Nhơn Hội – Bình Định: Quy hoạch treo 10 năm, dân khốn đốn lay lắt

Hơn một thập kỷ qua, người dân ở vùng đệm khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) phải sống lay lắt trong vùng quy hoạch “treo”. Các dự án bị “treo” quá lâu, người dân muốn dọn đi không được, ở lại cũng chẳng xong.

Hơn một thập kỷ qua, người dân ở vùng đệm khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) phải sống lay lắt trong vùng quy hoạch “treo”. Các dự án bị “treo” quá lâu, người dân muốn dọn đi không được, ở lại cũng chẳng xong.

Người dân vẫn chưa thể an cư ở khu tái định cư Nhơn Phước. Ảnh: P.V

Vườn không, nhà trống

Nhiều năm nay, dọc tuyến đường ĐT639, đoạn qua các thôn Hội Tân, Hội Thành (xã Nhơn Hội, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) trong cảnh điêu tàn bởi có nhiều căn nhà cũ kỹ, hư hỏng, vườn tược hoang hoá…

Mười mấy năm nay, ông Trần Anh Quang (66 tuổi, thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội) phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” bởi sổ đỏ nhà đất không được cấp. Vì vậy, gia đình ông đem sổ nhà đất cũ đến vay vốn làm ăn, ngân hàng không cho vay. Ngay cả đến việc lắp đặt nước máy sinh hoạt cũng không được khiến người dân như “chết cứng” trên khu đất của mình. Nhiều hộ gia đình chịu đựng không nổi đành bỏ nhà, bỏ xứ tha phương cầu thực.

Cảnh tượng trên còn diễn ra tại tại thôn Nhơn Phước (xã Nhơn Hội) khi nơi đây cũng có hàng chục hộ dân đang bị “mắc kẹt”. Bà Nguyễn Thị Tám (56 tuổi) bức xúc: “Quy hoạch “treo” cả chục năm như thế này rất vô lý. Gia đình tôi có 4 người con, giờ con cái đều dựng vợ gả chồng, muốn tách sổ chia nhà cho con cái cũng không được. Cứ xây cái gì là chính quyền xuống bắt tháo dỡ, thậm chí cưỡng chế đòi đập”.

Không chỉ “treo” đất nhà, 2 cánh đồng Tứ Niên và Gò Dê (có diện tích gần 20ha) cũng bị “treo”. Trước đây, 2 cánh đồng này được sử dụng để trồng lúa. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, khi địa phương quy hoạch Khu kinh tế Nhơn Hội, cánh rừng dương bạt ngàn phía đồi cát cũng dần bị quật ngã. Mất rừng dương khiến nguồn nước ngọt cũng mất, từ đó đồng Tứ Niên (15ha) nhiễm mặn hoang hóa.

Năm 2010, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đặt thêm một dự án “treo” ở cánh đồng Gò Dê (5ha) với khu tái định cư Nhơn Phước. Song khu tái định cư này cũng dang dở vì dính các tranh chấp bồi thường giữa người dân mua ruộng và bán ruộng (12/24 trường hợp).

Qua tìm hiểu, khu tái định cư Nhơn Phước có khoảng 709 hộ dân (gần 2.800 nhân khẩu), đa số là dân ở vùng ven, ảnh hưởng từ Khu kinh tế Nhơn Hội di dời đến. Trước đây, tất cả họ đều hành nghề đánh bắt, nuôi hải sản ở ven đầm Thị Nại hoặc là cư dân làng chài ven biển… Nhưng sau 10 năm đến nơi ở mới, người dân ở khu tái định cư này vẫn chưa thể an cư, hiện có 500 người dân ở lứa tuổi 50 trở lên đang không có việc làm, sống lay lắt.

Khi nào di dời?

Ông Phạm Văn Liêm – Trưởng thôn Nhơn Phước – cho biết, khi bố trí tái định cư đến nơi ở mới, nhà nước chỉ hỗ trợ gạo ăn 3 năm cho dân. Tuy nhiên, đến nay, việc hỗ trợ gạo đã 10 năm mà vẫn không có cách nào tháo gỡ được. Số dân 50 tuổi trở lên này hiện chỉ có 15 người có lương, số còn lại phải đến 80 tuổi thì mới được hưởng bảo trợ xã hội 270.000 đồng/tháng. Nhiều gia đình đã bán nhà cửa đất đai ở khu tái định cư để đi đến nơi khác, hoặc trở lại nơi ở cũ. Có người bế tắc quá đòi xin đến viện dưỡng lão.

Chưa hết, theo Trưởng thôn Phạm Văn Liêm, 10 năm qua đang tiếp diễn tình trạng khiếu kiện khiếu nại vượt cấp của hàng chục hộ dân diện giải tỏa đền bù cho khu tái định cư Nhơn Phước. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đến rồi lại bỏ về, không chịu hợp tác.

“Quá trình giải tỏa, bồi thường kéo dài thành nhiều đợt, thực hiện theo nhiều quyết định khác nhau nên phát sinh bất cập. Các chính sách, quy định, quyết định hỗ trợ giải phóng mặt bằng không thống nhất, liên tục thay đổi, chênh lệch nhau tiền hỗ trợ lên cả tỉ đồng. Từ đó, người đi trước thấy mình quá thiệt thòi nên quay lại đòi quyền lợi, đẩy cao mâu thuẫn” – ông Liên giải thích.

Ông Phan Viết Hùng – Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định – nói rằng, vùng dân cư dọc tuyến đường ĐT639 nằm trong quy hoạch vùng đệm cách ly các khu công nghiệp của Khu kinh tế Nhơn Hội nên buộc phải di dời. “Trong câu chuyện này, cũng có phần lỗi của tỉnh. Do thời điểm quy hoạch khu kinh tế, ngân sách địa phương còn khó khăn, không thể giải tỏa trắng, giải quyết các vấn đề một lần được. Từ đó, tỉnh phải làm theo kiểu “cuốn chiếu”, mời gọi được nhà đầu tư thì mới tính đến việc giải tỏa, di dời” – ông Hùng cho hay.

Cũng theo Phó ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, sắp tới Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét phê duyệt quy hoạch ven đầm Thị Nại. Chậm nhất trong năm 2020 hoặc năm 2021 sẽ tiến hành di dời, giải tỏa vùng dân cư này.

Còn đối với khu tái định cư Nhơn Phước, ông Hùng cho biết, do người dân kiện cáo lên tận Tòa án Tối cao nên địa phương phải dừng dự án chuyển đi nơi khác…

Theo Nguyễn Tri/ Lao động

Nguồn: https://laodong.vn/bat-dong-san/nhon-hoi-binh-dinh-quy-hoach-treo-10-nam-dan-khon-don-lay-lat-774312.ldo

 

Bài cùng chuyên mục