Nhân viên môi giới địa ốc nghỉ Tết sớm

Không sôi động như mọi năm, cuối năm Âm lịch 2019, nhiều công ty môi giới bất động sản không có hàng để bán, nên cho nhân viên nghỉ Tết sớm.

Nhân viên môi giới kỳ vọng nguồn cung sản phẩm sẽ dồi dào hơn trong năm 2020 khi một số dự án lớn được triển khai

Không có hàng để bán

Đầu tháng 12/2019, ông Bùi Tiến Long, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Đất Việt Land đã cho nhân viên nghỉ Tết sớm. Thành lập từ năm 2015, ông Long cho biết, năm nay là năm buồn nhất của Công ty khi không có hàng để bán, dù đã cố gắng tìm kiếm sản phẩm. Các năm trước, tầm này Công ty đang vào mùa bán hàng bận rộn và hiệu quả nhất trong năm.

Ông Long cho biết, cuối năm ngoái, doanh nghiệp ông còn tham gia bán một dự án lên tới 10.000 sản phẩm tại quận 9 (TP.HCM), nhưng năm nay, dự án này đã bán hết, mà chủ đầu tư chưa ra sản phẩm mới, nên doanh nghiệp không có hàng để bán. Trước đó, Công ty cũng đã ký thỏa thuận bán 1 dự án tại quận 2 (TP.HCM) và chủ đầu tư dự kiến mở bán vào tháng 11/2019, nhưng vì thủ tục pháp lý chưa xong, nên việc mở bán bị trì hoãn.

“Chính vì vậy, tôi đành cho nhân viên nghỉ Tết sớm, đợi năm sau tiếp tục lấy sản phẩm mới bán”, ông Long nói.

Cũng như Đất Việt Land, nhân viên môi giới của Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam Land hiện cũng đã nghỉ Tết sớm. Chị Nhi, một nhân viên môi giới của doanh nghiệp này cho biết, hiện doanh nghiệp đang bán dự án tại Hà Nội, nhưng nhân viên môi giới chủ yếu tại TP.HCM, nên không thể tham gia bán dự án ngoài Bắc.

Theo chị Nhi, Tết năm 2018, Công ty bàn giao dự án Him Lam Phú An, nên nhân viên môi giới còn có việc để làm là tìm khách sang nhượng sản phẩm cho khách hàng, còn năm nay, sản phẩm đã hết, nên nhân viên môi giới cũng đành kết thúc năm sớm.

Tương tự, cuối năm 2018, nhân viên môi giới Công ty TTC Land nhộn nhịp với công tác bán hàng tại dự án ở quận 4 (TP.HCM), nhưng năm nay không có dự án mới để bán.

Ngay cả những công ty có sản phẩm bán, nhưng mức tiêu thụ cũng khá chậm. Cụ thể, Công ty cổ phần Bất động sản DKRA Vietnam đang bán dự án Thanh Long Bay tại tỉnh Bình Thuận và theo lãnh đạo doanh nghiệp này, sản phẩm bán rất chậm, có những buổi mở bán chỉ vài sản phẩm được chốt cọc.

Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trần Anh Group cho biết, năm 2019 được xem là một năm “khổ trăm bề” của môi giới bất động sản. Thị trường khan hiếm nguồn cung khiến hàng loạt môi giới “đói” sản phẩm. Có thời điểm, gần 15.000 môi giới dành cả tháng trời chỉ để chực chờ một dự án bung hàng. Tuy nhiên, do tỷ lệ chọi cao, nên không ít môi giới ngậm ngùi về tay không.

Sản phẩm đã ít, nhiều thông tin tiêu cực về các dự án “ma” lại khiến môi giới một lần nữa lao đao. Khách hàng hoài nghi, e ngại giao dịch, khiến việc mua bán càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thu nhập giảm, nhiều môi giới không đủ kiên nhẫn đành bỏ nghề, một số sàn môi giới cũng có chính sách cắt giảm nhân sự.

Tuy nhiên, dù thị trường khó khăn, nhưng theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản vẫn tăng mạnh. Cụ thể, năm 2019, TP.HCM có 44.004 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó doanh nghiệp bất động sản chiếm 6,7% số doanh nghiệp thành lập mới, tương đương gần 3.000 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực môi giới.

