‘Lộ diện’ những ứng viên nội ‘gánh’ nhiệm vụ thi công cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chính thức hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Như vậy, sẽ chỉ có nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án, nhưng đơn vị nào đủ sức gánh vác trọng trách trên?

“Chọn cửa” Tập đoàn Đèo Cả

Gương mặt sáng giá nhất phải kể Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, đây là doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu tại các dự án trọng điểm quốc gia, đòi hỏi nguồn vốn lớn, kỹ thuật cao cùng công nghệ hiện đại.

Ví dụ như dự án Hầm đường bộ Đèo Cả (có tổng mức đầu tư 11.300 tỷ đồng); hay như Dự án hầm đường bộ Phú Gia – Phước Tượng (tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng).

Đáng chú ý, Tập đoàn Đèo Cả còn được mệnh danh là “vua giải cứu” khi trước đó, tại dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, nhà đầu tư là Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đã “bỏ chạy” khiến dự án 12.000 tỷ đồng đứng trước nguy cơ phá sản.

Năm 2017, Bộ GTVT đã quyết định chấm dứt hợp đồng với UDIC và giao cho Tập đoàn Đèo Cả thi công. Sau 2 năm “giải cứu”, hiện tuyến cao tốc này đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng thông xe vào tháng 10 tới.

Cao tốc Lạng Sơn- Bắc Giang dự kiến sẽ thông xe trong tháng 10/2019

Một cao tốc khác mà Đèo Cả cũng lãnh trách nhiệm “giải cứu” đó là dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Đây là tuyến cao tốc trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có số vốn khoảng 6.900 tỷ đồng.

Từ trung tuần tháng 4 đến nay, sau khi được Tập đoàn Đèo Cả tiếp nhận, BOT Trung Lương – Mỹ Thuận băng băng về đích và có thể thông xe vào năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ lãnh trách nhiệm “giải cứu” các tuyến cao tốc mà bản thân Tập đoàn Đèo Cả cũng đã “trúng thầu” Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng có chiều dài 43km có tổng vốn 8.700 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2020 dự án này cũng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Nhiều ẩn số từ các “ông lớn”

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng – Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư (PPP), Bộ GTVT cho biết Tập đoàn Đèo Cả là một nhà thầu nội “nặng ký” và sáng giá. Tuy nhiên, cũng không ít các “ông lớn” khác sẵn sàng tham gia đấu thầu 8 dự án theo mô hình PPP thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông.

Ông Huy liệt kê một số nhà thầu đáng chú ý như Tập đoàn Sun Group, Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty cổ phần Tasco; Tập đoàn Trung Sơn, một số liên danh trong nước… hoặc có thể cả Tập đoàn Vingroup.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, những cái tên mà ông Nguyễn Danh Huy vừa nêu đã khá quen thuộc trong ngành giao thông gồm: Sun Group (đơn vị xây dựng sân bay Vân Đồn, ngoài ra còn là “ông chủ” cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và bến tàu khách quốc tế Hạ Long);

Công ty Tasco của Chủ tịch Phạm Quang Dũng, dù hiện đang trong tình trạng bết bát khi giá cổ phiếu “chạm đáy” chỉ còn khoảng 4.000 đồng/1 cổ phiếu, tuy nhiên vẫn là “ông trùm” BOT khi đang là “ông chủ” hàng loạt BOT như: BOT Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình; BOT Cầu Tân Đệ; BOT Quốc lộ 10 Hải Phòng; BOT Mỹ Lộc… Rõ ràng, với bề dày kinh nghiệm thì Tasco cũng là cái tên đáng chú ý.

Hiện tại, trong các nhà thầu còn lại như Vinaconex, Trung Sơn, các liên danh nhà thầu… đáng chú ý sẽ có thể xuất hiện Vingroup tham gia.

Nếu điều này trở thành hiện thực thì có thể coi là “tin mừng”. Vì Tập đoàn Vingroup với uy tín và thương hiệu sẽ tạo một dòng vốn mới, một sức bật mới… có thể là “cuộc cách mạng” thay đổi mang tính đột phá cho các dự án giao thông hiện nay.

Rõ ràng, chúng ta có quyền kỳ vọng vào những tín hiệu vui đến từ nhà thầu nội. Nhưng trên tất cả, tín hiệu vui nhất phát đi chính là quyết định táo bạo từ Bộ GTVT khi hủy kết quả sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế để đấu thầu rộng rãi trong nước. Chắc chắn đó là quyết định mà nhiều người dân Việt chờ đợi.

Theo Đinh Tịnh/ VietNamFinance

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục