Dự án Công viên Sài Gòn Safari: “Giao trứng cho ác?”

Dự án Công viên Sài Gòn Safari bị "đắp chiếu" gần 2 thập kỷ qua bởi Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn không đủ năng lực triển khai nhưng UBND TPHCM lại bàn giao làm chủ đầu tư dự án này.

Dự án Công viên Sài Gòn Safari: “Giao trứng cho ác?”

Ông Đặng Công Huẩn, Phó tổng Thanh tra Chính phủ ký ban hành Thông báo số 1007/TB-TTCP về thanh tra toàn diện dự án Thảo Cầm Viên mới tại huyện Củ Chi, TPHCM – Sài Gòn Safari.

Đây là dự án trong lĩnh vực văn hóa du lịch nhưng UBND TPHCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý theo quy định, diện tích phải thu hồi rất rộng (456,85ha).

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND TPHCM giao cho Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án trong khi đơn vị này không đủ năng lực triển khai thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án chưa triển khai được. Trách nhiệm này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP giai đoạn 2001-2006.

Riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau 13 năm kể từ ngày UBND TPHCM có văn bản chấp thuận thì đồ án mới hoàn thành và được phê duyệt là thời gian quá dài, trong khi đây là tài liệu quan trọng để quyết định đầu tư dự án.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra các nguyên nhân gây nên sự ì ạch này. Trong đó, Thanh tra Chính phủ xác định có nguyên nhân chủ quan là do các cơ quan chức năng của TPHCM chưa cố gắng tìm giải pháp phù hợp để báo cáo xin chỉ đạo của Thủ tướng.

Đáng chú ý, về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Thanh tra Chính phủ xác định, phương án giá đưa ra có một số nội dung không phù hợp quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm đó, cũng như việc áp giá đền bù chưa phù hợp làm phát sinh chi phí đền bù tăng 104,7 tỷ đồng.

Cụ thể, Thanh tra đã kiểm tra 705 hồ sơ đền bù, thấy có đến 578 hồ sơ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây hàng năm (màu, lúa màu) hoặc đất trồng cây lâu năm (màu, vườn, thổ vườn).

Tuy nhiên huyện Củ Chi đã áp giá “đất vườn gò trong khu dân cư”, với đơn giá 150.000 đồng/m2, cao gấp đôi đất trồng cây lâu năm. Việc này khiến số tiền chi tăng thêm hơn 104,7 tỷ đồng.

Số tiền này đã được chi trả cho 689/705 hộ dân. Số tiền này đã được chi trả đủ cho người dân, qua thanh tra chưa phát hiện có dấu hiệu vụ lợi, nhưng cần phải kiểm điểm một cách nghiêm khắc.

Trách nhiệm trong khâu bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng này thuộc về UBND TP, Hội đồng Thẩm định giải phóng mặt bằng thành phố và Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi.

Thanh Tra Chính phủ cũng cho biết, việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án tái định cư phục vụ dự án Công viên Sài Gòn Safari đã được thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, việc xây dựng Khu tái định cư chậm được triển khai theo chỉ đạo của UBND TPHCM (tại Thông báo số 141/TB-VP ngày 3/3/2014) và đến nay dự án tái định cư vẫn chưa được thực hiện mặc dù đã có mặt bằng và nguồn kinh phí để thực hiện.

“Theo quy định của pháp luật, cũng như quy định tại Phương án số 99 thì việc xây dựng khu tái định cư phải làm đồng thời với việc giải phóng mặt bằng. Trường hợp chưa có khu tái định cư thì phải di dời người dân đến nơi bố trí tạm cư hoặc chi tiền tạm cư. Nhưng tại Dự án Công viên Sài Gòn Safari, các cơ quan có liên quan lại cho phép người dân tạm cư tại chỗ. Hậu quả của việc chậm trễ trong xây dựng khu tái định cư và việc không bố trí tạm cư, không chi tiền tạm cư là những lí do mà người dân khiếu nại, chưa chịu bàn giao mặt bằng”, thông báo nêu rõ.

Dự án khủng vẫn là cánh đồng hoang

Theo Thanh tra Chính phủ, việc xây dựng Khu tái định cư tại Dự án Công viên Sài Gòn Safari đến nay vẫn chưa được thực hiện dù đã có mặt bằng và nguồn kinh phí để thực hiện.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân bức xúc, khiếu nại trong gần… 2 thập kỷ qua.

Liên quan đến vấn đề xây dựng khu tái định cư cho dự án này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư để bố trí nơi ở cho những hộ dân đã đăng ký tái định cư.

Trong thời gian chưa xây dựng xong khu tái định cư thì UBND TPHCM cần tìm nơi tạm cư, chi tiền tạm cư cho các hộ này, đồng thời chỉ đạo UBND huyện Củ Chi và Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn có phương án, biện pháp hữu hiệu để quản lý diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng của dự án, cương quyết không để người dân tái sử dụng.

Hoàng Duyên/Theo Công Luận

 

 

Bài cùng chuyên mục