Thị trường địa ốc TP.HCM vẫn ngóng hạ tầng
Dù là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng TP.HCM cũng có nhiều dự án hạ tầng chậm tiến độ, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của Thành phố, cũng như thị trường địa ốc.
Nhiều dự án trọng điểm trễ hẹn
Để giải quyết ùn tắc giao thông, TP.HCM đã thực hiện nhiều dự án trọng điểm, nhưng đến nay, vẫn có nhiều dự án bị chậm tiến độ. Chẳng hạn, dự án nút giao thông An Sương (huyện Hóc Môn, quận 12), nằm ở phía Tây của Thành phố và cũng là nơi giao nhau của 2 tuyến Quốc lộ quan trọng là Quốc lộ 1A và Quốc lộ 22.
Nơi này được quy hoạch là nút giao 3 tầng đầu tiên ở TP.HCM gồm tầng hầm, tầng hiện tại và cầu vượt. Dự án được khởi công từ năm 2017 với tổng nguồn vốn lên tới 514 tỷ đồng, dự kiến sẽ được hoàn thiện vào năm 2019. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng một nhánh hầm chui (hướng từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22) đến nay, dự án vẫn chưa có biến chuyển gì mới.
Tương tự, nút giao Mỹ Thủy (quận 2) được xem là nút giao thông quan trọng nhất ở TP.HCM. Để giải quyết tình trạng kẹt xe, Thành phố đã có kế hoạch mở rộng, nâng cấp nút giao này với 10 hạng mục chính như cầu Mỹ Thủy 1-2-3, cầu Kỳ Hà 1-2 và 2 nhánh hầm chui, đường dẫn… Tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 504 tỷ đồng.
Dù được khởi công từ năm 2016, nhưng hiện tại, dự án mới hoàn thành được 3 hạng mục, còn lại các hạng mục khác đều chậm tiến độ.
Chưa kể, dự án này còn bị đội vốn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với mức ban đầu, nhưng thời gian hoàn thành vẫn chưa được xác định cụ thể.
Ngoài ra, có thể kể đến hàng loạt dự án khác như nút giao Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh, dù đã được phê duyệt từ lâu, nhưng sau nhiều lần hoãn thì mới bắt đầu khởi công lại hồi tháng 4/2020. Hay dự án cầu Nam Lý (quận 9), khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng, nhưng đến nay đang bị đình trệ suốt 2 năm. Một dự án khác là dự án mở rộng đường Lương Định Của (quận 2) bị chậm tiến độ 4 năm so với kế hoạch, hay dự án 4 tuyến đường vành đai của Thành phố cũng chậm tiến độ hàng năm trời…
Trong đó, không thể không kể đến 2 dự án giao thông trọng điểm là tuyến Metro số 1, số 2. Cụ thể, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) được khởi công từ năm 2016, nhưng hiện tại mới chỉ hoàn thành được hơn 70%. Còn tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) có 7 gói thầu cần thi công, nhưng hiện tại mới chỉ hoàn thành xong gói thầu thứ nhất (CP1), trong quý II/2020 không có hoạt động thi công nào.
Theo ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM, nguyên nhân dẫn tới việc các dự án trọng điểm chậm tiến độ là do chính quyền địa phương chậm giải phóng mặt bằng, khiến nhà thầu không có mặt bằng sạch để thi công . Cụ thể, trong 75 dự án đang quản lý thì có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng, chiếm 75% tổng số dự án.
“Đây là tồn tại đã rất lâu và cần thiết phải tìm cách tháo gỡ, bởi chính việc đền bù mất nhiều thời gian khiến nhà thầu không có mặt bằng sạch để thi công”, ông Phúc chia sẻ và đưa ra dẫn chứng tại dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình). Theo đó, dự án chờ mặt bằng mất 2 năm, nhưng khi có mặt bằng thì việc thi công chỉ 6 tháng là xong. Do đó, cần phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để đẩy nhanh tiến độ các công trình.