Tính toán để thoát khó

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cho biết, trong năm 2019, thu nhập của nhân viên môi giới đã giảm sút đáng kể. Thậm chí, có những môi giới 4 – 5 tháng liền không hề có một đồng thu nhập nào do không bán được sản phẩm, hoặc không có hàng để bán.

Nguyên nhân chính là vướng mắc pháp lý khiến nguồn cung khan hiếm, nhất là tại 2 thị trường lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội, gây áp lực rất lớn cho công ty phân phối bất động sản và những người hành nghề môi giới bất động sản.

Do đó, môi giới phải chấp nhận tìm cơ hội ở tất cả các thị trường xa hơn như Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai , Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang…, hoặc chuyển sang nghề mới. Tuy nhiên, thị trường bất động sản tỉnh lẻ cũng bắt đầu gặp những khó khăn.

“Đây là thời điểm để ngành môi giới bất động sản thanh lọc. Những doanh nghiệp nào vững về tài chính, uy tín sẽ tồn tại, những doanh nghiệp nào yếu sẽ tự khắc bị đào thải. Doanh nghiệp môi giới muốn tồn tại phải thay đổi các bán hàng, cũng như cách thức hoạt động, không nên làm ăn chụp giật, nếu không muốn đóng cửa”, ông Hậu nói.

Còn bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, trong lúc thị trường đang gặp khó khăn, để tồn tại và chờ cơ hội phát triển, nhiều công ty môi giới phải chuyển hướng, tái cơ cấu, thậm chí thu hẹp hoạt động.

Nhiều công ty phải mở rộng hoạt động ra tất cả phân khúc. Nếu như trước đây, một số công ty chỉ chủ yếu triển khai các dự án thuộc phân khúc giá trung bình, sản phẩm phổ thông dễ bán tại các thành phố lớn, thì gần đây, phải chuyển sang bán tất cả phân khúc mà thị trường có, nhất là căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, dự án ở xa… Một số khác chuyển sang môi giới cho thuê căn hộ cao cấp, văn phòng để nuôi bộ máy.

Nhiều công ty phải cơ cấu lại tổ chức, thay đổi chính sách kinh doanh. Có công ty phải dịch chuyển đến 50% nhân sự, chuyển một số nhân viên sang hình thức cộng tác viên để giảm chi phí.

Nhiều doanh nghiệp tài chính tốt hơn, muốn giữ chân nhân sự sẵn sàng hạ chỉ tiêu kinh doanh cho nhân viên để giảm áp lực, khuyến khích nhân viên gắn bó vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Để vượt qua khó khăn, các công ty môi giới phải tăng khả năng thích ứng, tăng cường hợp tác liên kết với các chủ đầu tư có nguồn sản phẩm dồi dào, chất lượng. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao tính chuyên nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Chuẩn hóa đội ngũ nhân viên, nâng cao chất lượng nhân sự thông qua đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu cá nhân mỗi môi giới. Tư vấn trung thực, minh bạch thông tin, uy tín. Đặt niềm tin của khách hàng lên trên mọi yếu tố. Không chỉ là trung gian mua bán, mỗi công ty môi giới phải phát huy tốt vai trò chứng thực và đảm bảo quyền lợi cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng”, bà Hương nói.

Nói về sự thay đổi của doanh nghiệp môi giới, ông Nguyễn Văn Tùng, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Danh Khôi (DKRS) cho biết, năm 2019, doanh nghiệp ông thoát khỏi khó khăn nhờ vào việc thay đổi chiến lược kịp thời. Theo đó, thay vì lựa chọn bán các sản phẩm ở thị trường TP.HCM và tỉnh lân cận, DKRS chọn các dự án cách xa TP.HCM như Cần Thơ, Cà Mau, Trà Vinh… để bán. Đây là những thị trường mới, nên hàng bán rất tốt.

Công ty cổ phần Tập đoàn Cát Tường Group cũng thành công trong việc mở rộng địa bàn hoạt động. Thay vì chỉ hoạt động tại thị trường Long An như trước đây, doanh nghiệp này đã mở rộng thêm địa bàn về các thị trường xa như Bnh Phước, Hậu Giang, Nam Định. Chính sự nhanh nhạy này đã giúp Cát Tường Group có doanh thu khá tốt trong năm 2019.

Theo Gia Phú/ Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/nhan-vien-moi-gioi-dia-oc-nghi-tet-som-228952.html

 

Bài cùng chuyên mục