Cơ – Nghiệp và viên chức

Chúng ta cần nhìn nhận lại qua sự vụ Cơ - Nghiệp, rằng viên chức không còn là lối đi duy nhất của hiền tài.

Hai anh em “hoàng tử xiếc” Quốc Cơ – Quốc Nghiệp vừa bị trượt viên chức. Ảnh minh họa

Điều bất ngờ thứ nhất, anh em “hoàng tử xiếc” Quốc Cơ – Quốc Nghiệp vừa bị trượt viên chức. Điều bất ngờ thứ hai, lớn hơn, đó là chúng ta vẫn nghĩ anh em Cơ – Nghiệp đã được vào viên chức, đã được nhà nước trọng dụng từ rất lâu chứ không phải bây giờ mới trượt.

Quốc Cơ sinh năm 1984. Quốc Nghiệp sinh năm 1989. Hai anh em theo nghiệp xiếc từ khá sớm, gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Xiếc TP.HCM. Sau đoàn Nghệ thuật Xiếc sáp nhập với đoàn Nghệ thuật Múa rối TP.HCM thành Đoàn nghệ thuật Phương Nam. Hai anh em vẫn gắn bó với đoàn Nghệ thuật Phương Nam.

Năm 2009, 2010, Cơ – Nghiệp hai lần liên tiếp đoạt HCV tại Liên hoan Xiếc Việt Nam. Năm 2012, 2013, họ mang về không dưới 10 HCV, HCB cho xiếc Việt trên đấu trường quốc tế. Năm 2016, họ phá kỷ lục thế giới khi chồng đầu đi 90 bậc thang trong 52 giây tại Nhà thờ Chánh tòa ở thành phố Girona, Tây Ban Nha. Năm 2018, anh em Cơ – Nghiệp tiếp tục làm thế giới sững sờ khi lọt top 5 Britain’s Got talent 2018.

Quốc Cơ là NSƯT năm 28 tuổi- trẻ nhất cả nước. Một thời gian sau, Quốc Nghiệp giành được danh hiệu này năm 27 tuổi, phá kỷ lục NSƯT trẻ nhất của anh mình. Anh em Cơ – Nghiệp cũng là công dân tiêu biểu của TP. HCM năm 2012.

Nhắc lại cả chặng đường của anh em Quốc Cơ – Quốc Nghiệp để thấy: họ đã nỗ lực cống hiến và được ghi nhận từ rất nhiều thang đo tiêu chuẩn cả trong nước và quốc tế, trong một thời gian rất dài.

Vậy thang đo viên chức mà anh em Cơ – Nghiệp vừa trượt có gì khác?

Theo những người xét viên chức, Quốc Cơ – Quốc Nghiệp bị trượt viên chức do “thiếu bằng cấp chuyên môn, do chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật.

Thú vị, khi thông tin anh em Cơ – Nghiệp trượt viên chức khiến dư luận xôn xao cả 1 ngày thì ca sỹ Ngọc Mai- vợ Quốc Cơ chia sẻ trên Tiền Phong: “Hai anh em đi diễn thường xuyên nên cũng ít để ý về chuyện này. Chuyện xét công chức là của những người có trách nhiệm, hai anh em không biết quá trình xét như thế nào? Như thế nào đâu!”.

Sau đó không lâu, Cơ – Nghiệp của chia sẻ trên báo giới một cách điềm đạm. Rằng điều họ muốn là được biểu diễn, được khán giả ghi nhận. Còn chuyện viên chức hay hợp đồng, họ không đặt nặng. Cơ – Nghiệp cũng tái khẳng định họ sẽ gắn bó với Đoàn nghệ thuật Phương Nam vì ân tình với Đoàn Nghệ thuật Xiếc TP.HCM- nơi họ được đào tạo.

Tôi tin những chia sẻ này là chân thành. Bởi thực tế, Quốc Cơ – Quốc Nghiệp là thương hiệu mạnh. Khán giả nhiều nơi chào đón họ. Các đơn vị tổ chức nghệ thuật cũng mong chờ họ trong các đêm diễn. Tức là, cơ nghiệp của anh em họ không nhất thiết nằm ở viên chức nhà nước.

Nhưng một phần quan trọng trong cơ nghiệp của nhà nước là đội ngũ nhân sự. Hay nói trắng ra, trong cuộc tuyển dụng này, phía thiệt thòi là bên tuyển dụng- nhà nước.

Bởi, không ai đảm bảo bản hợp đồng mong manh sẽ níu chân anh em Cơ – Nghiệp. Không ai đảm bảo đến một ngày, anh em Cơ – Nghiệp nhận ra, ân tình của họ với Đoàn Nghệ thuật Xiếc đã được trả sòng phẳng cả vốn lẫn lãi qua tấm huy chương quốc tế.

Rõ ràng, chúng ta cần nhìn nhận lại qua sự vụ Cơ – Nghiệp. Rằng viên chức không còn là lối đi duy nhất của hiền tài. Và, những người chèo lái “cỗ xe cầu hiền” cần ý thức được điều này mà đưa ra những đề nghị thích hợp để lựa chọn người cùng chung gánh vác cơ nghiệp quốc gia.

Vì dù có hệ thống thang đo như nào thì trăm cái bằng, không bằng bằng lòng.

Theo cuocsongantoan.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục