CEO ‘cùi bắp’ địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và thủ đoạn lừa 100 người thân
Nhiều sự thật bị phơi bày về công ty địa ốc Alibaba lừa đảo 6.700 khách hàng với 2.500 tỷ. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện, chủ mưu của vụ lừa đảo đình đám này đã bị bắt giam để điều tra chân tướng sự việc.
Chân tướng chủ mưu – CEO Nguyễn Thái Luyện
Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, quê Gia Lai, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), từng học trường ĐH Mở TP.HCM. Luyện vốn là nhân viên môi giới bất động sản dạng nhỏ lẻ, kiếm sống bằng nghề môi giới đất nền ở khu vực vùng ven TP.HCM và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Có chút kinh nghiệm, tháng 5/2016, Luyện thành lập công ty CP địa ốc Alibaba, trụ sở chính ở đường Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức.
“CEO cùi bắp” chính là cái tên mà Nguyễn Thái Luyện tự nhận trong một văn bản gửi cho khách hàng cách đây không lâu. Luyện tổ chức, vận hành công ty địa ốc Alibaba theo cách không giống ai, dùng chiêu thức tinh vi, lập dự án ma, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để lừa khách hàng; đồng thời liên tục gây chú ý bởi những phát ngôn, cách hành xử gây sốc.
Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989), em trai Luyện là người đại diện pháp luật của công ty, còn Luyện với tư cách Chủ tịch HĐQT đã điều phối toàn bộ cái gọi là “tập đoàn” địa ốc Alibaba.
Cơ quan CSĐT xác định, Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu vụ án lừa đảo này; chỉ đạo cho các người thân, nhân viên tin cậy thu gom đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh thành, tự vẽ ra là khu dân cư cao cấp để rao bán, lừa khách hàng. Nguồn tiền để duy trì hoạt động công ty, tiền thu gom đất là nguồn tiền khách hàng đóng vào để mua đất.
Luyện chỉ đạo nhiều nhân viên đứng tên lập nhiều công ty con để phục vụ cho việc giao dịch, ký kết hợp đồng với khách hàng.
Sách dạy nhân viên lừa 100 người thân
Cộng đồng mạng đang chia sẻ nội dung về cuốn sách “Cẩm nang sale bất động sản” được cho là của CEO Nguyễn Thái Luyện.
Trong đó, Luyện “dạy” nhân viên những chiêu thức mượn tiền người thân quen bằng cách lên danh sách, liệt kê khoảng 100 người và chỉ cần mượn mỗi người 10 triệu đồng.
Sau đó gọi điện thoại cho từng người hỏi thăm sức khoẻ, thông tin về công ty, về sản phẩm, cơ hội đầu tư lợi nhuận 28%/năm vài lần trước khi mượn tiền đầu tư
“Và bây giờ, anh chị sale Alibaba thực hành đoạn nội dung sau: “Ba mẹ, cô dì, chú bác, anh chị sale Alibaba, bạn bè gì đó… Con đang đầu tư lô đất 400 triệu, con mượn tạm 10 triệu, tháng sau con gửi lại được không?
Mua lô đất 400 triệu, mượn 10 triệu thì sẽ có nhiều người thân cho mượn. Anh chị sale Alibaba đừng mượn một lúc 400 triệu đồng, sẽ không ai cho mượn” – trích 1 đoạn trong cuốn sách.
Nhân viên sống chết với Alibaba và Nguyễn Thái Luyện
Trong các dự án ma, Luyện và bộ sậu Alibaba đã chủ trương bán với giá cực rẻ cho các nhân viên sale. Mang tiếng là ưu đãi nhưng giá cũng khá lời so với giá gốc. Các nhân viên mua đất giá rẻ, sử dụng chính đó để đi chào mời, giăng bẫy khách hàng.
Khi địa ốc Alibaba bị phanh phui, điều tra thì các nhân viên Alibaba liên tục đứng ra bảo vệ, dễ hiểu, vì có phần tiền của các nhân viên này đóng vào.
Bên cạnh đó, Luyện và bộ sậu Alibaba đã tinh vi khi tổ chức kinh doanh, môi giới bất động sản theo hình thức đa cấp.
Khi các nhân viên kéo thêm người tham gia thì lập tức được thăng chức dần dần. Do đó nhiều nhân viên nỗ lực kéo người tham gia vào “tập đoàn” để thành… lãnh đạo.
Tính đến thời điểm hiện tại lượng nhân viên của Alibaba và các công ty con là 2.600 người, nhưng công an cho rằng, có thể còn đông hơn.
Thủ đoạn khác là bộ sậu Alibaba trong các đợt định kỳ bổ nhiệm cấp quản lý dựa vào hiệu quả công việc đã có tổ chức trao thưởng các vật phẩm giá trị, điển hình là ô tô.
Thu 9 tỷ, hàng trăm miếng, thỏi kim loại màu vàng…
Qua công tác khám xét, Công an thu giữ: 376 thùng tài liệu, hơn 9 tỷ đồng tiền mặt, 257 miếng kim loại màu vàng, 20 thỏi kim loại màu vàng đang được giám định, 3 xe ô tô các loại, 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nhiều tỉnh, thành…
Bước đầu xác định, đã có hơn 6.700 khách hàng “sập bẫy” với số tiền chiếm đoạt lên đến 2.500 tỷ đồng.
Bộ Công an cũng xác định có 40 dự án “ma”, trong đó khoảng 29 dự án, nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, số còn lại ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận.
Đường đi của 2.500 tỷ lừa đảo
Ngay giai đoạn đầu điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phong toả một số tài sản ngân hàng của địa ốc Alibaba, của Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh. Về số tiền trong đây, hiện cơ quan Công an chưa tiết lộ. Động thái này của Công an nhằm góp phần vào việc khắc phục hậu quả của vụ án.
Tuy nhiên, số tang vật tài sản thu giữ, số tiền trong các tài khoản ngân hàng là… không đáng kể so với số tiền 2.500 tỷ đồng trên.
Anh em Luyện – Lĩnh khai, phần lớn tiền khách hàng đóng vào, sử dụng để mua đất nông nghiệp vẽ ‘dự án ma’ tiếp tục lừa đảo và trả lãi cho khách hàng tham gia vào sau. Ngoài ra, có những khoản trích từ tiền khách hàng, Luyện sử dụng để dùng cá nhân, mua ô tô các loại để sử dụng nhằm tạo ra thanh thế, uy tín cho tên tuổi cá nhân và bộ sậu trong ‘tập đoàn’ Alibaba.
CEO địa ốc Alibaba còn khai báo, dòng tiền khách hàng đóng vào luôn luôn phải… xoay vòng. Một phần để duy trì hoạt động của “tập đoàn”, lập ra hàng loạt chi nhánh, trả lương cho đội ngũ nhân viên để phục vụ cho việc kinh doanh, bán các dự án “ma”.
Hay như các khoản khác, điển hình là việc thưởng ô tô, các vật phẩm có giá trị cao để khích lệ tinh thần nhân viên, thưởng tiền mặt cho nhân viên khi lôi kéo người khác tham gia vào, đều được bộ sậu Alibaba sử dụng từ khoản tiền chiếm đoạt của khách hàng.
Anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hiện cơ quan công an đang trong giai đoạn mở rộng điều tra, làm rõ vai trò, xử lý các cá nhân khác có liên quan.
Theo Đ.Bảo (tổng hợp)/ VietnamNet