho thấy: Sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật; Asanzo không sai phạm về xuất nhập khẩu.

Thêm nữa, việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” của Asanzo căn cứ vào việc đã xin phép Sở VH-TT&DL TP. HCM và được đồng ý. Ngoài ra, doanh nghiệp có hợp tác với Sharp Roxy – một công ty con tại HongKong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản). Sharp Roxy cũng đã có văn bản tuyên bố rằng: “Sharp Roxy HongKong đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực…”

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam đã vui mừng thông báo rằng Asanzo được minh oan và công ty đã hoạt động lại bình thường. “Trong đầu tháng 10, chúng tôi sẽ vận hành nhà máy thứ 5, công suất là 2 triệu – 2,5 triệu tivi/năm. Nhà máy này sẽ bằng 4 nhà máy đã có của Asanzo…”, ông nói.

Các bằng chứng Asanzo tự minh oan cho mình.

2. Khi cơ quan chức năng đã không công bố kết luận cuối cùng trong thời hạn 30/8/2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Asanzo đã phải ráp nối các thông báo, kết luận,… của các cơ quan, ban ngành liên quan để tự minh oan cho mình như đã nêu trên.

Nhưng tới lúc này, nói với báo chí, ông Đàm Thanh Thế – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, vụ Asanzo là các cơ quan chức năng làm, phía Văn phòng 389 Quốc gia là cơ quan đôn đốc việc thực hiện. Khi các cơ quan chức năng làm xong thì sẽ có báo cáo gửi về đơn vị. Lúc đó sẽ công khai…

Còn ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT thì nhấn mạnh rằng lực lượng này chỉ tham gia xác minh thông tin theo chỉ đạo của Văn phòng Thường trực 389 về kiểm tra sau thông quan chứ không được lập đoàn thanh kiểm tra và cũng không có thẩm quyền đưa ra kết luận.

Việc các cơ quan chức năng còn chậm trễ, không rõ vai trò, trách nhiệm trong vụ việc, đã khiến doanh nghiệp phải hoạt động “lay lắt” trong thời gian dài, rất dễ dẫn tới phá sản.

Hành trình trên của Asanzo dễ làm cộng đồng liên tưởng tới câu chuyện của Con Cưng. Trước những thiệt hại không thể đong đếm của doanh nghiệp khi bị dư luận xã hội “kết tội”, một lãnh đạo Cục QLTT – Bộ Công Thương nói với báo chí rằng: Con Cưng phải cảm ơn QLTT khi đã giúp chỉ ra lỗi của họ để họ tốt hơn…

Cũng như Con Cưng, Asanzo đã qua ngày thứ 89 kể từ khi cáo buộc Asanzo giả xuất xứ hàng hóa xuất hiện trên mặt báo, gây ra cuộc khủng hoảng toàn diện kéo dài với Asanzo, khiến hệ thống phân phối tê liệt, sản xuất kinh doanh đình đốn.

Ông Tam cho biết: “Trong 89 ngày bị quy kết sai ấy, chúng tôi đã đón tiếp rất nhiều đoàn thanh kiểm tra của các bộ, ngành với tổng cộng 106 cán bộ, công chức vào làm việc với doanh nghiệp. Trong quá trình đó, chúng tôi đã tích cực hợp tác với các đoàn làm rõ các vấn đề liên quan, với mong mỏi có kết luận nhanh nhất có thể để công ty chúng tôi quay lại với công việc sản xuất kinh doanh”.

Chỉ ra lỗi nhưng không giúp doanh nghiệp “vá lỗi” kịp thời, các cơ quan chức năng đã gián tiếp khiến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đi dần vào ngõ cụt.

Asanzo sẽ khai trương nhà máy thứ 5 tại TP.HCM vào khoảng tháng 10/2019, công suất bằng 4 nhà máy đã có cộng lại.

3. Trên báo chí, mạng xã hội nhiều năm qua, chúng ta luôn bắt gặp hằng hà những thông tin các doanh nghiệp đơn lẻ hay cả nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp kêu cứu về rất nhiều vấn đề: Bị làm khó về thủ tục pháp lý, bị chèn ép, bị kết tội “trá hình”,… khiến doanh nghiệp kiệt quệ.

Con Cưng, Asanzo, hay trước đó là rất nhiều doanh nghiệp Việt khác vô tình hay hữu ý bị “kết tội” đã và đang phải tự kêu cứu, giải oan để tìm đường vực dậy.

Sự tự thân vận động ấy không hẳn là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, mà còn là cho thấy sự yếu đuối của các cơ quan hữu trách. Và nếu không có sự nhanh chóng, kịp thời “vá lỗi” bằng trách nhiệm và cầu thị của các ban, ngành, danh sách các doanh nghiệp phải kêu cứu, kêu oan và tự giải oan sẽ còn tiếp tục nối dài.

Đó cũng là con đường nhanh và dễ nhất để “tiêu diệt” doanh nghiệp Việt, triệt tiêu sức mạnh của nền kinh tế đất nước.

Theo An Nhiên/ CLO

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục