Bồi thường bổ sung cho người dân Thủ Thiêm
Các hộ dân thuộc khu đất 4,3 ha ở Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM sẽ được bồi thường bổ sung bằng giá đất theo hệ số quy đổi với 3 phương án là nhận tiền, nền đất tái định cư hoặc nhà tái định cư
Ngày 6/10, HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức kỳ họp thứ 16 (bất thường) để xem xét một số tờ trình của UBND TP.HCM. Trọng tâm của cuộc họp nhằm thông qua chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với 331 hộ dân ở khu đất 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An, quận 2). Khu đất này đã được xác định nằm ngoài ranh khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm theo Kết luận 1483 ngày 4/9/2018 của Thanh tra Chính phủ.
Nên nhận nền đất hoặc nhà
Trình bày tờ trình về chính sách này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh việc ban hành chính sách nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội. TP cần khẩn trương thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung để bảo đảm an dân, hạn chế phát sinh các tình huống phức tạp.
Theo ông Võ Văn Hoan, nội dung chính sách dự kiến đã được TP nhiều lần lấy ý kiến của các hộ dân liên quan. TP đã tiếp xúc, lấy ý kiến 308 hộ dân, 23 hộ có mời nhưng không đến hoặc không liên lạc được. Kết quả: 172 hộ (55,8%) đồng ý với chính sách dự kiến; 108 hộ (35%) cơ bản đồng ý nhưng đề nghị xem xét, làm rõ một số nội dung và 27 hộ (8,7%) không đồng ý. Ngoài ra, một hộ đến tiếp xúc nhưng không đồng ý ký biên bản.
Vì sao gọi chính sách sắp tới là “bổ sung”? ông Võ Văn Hoan giải thích do trước đây người dân đã nhận bồi thường nhưng nay do thực hiện Kết luận thanh tra nên tiếp tục hỗ trợ bổ sung cho phù hợp. “Quan điểm của TP là bồi thường bổ sung làm sao có lợi nhất cho dân. TP xem tất cả các loại đất không phải đất ở trong khu 4,3 ha là đất ở để tính bồi thường hỗ trợ bổ sung; áp dụng chính sách bồi thường năm 2019 chứ không phải từ mười mấy năm trước và do không tái định cư tại chỗ nên người dân có 3 phương án lựa chọn là nhận tiền, nền đất tái định cư và nhà tái định cư” – phó chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Người dân có quyền lựa chọn bất kỳ phương án nào nhưng TP khuyến khích chọn đất nền hoặc nhà thay vì nhận tiền. Với phương án áp dụng hệ số quy đổi, cùng khoản tiền tái định cư, người dân có thể chuyển sang nhận nền đất, nhà tái định cư và có thể giao dịch trên thị trường để chuyển thành tiền cao hơn; còn nếu nhận tiền từ giá của nhà nước thì không cao. Quỹ nhà, đất tái định cư để bố trí cho người dân TP đã chuẩn bị đầy đủ.
Người dân có hai cách nhận bồi thường là hoàn trả lại khoản bồi thường trước đây đã nhận để nhận lại toàn bộ theo giá trị hiện nay hoặc nhận phần chênh lệch giữa bồi thường trước đây và bổ sung hiện nay.
Triển khai trong thời gian sớm nhất
Báo cáo thẩm tra tờ trình này, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, nhận thấy việc quyết định chủ trương để UBND TP xây dựng, ban hành chính sách giải quyết bồi trường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân khu đất 4,3 ha là cần thiết. HĐND TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện chính sách theo quy định pháp luật, minh bạch, công khai. Ngay sau đó, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua tờ trình về chủ trương xây dựng chính sách. Đây sẽ là cơ sở để sắp tới, UBND TP.HCM lên kế hoạch bồi thường bổ sung cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, khẳng định việc thông qua chủ trương trên để có định hướng, tạo điều kiện cho UBND TP.HCM thực hiện các bước tiếp theo nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Chủ tịch HĐND TP đề nghị HĐND TP, các ban của HĐND TP, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP.HCM giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND TP bảo đảm tuân thủ pháp luật, đáp ứng quyền lợi của người dân, không để phát sinh khiếu nại.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết TP đang tập trung thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về quá trình thực hiện quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, với trọng tâm là sớm giải quyết quyền lợi của người dân và hoàn thành quy hoạch theo đúng quy định. Việc này nhằm bảo đảm Thủ Thiêm sớm trở thành trung tâm đô thị mới, gắn kết thống nhất với trung tâm hiện hữu, đáp ứng yêu cầu phát triển.
