Giá vàng nhảy múa, nên mua vàng hay rót tiền vào địa ốc?
Giá vàng liên tiếp lập đỉnh mới tạo lực hấp dẫn dòng tiền, nhưng nhiều nhà đầu tư khôn ngoan lại đang lặng lẽ dồn tiền thâu tóm “hàng sell off” bất động sản - một cơ hội mà theo họ, hàng chục năm mới xuất hiện một lần.
Dòng tiền đang chảy đến vàng
Dòng tiền đầu tư vào bất động sản đang phải “chia lửa” với kênh đầu tư kim loại quý khi giá vàng liên tục lập đỉnh. Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, nhiều nhà đầu tư kỳ cựu cho rằng, vàng chỉ có ý nghĩa tài sản phòng thủ trong giai đoạn dịch bệnh hiện tại, còn nhìn xa hơn, bất động sản đang tạo ra những cơ hội rất lớn vừa tăng giá trị tài sản vừa bảo toàn đồng vốn.
Thực tế mấy ngày qua, dù được ngăn cách với thế giới do cơ chế độc quyền nhập vàng của Ngân hàng Nhà nước, nhưng giá vàng trong nước cũng “nhanh chân” nhảy lên mức giá kỷ lục trong thời gian vừa qua khi có thời điểm vượt ngưỡng 58 triệu đồng/lượng. Đến nay, doanh số mua bán vàng có tăng hay không thì chưa có con số báo cáo, nhưng sự quan tâm của người dân là có thật, và dòng tiền trong dân đang hướng đến kênh đầu tư này.
Là người thường xuyên bỏ một phần tiết kiệm mua vàng nhiều năm nay, chị Ngọc, hiện đang sống tại chung cư The Art (quận 9, TP.HCM) cho biết, khoảng 20 năm nay, cứ mỗi dịp công ty có thưởng là chị sẽ dùng nguyên số tiền đó để mua vàng tích trữ. Dù không nhiều, mỗi năm vài dịp, nhưng chưa bao giờ chị thấy giá vàng tăng giá tới 5 triệu đồng/lượng chỉ trong khoảng 10 ngày như trong thời gian vừa qua.
Theo chị Ngọc, vàng thực sự là tài sản tích lũy của những người còn giữ thói quen nắm giữ thứ kim loại quý này khi giá có lúc tăng, lúc giảm, lúc đi ngang trong nhiều năm, nhưng tính một chu kỳ dài 10-20 năm thì người mua và giữ vàng vẫn có lãi. Có thể lãi không cao như các kênh đầu tư “hot” như bất động sản, chứng khoán, thậm chí cả gửi tiết kiệm, nhưng tuyệt nhiên không lỗ và có thể bán ra bất cứ lúc nào.
“Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng khoảng 25%, một mức tăng vượt trội so với tất cả các kênh đầu tư khác. Tất nhiên, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư phải tiếc một cơ hội trôi đi khi không tính được giá vàng tăng”, chị Ngọc nói.
Tương tự, chị Nguyệt, hiện đang ngụ tại quận 5 (TP.HCM) chia sẻ, cuối tháng 6/2020, khi thấy giá vàng có dấu hiệu tăng mạnh, chị đã mua một ít từ nguồn tiền nhàn rỗi. Lúc đó, giá vàng trong nước chưa tới 40 triệu đồng/lượng, nếu bán ra vào cuối tuần qua thì sẽ thu lãi khoảng 16 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chị không bán ra mà còn mua thêm một ít nữa trong tuần vừa rồi với kỳ vọng giá sẽ còn tăng thêm.
Bất động sản vẫn là nơi “cư trú” an toàn
Theo một số chuyên gia trong ngành, thị trường vàng trong thời gian sắp tới sẽ đan xen nhiều nhịp giảm nhưng sẽ tiếp tục tăng lên tới đầu tháng 11 (trước khi có kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ). Do vậy, nhà đầu tư am hiểu thị trường có thể tận dụng thời điểm giá điều chỉnh do một số người chốt lời để gia nhập thị trường.
Còn với nhà đầu tư nhỏ lẻ và không chuyên, nếu mua lướt sóng thì khả năng có lời là rất thấp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng không nên rút hết tiền tiết kiệm để chuyển sang đầu tư kim loại quý này. Bởi hiện nay, mức chênh lệch giá mua bán trong nước đã ở mức khá cao – gần 2 triệu đồng, nên sẽ rủi ro khi mua vào.
“Trước việc giá vàng tăng đột biến thì chắc chắn dòng tiền của nhà đầu tư sẽ đổ vào kênh này, nhưng đây chỉ là dòng tiền ngắn hạn bởi về lâu dài thì giá vàng không thể tăng mãi. Khi giá vàng giảm xuống thì dòng tiền của nhà đầu tư lại đổ vào bất động sản”, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asia Holding nói.
Phân tích thêm về việc dòng tiền đầu tư vào bất động sản bị chậm trong thời gian qua, ông Hậu cho biết, sau khi dịch bệnh bùng phát, thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc, lãi suất ngân hàng cũng quá thấp nên dòng tiền của nhà đầu tư đã đổi hướng sang bất động sản và vàng. Trong khi tâm lý nhà đầu tư đang bị e ngại và phân vân thì giá vàng liên tục lập đỉnh, vậy nên dòng tiền chuyển đến kênh đầu tư vàng.
Với các nhà đầu tư lão luyện, hiện là lúc để họ đi ngược thị trường, tìm kiếm những khoản đầu tư tốt từ bất động sản mà chủ sở hữu do khó khăn về tài chính buộc phải bán tháo.
“Sau khi thị trường trải qua 1 giai đoạn dịch, tâm lý tiêu tiền và đầu tư vào bất động sản cũng dần hồi phục trở lại, nhưng khi dịch bùng phát trở lại lần 2, nếu không được kiểm soát tốt thì khách hàng sẽ càng chậm ra quyết định hơn, thậm chí sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi đầu tư”, CEO Asian Holding nói và cho biết thêm, dòng tiền đầu tư vào bất động sản sẽ bị chậm lại nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt thì thị trường sẽ hồi phục lại rất nhanh. Bởi bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư an toàn, và có tỷ lệ sinh lời cao hơn so với các kênh khác.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng giám đốc Netland chia sẻ, hiện tại giá vàng đang tăng đột biến nhưng nếu tham gia đầu tư theo kiểu lướt sóng thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi khi có vắc-xin phòng ngừa dịch Covid-19 thì giá mặt hàng này sẽ rớt và rất khó có cơ hội tăng trong ngắn và trung hạn khi các kênh đầu tư khác hồi phục.
“Nếu như không có sự cố vừa xảy ra tại Đà Nẵng, dịch bệnh không bùng phát và đang được kiểm soát tốt, thì bất động sản Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là thị trường ổn định nhất, tốt nhất để cho dòng vốn chảy vào”, ông Quang nói và cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều dòng vốn tìm đường vào Việt Nam để đầu tư các dự án. Như vậy có thể thấy, thị trường bất động sản Việt Nam không chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước, mà còn thu hút sự chú ý rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Hiện tại, tâm lý của nhà đầu tư đang bị phân vân và có không ít trường hợp đứng lại để nghe ngóng tình hình. Nhưng tôi xin khẳng định luôn rằng thị trường bất động sản sẽ không giảm giá, nếu như cho tôi được chọn lựa thì tôi sẽ chọn chính những lúc như thế này để đầu tư. Bởi lúc này mình sẽ có nhiều cơ hội và nhiều sự lựa chọn hơn”, ông Quang nói và chia sẻ thêm, bất động sản trong thời gian tới vẫn sẽ bán hàng được, nhưng sẽ hạn chế và phải tùy thuộc vào từng dự án, phân khúc, vị trí. Bởi nhà đầu tư sẽ không dùng đòn bẩy từ ngân hàng nữa, theo đó, những khu đất ở xa có mức giá rẻ sẽ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Theo kết quả khảo sát thăm dò ý kiến gần đây trên một số trang mạng từ ngày 29/7 đến nay cho thấy, trong số hơn 3.000 người tham gia biểu quyết thì có đến hơn 2.000 người bỏ phiếu bầu cho kênh đầu tư bất động sản (khoảng 72%), số người còn lại lựa chọn đầu tư vàng.
Lý giải về nguyên nhân này, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc CoPiHome cho biết, lúc giá vàng tăng cao, giới đầu tư tài chính có cảm giác bất động sản đang rẻ hơn nên kém hấp dẫn hơn. Do vậy, khi giá vàng biến động liên tục ở tần suất dày thì dòng tiền cân nhắc để mua vàng sẽ chiếm tỷ trọng nhiều hơn.
Tuy nhiên, sau những biến thiên ở tần số lớn, khi thị trường vàng đi vào quỹ đạo ổn định, tâm lý choáng ngợp này sẽ tắt dần. Lúc này, bất động sản lại trở về vị thế là kênh trú ẩn ưu tiên hàng đầu theo suy nghĩ truyền thống của người Việt.
“Đầu tư bất động sản luôn là kênh truyền thống chiếm ưu thế. Việc vàng liên tục tăng giá có tác động mang yếu tố tâm lý nhiều hơn và người tiêu dùng sẽ ở thế phòng thủ cũng như thận trọng khi xuống tiền. Nhưng trong dài hạn, bất động sản vẫn là nơi cư trú an toàn”, ông Phi nói và cho biết thêm, thực tế, với các nhà đầu tư lão luyện, hiện là lúc để họ đi ngược thị trường, tìm kiếm những khoản đầu tư tốt từ bất động sản mà chủ sở hữu do khó khăn về tài chính buộc phải bán tháo.