Đồng quan điểm, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông và Vận tải TP.HCM cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án hầu hết điều được triển khai rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ một số dự án giao trọng điểm. Do đó, nhiều dự án chưa thể triển khai hoàn thành, đặc biệt là TP.HCM chưa có hệ thống đường vành đai hoàn chỉnh, chưa đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các nút giao thông quan trọng, cũng như các tuyến đường trục chính nội đô.
Bất động sản bị vạ lây
Từ lâu, cơ sở hạ tầng và bất động sản đã được ví như là “đôi bạn cùng tiến”, bởi hạ tầng phát triển đến đâu thì giá trị nhà đất cũng tăng theo tới đó và ngược lại. Do đó, khi các dự án hạ tầng chậm tiến độ, thì không những gây ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó có thị trường bất động sản.
Đơn cử như tại khu Nam TP.HCM, từng là tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM, nhưng thực trạng hạ tầng giao thông không theo kịp sự gia tăng của các dự án bất động sản gây ra tình trạng quá tải giao thông và ô nhiễm môi trường. Qua đó, khiến thị trường nơi đây bị mất điểm trong mắt nhà đầu tư và người mua nhà.
Cụ thể, khu Nam được kết nối với trung tâm Thành phố chủ yếu bằng các cây cầu như Tân Thuận, Kênh Tẻ, Chữ Y, Nguyễn Văn Cừ với mặt đường nhỏ hẹp, nên tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra và trở thành nỗi ám ảnh cho người dân sống ở đây, làm việc ở trung tâm Thành phố.
Để giải quyết tình trạng này, TP.HCM đã có một số giải pháp nhằm giảm bớt áp lực quá tải, nhưng các biện pháp chủ yếu là nâng cấp, cải tạo mặt đường, nên chưa giải quyết được vấn đề. Trong dài hạn, sẽ có 2 đại dự án đường trục Bắc – Nam nối quận 7, quận 4 với huyện Nhà Bè (9.300 tỷ đồng) và cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 và quận 7 (5.200 tỷ đồng) được triển khai nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe ở khu Nam. Tuy nhiên, hiện tại thì cả 2 dự án này vẫn chưa còn nằm trên giấy.
Anh Hùng, một cư dân sống ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) cho biết, hàng ngày phải di chuyển từ nhà ở tới chỗ làm trong trung tâm Thành phố là một lần thử thách lòng kiên nhẫn, bởi vào giờ cao điểm thì đường lúc nào cũng kẹt.
“Đi hướng cầu Tân Thuận thì tắc ở Nguyễn Tất Thành, đi Nguyễn Hữu Thọ thì kẹt ở cầu Kênh Tẻ, vòng qua quận 8 thì cũng cầu Chữ Y đang oằn mình với dòng người đông đúc, hướng cầu Nguyễn Văn Cừ cũng không khá hơn”, anh Hùng chia sẻ.
Tương tự, chị Nhung, một nhà đầu tư tại đây cũng cho biết, chị có một căn hộ tại Phú Mỹ Hưng đang cho thuê, gần đây do kẹt tiền cần bán, nhưng rao bán mãi vẫn chưa tìm được khách mua. Mức giá ban đầu chị rao bán là 4,5 tỷ đồng, bán không được nên hạ xuống còn 4,3 tỷ đồng, rồi 4 tỷ đồng, nhưng vẫn không có người hỏi mua.
Hay như tại khu Thảo Điền (quận 2), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)…, dù được mệnh danh là “khu nhà giàu” của TP.HCM nhưng lại thường xuyên phải chịu cảnh ngập nước do các dự án chống ngập chậm tiến độ. Điều này đã tác động lớn đến tâm lý người mua nhà nói riêng, thị trường bất động sản nói chung.
Bà Regina Lim, Giám đốc bộ phận Thị trường vốn Jones Lang LaSalle (JLL) cho hay, ngập nước là yếu tố thuộc nhóm tác động hạ tầng, rất quan trọng đối với bất động sản. Ở các nước có thị trường bất động sản phát triển, chính phủ là chủ thể cầm trịch vấn đề hạ tầng, trong đó có cả chương trình chống ngập úng.
“Tình trạng ngập nước cần được xét ở tầm vĩ mô thì thị trường bất động sản mới phát triển bền vững”, bà Lim cho biết.