Thị trường BĐS sẽ phủ “màu đen” nếu Covid-19 kéo dài qua tháng 6
Theo báo cáo thị trường bất động sản Quý 1/2020 của các đơn vị nghiên cứu, nếu dịch Covid-19 kéo dài qua tháng 6 thì mọi chỉ số đều giảm mạnh. Lượng giao dịch tại TP.HCM có thể giảm đến 55%.
Giảm 55% giao dịch nếu dịch kéo dài đến tháng 9
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 kéo dài sẽ tác động đến nguồn cầu từ nhóm khách mua để ở, mua để đầu tư và nhóm khách nước ngoài.
Hiện tại, với việc tạm ngừng các chuyến bay và thắt chặt cấp thị thực, khách nước ngoài sẽ khó tiếp cận thị trường bất động sản tại Việt Nam. Nhóm khách đầu tư cho thuê cũng chịu ảnh hưởng từ việc hạn chế chuyến bay và di chuyển giữa các tỉnh.
”Nhóm khách mua để ở sẽ khó sử dụng vốn vay ngân hàng do lãi suất biến động và ngân hàng có thể sẽ áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn trong việc chứng minh thu nhập và phương án trả nợ vay”, bà Dung nói.
Theo bà Dung, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý 2/2020 thì nguồn cung chào bán sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm và đạt khoảng 28.000 căn cho cả năm. Giá bán trung bình toàn thị trường được kỳ vọng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, phân khúc trung cấp và bình dân được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn chỉ 1 – 3% theo năm do tính cạnh tranh cao từ số lượng lớn nguồn cung. Các dự án cao cấp dự kiến có mức tăng giá cao hơn, khoảng 5% theo năm.
Các dự án hạng sang được cấp phép tại quận 1 và quận 3 có giá bán dự kiến tăng 5 – 7% theo năm do sự khan hiếm quỹ đất tại khu vực trung tâm. Lượng giao dịch dự kiến giảm 3% so với năm 2019 do giảm lượng giao dịch ở các dự án cao cấp và hạng sang vì tác động của dịch bệnh.
Cũng theo bà Dung, nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 9/2020, ảnh hưởng lên thị trường bất động sản sẽ rõ rệt hơn với lượng căn hộ chào bán giảm hơn 40% theo năm, còn khoảng 15.000 căn.
Lượng căn hộ giảm dự kiến tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Giá bán sơ cấp giảm 5% theo năm do lượng hàng chào bán tập trung chủ yếu tại phân khúc trung cấp.
Lượng giao dịch giảm mạnh do tác động của dịch làm hạn chế các sự kiện mở bán tập trung. Lượng giao dịch dự kiến đạt 13.575 căn trong năm 2020, giảm 55% so với năm 2019.
Cơ hội cho nhà đầu tư “sừng sỏ”
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, lĩnh vực bất động sản nhà ở chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn bởi các lệnh cấm du khách nhập cảnh, làm gián đoạn việc khảo sát và thực hiện các giao dịch của khách nước ngoài. Trong đó, lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các giao dịch bất động sản với khách nước ngoài.
Tuy nhiên, các nhà phát triển bất động sản vẫn đang chuẩn bị các dự án mới để đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi mức cầu phục hồi. Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Việt Nam là một trong những thị trường có mức lợi tức cho thuê cao và giá bất động sản thấp nhất trong khu vực.
Nhận định về bức tranh tổng quan tình hình đầu tư bất động sản tại Việt Nam thời gian vừa qua, tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chia sẻ, đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung.
Tuy nhiên, đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư bất động sản thì đây lại là cơ hội rất lớn đối với họ.
“Thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực bất động sản”, tiến sĩ Sử Ngọc Khương nói.
Theo ông Khương, ông vẫn nhận thấy sự quyết tâm cao độ của những nhóm đầu tư nói trên. Và tính từ năm 2019 đến nay đã có một số dự án đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị ước tính hơn 500 triệu USD.
“Chúng tôi hi vọng, sau khi dịch đi qua cộng với những chỉ thị rất quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản thì sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội và sớm có nhiều thành quả tốt đẹp”, ông Khương nói.
Thay đổi để “sống sót”
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn, đảo lộn mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.
Dịch bệnh khiến các doanh nghiệp sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển thành nợ xấu.
“Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp tăng khả năng bị nợ thuế, bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động. Doanh nghiệp rất dễ bị rơi vào thua lỗ, phá sản”, ông Châu nói.
Theo ông Châu, thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong hai năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó”. Chính vì vậy, các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Cũng theo ông Châu, trong giai đoạn thị trường trầm lắng, khó khăn như hiện nay thì đây cũng là cơ hội để các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
“Tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng. Đối với các tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường”, ông Châu nói.
Theo Chủ tịch HoREA, dịch bệnh cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.
Theo Đại Việt/ Dân trí
Link bài gốc: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/thi-truong-bds-se-phu-mau-den-neu-covid-19-keo-dai-qua-thang-6-20200415000919212.htm