“TP.HCM xác định đầu tư, xây dựng KĐTM Thủ Thiêm là xây dựng khu đô thị để phát triển bền vững, kết hợp chặt chẽ với các điều kiện cảnh quan tự nhiên, tạo không gian mở, tiện ích dịch vụ công cộng” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói. Từ các định hướng này, KĐTM Thủ Thiêm đã từng bước được hình thành. Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng trân trọng ghi nhận và chân thành cảm ơn người dân TP trong các khu vực quy hoạch đã chấp hành di dời. Ông chia sẻ những khó khăn, xáo trộn trong cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, để TP triển khai được các dự án phát triển. Chính sách này đã xem xét, bàn bạc và thảo luận thấu đáo nhiều lần.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu sau kỳ họp, UBND TP nhanh chóng ban hành và triển khai chính sách bổ sung theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM và kết luận của Thanh tra Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Tại kỳ họp lần này, các đại biểu tiến hành bầu bổ sung Chánh Văn phòng UBND TP.HCM – ông Hà Phước Thắng và Chánh Thanh tra TP.HCM – ông Đặng Minh Đạt – làm ủy viên UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021.
Tăng phí đăng ký ôtô từ 17/10
Kỳ họp HĐND TP.HCM lần này cũng thông qua chủ trương tăng mức phí đăng ký mới ôtô, xe máy lên mức cao nhất được quy định trong thông tư của Bộ Tài chính.
Theo đó, phí đăng ký ôtô dưới 9 chỗ ngồi có mức tăng cao nhất, từ 11 triệu đồng lên 20 triệu đồng mỗi lần cấp; các loại ôtô khác (trừ ôtô dưới 9 chỗ ngồi) mức phí đăng ký tăng thêm từ 150.000 đồng lên 500.000 đồng/xe. Sơmi rơ-moóc đăng ký rời, rơ-moóc (xe container) tăng từ 150.000 lên 200.000 đồng; xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống, mức phí đăng ký tăng từ 750.000 đồng lên 1 triệu đồng; xe máy trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng mức phí đăng ký tăng từ 1,5 triệu đồng lên 2 triệu đồng; xe máy hơn 40 triệu đồng tăng từ 3 lên 4 triệu đồng. Mức phí này tương đương mức TP Hà Nội đang thu và sẽ được áp dụng từ ngày 17/10. Các đại biểu cũng nhất trí thông qua Nghị quyết về đầu tư 100 tỉ đồng xây dựng trung tâm khởi nghiệp TP để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Giải quyết khiếu nại trong năm 2019
Bên lề kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chia sẻ 3 đầu việc lớn mà TP đang tập trung giải quyết liên quan đến KĐTM Thủ Thiêm. Đó là những vấn đề liên quan đến khu đất 4,3 ha; những nội dung liên quan đến 5 khu phố ở 3 phường Bình An, Bình Khánh và An Khánh; giải quyết các khiếu nại của một số hộ dân về chính sách bồi thường.
Ông cho biết dự kiến tháng 11/2019, UBND TP.HCM sẽ công bố các giải pháp đối với 5 khu phố ở 3 phường. Đối với những vấn đề liên quan đến khiếu nại của một số hộ dân, TP sẽ cố gắng giải quyết trong năm nay, theo hướng tính toán bổ sung quyền lợi cho người dân.
Cụ thể, đối với những hộ dân ở 5 khu phố thuộc 3 phường trên, TP đã tổng kiểm tra rà soát các cơ sở pháp lý và đã báo cáo Thanh tra Chính phủ. Hiện TP đang chờ Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng, sau đó sẽ có thông báo cho người dân. Riêng chính sách chung cho những hộ dân có đơn khiếu nại tại KĐTM Thủ Thiêm, hiện có 10 nhóm chính sách hỗ trợ bổ sung, đó là những trường hợp đơn lẻ. Chủ yếu do trước đây có những chính sách áp dụng thời điểm không phù hợp, nay áp dụng lại thời điểm cho phù hợp.
Theo Phan Anh/ NLĐO