Giáo dục giới tính cho trẻ: “Vẽ đường cho hươu chạy còn hơn để hươu lạc đường?”

Thời gian gần đây, nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khiến cho nhiều trẻ em phải gánh chịu ảnh hưởng, hậu quả lớn do nhận thức sai lệch về các vấn đề giới tính. Những hồi chuông báo động liên tục này đang nhắc nhở mọi người quan tâm hơn trong vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ.

Tâm lý còn e ngại

Quá trình giáo dục giới tính nhằm cung cấp những thông tin về sự phát triển trong cơ thể, giới tính, tình dục, xây dựng những kỹ năng giúp trẻ có thể giao tiếp và đưa ra những quyết định liên quan đến sức khỏe hay quan hệ tình dục.

Mặc dù việc giáo dục giới tính rất cần thiết đối với trẻ và những người chưa có kỹ năng, kinh nghiệm, tuy nhiên vấn đề giáo dục giới tính cho các học sinh, sinh viên vẫn còn diễn ra với tâm lý e ngại.

Một lớp học giáo dục giới tính và kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ em tiểu học.

Bà Lê Thị Lan Anh (Viện trưởng Viện Giáo dục IEDV, Nhà Nghiên cứu giáo dục & phát triển trí tuệ trẻ em tại Hà Nội) cho biết trong 11 năm qua, bà cùng các cộng sự đã tổ chức hàng trăm khóa đào tạo, hội thảo lớn nhỏ về Giáo dục giới tính và phòng chống xâm hại tình dục, trong đó có hàng trăm ngàn phụ huynh, học sinh được tiếp cận ở cả thành phố đến vùng nông thôn, từ offline đến online.

Tuy nhiên, bà Lan Anh cho biết mặc dù giáo dục giới tính khẩn thiết, cấp bách với trẻ em từ 8-17 tuổi nhưng nếu chính những người làm ngành giáo dục còn né tránh, không dám nói thẳng, không dám cung cấp đầy đủ kiến thức giáo dục giới tính cho học trò thì rất đáng lo ngại.

Bà Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Giáo dục IEDV, Nhà Nghiên cứu giáo dục & phát triển trí tuệ trẻ em tại Hà Nội.

“Khi mà các chuyên đề, nội dung giáo dục giới tính còn quá hời hợt, thiếu lộ trình, hoặc nếu có thì dạy kiểu… cưỡi tên lửa xem hoa; Khi mà chính cha mẹ còn đứng ngoài cuộc, thiếu cam kết, không đồng hành cùng con, không nâng cấp bản thân để dạy con, phó mặc con cho nhà trường; Khi mà truyền thông chỉ nóng lên mỗi khi có sự vụ, rồi lại chìm xuồng ngay sau đó…”, bà Lan Anh chỉ ra.

Theo đó, bà Lan Anh chia sẻ: “Rất cần những kênh truyền thông chính thống với các chuyên đề theo lộ trình về giáo dục giới tính cho từng độ tuổi, từng giai đoạn được cố vấn bởi các chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục. Cách truyền đạt dễ hiểu, vui nhộn, khoa học, minh bạch, văn hóa… phù hợp tâm lý từng độ tuổi, từng giai đoạn”.

Tuy nhiên, bà Lan Anh cho hay một thực tế rất đáng ngại ở nước ta là trẻ được học rất nhiều song lại thiếu những kiến thức cần thiết về giới tính, sức khỏe sinh sản cùng các kỹ năng như giao tiếp, sinh tồn…

Và hơn ai hết, chính cha mẹ, thầy cô, cộng đồng không chỉ nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của việc trẻ thiếu kiến thức giáo dục giới tính mà còn cần tự trang bị kiến thức cho con và bản thân. Quan niệm vẽ đường cho hươu chạy còn hơn để cho hươu lạc đường cần được đề cao hơn trong việc giáo dục giới tính cho trẻ.

Phụ huynh đóng vai trò quan trọng

Bàn về vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ trong thời điểm hiện nay, cô Nguyễn Thị Nga (Cử nhân ngành Công nghệ sinh học; Thạc sĩ Sinh học tại Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo viên Sinh học – Giáo dục giới tính cộng đồng) cho hay phụ huynh nhận thức sai về giáo dục giới tính có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Cô Nguyễn Thị Nga trong một tiết dạy sinh học.

Sở hữu các trang cộng đồng như groups, youtube, fanpage về giáo dục giới tính thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi và quan tâm, đặc biệt thường xuyên nhận được những câu chuyện nhờ tư vấn do các phụ huynh và học sinh, sinh viên gửi tới.

Cô Nga chia sẻ: “Một trường hợp éo le nhất mà cô Nga từng gặp đó là trường hợp một mẹ đơn thân vì quá chiều con (con trai 15 tuổi), sợ mất con trai mà đồng ý cho con quan hệ với mình. Thực sự, vì chiều con và thiếu hiểu biết của người mẹ về luận pháp, đạo đức xã hội mà từ từ đẩy cuộc sống của bản thân và con mình đến gần con đường u tối…”.

“Trong những năm chia sẻ và tư vấn về kiến thức của mình, tôi đã gặp gần chục vạn câu hỏi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Trong đó có những câu hỏi ngây ngô, nhưng cũng có những trường hợp cực kì éo le. Hy vọng các phụ huynh hãy nghĩ đến giáo dục giới tính cho con và cho chính bản thân mình”, cô Nga nói.

Theo cô Nga, thời gian gần đây, nhiều trường hợp xảy ra khiến cho những trẻ em ở độ tuổi còn rất nhỏ đã phải làm mẹ, đây là một hồi chuông báo động cho vấn đề giáo dục giới tính cần phải quyết liệt, mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn.

Bài và ảnh:Lê Trang | NB&CL

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục