Đất ‘chùa’… tranh nhau đoạt

Một vài ngôi chùa và đình ở TP.HCM bị 'rỉa' mất đất, năm này qua tháng nọ. Tranh chấp chưa có hồi kết.

Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Phan Thị Thắng, trong chuyến giám sát tình hình bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM chiều 17/10, đã phát hiện nhiều chi tiết “lạ”.

Thầy chùa đoạt đất nhà chùa để cho thuê

Chùa Giác Lâm (565 Lạc Long Quân, phường 10, Q.Tân Bình, TP.HCM) là ngôi chùa cổ nhất ở TP.HCM. Nơi đây có kiến trúc và các hiện vật tiêu biểu đặc trưng văn hóa Nam bộ, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 1988. Chùa Giác Lâm do ông Lý Thụy Long (người Minh Hương) quyên tiền xây dựng năm 1744, là tổ đình của phái Lâm Tế.

Bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM – làm việc ở đình Tân Phước, Q.Tân Bình, TP.HCM chiều 17/10

Tuy nhiên, hiện đang có vụ tranh chấp đất giữa hòa thượng Thích Huệ Xướng và đại diện chùa Giác Lâm về diện tích 3.162,1m2 đất.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Tiến – Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, tranh chấp này xảy ra đã hơn 10 năm. Diện tích đất tranh chấp hơn 3.000m2, nằm trong khuôn viên chùa Giác Lâm.

Ngày 16/8/2018, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM xác định, tài sản chùa Giác Lâm là tài sản chung do Giáo hội Phật giáo quản lý; đề nghị nhà nước ngăn chặn tổ chức cá nhân mua bán, chuyển nhượng tài sản của chùa Giác Lâm.

Chùa Giác Lâm – ngôi chùa cổ nhất tại TP.HCM

Sau đó, vào ngày 6/9/2018, Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM xác định, diện tích 3.162,1m2 do ông Nguyễn Thành Ca (tức hòa thượng Thích Huệ Xướng) đang sử dụng để cho thuê buôn bán cây cảnh và xây nhà trái phép là không đúng quy định.

Tuy vậy, cơ quan có vai trò mấu chốt giải quyết tranh chấp đất đai là Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vẫn im lặng, chưa ra quyết định giải quyết tranh chấp. Vì thế, đến nay, quận Tân Bình chỉ ra yêu cầu không được xây dựng các công trình mới ở diện tích đất tranh chấp.

Dân lấn chiếm đất chùa Giác Lâm

Trong khi đó, chùa Giác Lâm đang xuống cấp, xin tu sửa và cần mở rộng không gian để đáp ứng nhu cầu khách tham quan và phật tử.

Đất đình cho mượn rồi ở luôn

Đình Tân Phước (254/4 đường Âu Cơ, phường 9, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã hơn 100 tuổi và đã được trùng tu khang trang, rộng rãi trên tổng diện tích 488,4m2. Nơi đây thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội như lễ Kỳ yên, Vía bà, cúng Thượng ngươn, cúng Hạ ngươn…

Nơi đây cũng có bia tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

Đình Tân Phước, Q.Tân Bình, TP.HCM

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Trung – Hội trưởng Ban trị sự đình Tân Phước – hiện có 4 gia đình đang lấn chiếm đất của đình. Sự việc xảy ra vào những năm 1977-1978, 7 gia đình đi kinh tế mới về, gặp khó khăn nên được cho ở nhờ. Sau đó, được hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ nên có 3 gia đình đã rời đi. Những gia đình còn lại, theo đánh giá của chính quyền địa phương, là rất khó khăn nên không biết đi đâu.

Bên trong đình Tân Phước

Trong khi đó, đất đình Tân Phước lại chưa hề được hợp pháp bằng sổ đỏ. Vì thế, việc lấy lại đất của đình chỉ dựa vào khả năng vận động miệng. 4 hộ gia đình này đang cư ngụ trong diện tích 60m2 phía sau đình Tân Phước.

Để tránh mất đất, Ban trị sự đình Tân Phước đã viết bản hợp đồng giấy tay, cho phép 4 hộ được ở nhờ trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, đến nay, đã quá thời hạn này, người dân vẫn không chịu trả đất lại cho đình Tân Phước.

Những hộ gia đình sống nhờ trên đất của đình Tân Phước

Bà Phan Thị Thắng – Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, sau khi nắm tình hình quản lý các di tích, đã đề nghị chính quyền địa phương tìm phương án di dời các hộ dân lấn đất của đình, chùa. Tuy nhiên, bà cũng yêu cầu phải khảo sát kỹ đời sống của dân để biết họ gặp khó khăn gì.

Theo bà Thắng, đình, chùa ở các nước trên thế giới là những địa điểm thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan. Vì thế, phải tìm cách quảng bá và bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc.

Theo Hiếu Nguyễn/ Báo Phụ nữ TP.HCM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục