Rà soát siêu dự án của Tập đoàn Bitexco

Ở giai đoạn I, quá trình thực hiện dự án Tập đoàn Bitexco đã xảy ra nhiều vi phạm về xây dựng và vướng những lùm xùm quanh việc đổi đất lấy hạ tầng.

Tập đoàn Bitexco từng bán chui 552 căn biệt thự khi chưa có DDTM. Ảnh: Minh Phúc.

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa có kết luận về tình hình triển khai một số dự án đầu tư trên địa bàn Thủ đô, trong đó giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát nguồn gốc, quá trình triển khai, khó khăn vướng mắc… để xem xét, giải quyết các kiến nghị tại Dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 (giai đoạn 2) và dự án xây dựng đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức BT.

Dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 (giai đoạn 2) và dự án xây dựng đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức BT do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, Dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 (The Manor Central Park) của Tập đoàn Bitexco được xây dựng trên diện tích xấp xỉ 90ha bao gồm 970 căn nhà phố, biệt thự, căn hộ, 17 tòa chung cư… đã xảy ra nhiều vi phạm về xây dựng và vướng những lùm xùm quanh việc “đổi đất lấy hạ tầng”.

Ngày 23/2/2016, Hà Nội đã giao 496.226,9m2 đất (gần 50ha) tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) cho Công ty Cổ phần Bitexco để thực hiện dự án Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (giai đoạn 1). Cộng thêm những đợt thu hồi khác, tổng diện tích đất thu hồi thực hiện toàn bộ dự án là 654.715,7m2 (hơn 65ha)…

Giống như bao “siêu dự án” khác, “miếng bánh” chủ đầu tư và chính quyền nhắm vào chủ yếu vẫn là đất nông nghiệp, “nồi cơm” của người nông dân địa phương. Theo thống kê, tại phường Đại Kim, để thực hiện dự án của Bitexco, chính quyền Hà Nội đã phải thu hồi 271,2m2 đất nông nghiệp của UBND phường lúc đó đang được giao cho các hộ gia đình chính sách sản xuất nông nghiệp, 4.787,6m2 đất nghĩa trang và 62.197,4m2 đất nông nghiệp, đất đường mương nội đồng của nhân dân…

Chưa kể, ngoài đất sản xuất, mồ mả của tổ tiên nhân dân phường Đại Kim còn có đất đai của Bộ Giao thông – Vận tải và Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý. Tại xã Thanh Liệt có khoảng hơn 16ha, toàn bộ là đất nông nghiệp và đất nghĩa trang bị thu hồi với đơn giá 162 nghìn đồng/m2.

Kể từ khi Tập đoàn Bitexco thực hiện các dự án trên, nhiều cơ quan chức năng đã phát hiện các vi phạm của chủ đầu tư cũng như các dấu hiệu ưu ái từ phía chính quyền Hà Nội.

Cụ thể, Bitexco đã được UBND Thành phố Hà Nội chỉ định thầu thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường nối khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An với đường Phan Trọng Tuệ thuộc dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng – Chuyển giao).

Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ đầu UBND Thành phố Hà Nội đã thẩm định đánh giá năng lực nhà đầu tư không chính xác, năng lực tài chính nhà đầu tư hạn chế, năng lực huy động vốn yếu kém dẫn đến việc chậm tiến độ. Hà Nội cũng đã nhiều lần gia hạn cho chủ đầu tư. Kể từ thời điểm được phê duyệt vào năm 2011, khởi công xây dựng vào năm 2014, theo kế hoạch ban đầu dự án sẽ kết thúc sau 36 tháng, tuy nhiên sau đó UBND Thành phố Hà Nội đã hai lần gia hạn cho Bitexco lên thành 67 tháng.

Đặc biệt, Thành phố Hà Nội lấy lý do cấp bách để chỉ định thầu, tuy nhiên quá trình kiểm tra đã không chứng minh được cấp bách, cấp thiết ở chỗ nào. Trong quá trình Tập đoàn Bitexco thực hiện dự án BT đã tính sai khối lượng, áp dụng định mức đơn giá không đúng số tiền hơn 27 tỷ đồng.

Còn Kiểm toán Nhà nước phát hiện, Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An đội vốn không căn cứ lên tới 36,79 tỷ đồng.

Về lĩnh vực xây dựng, Tập đoàn Bitexco đã liên tục có những vi phạm. Năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội phát hiện Tập đoàn Bitexco xây 6 căn nhà cao hơn bản vẽ được phê duyệt. Năm 2018, quận Hoàng Mai phát hiện Tập đoàn Bitexco tổ chức xây dựng không phép trên ô đất 3-CC…

Mặc dù chưa được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động bảo vệ môi trường (ĐTM) hạng mục nhà ở thấp tầng theo quy định, nhưng từ năm 2016, Bitexco đã xây dựng 552 căn dạng liền kề, biệt thự và bán cho khách hàng về ở với mức giá hàng chục tỷ đồng mỗi căn.

Thời điểm UBND Thành phố Hà Nội “sờ” đến Tập đoàn Bitexco thì doanh nghiệp này đã bán được 552 căn và còn 375 thấp tầng đã xây dựng xong phần móng, đang được rao bán giai đoạn 2 với giá từ 16 – 39 tỷ đồng/căn.

Như vậy, toàn bộ khu vực hơn 10 ha được chấp thuận xây nhà thấp tầng, Tập đoàn Bitexco đã xây dựng và bán chui gần hết khi chưa có căn cứ pháp lý ĐTM.

Kiến nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc kiểm tra xem hợp đồng BT giữa Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tập đoàn Bitexco có được hiện đúng hay không. Ảnh: Phạm Hiếu.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân tích: Đây rõ ràng là bất cập của luật pháp. Đáng lẽ đối với công trình đường Chu Văn An, Thành phố Hà Nội phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn phương án rẻ và chất lượng nhất, còn gần 90 ha đất giao cho Tập đoàn Bitexco cũng phải đem đấu giá để thu lợi nhuận cao nhất.

“Các dự án hình thức BT xưa nay thực ra là miếng bánh của lợi ích nhóm. Căn cứ đâu để Thành phố Hà Nội giao cho tập đoàn Bitexco 90 ha đất? Ai là người định giá? Tất nhiên là phải xem thử hợp đồng BT giữa Hà Nội và Bitexco để xem thực các quy trình định giá xây dựng đường Chu Văn An là bao nhiêu, định giá đất để đối ứng cho doanh nghiệp là bao nhiêu? Rõ ràng một kết quả sai thì phương pháp không bao giờ đúng. Đất được giao doanh nghiệp lấy bán thu tiền hết rồi, nhưng nghĩa vụ đối với nhà nước vẫn còn ngổn ngang, thực trạng này rõ ràng nhà nước bị thiệt hại”, Luật sư Nguyễn Danh Huế phân tích.

Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, nếu không rõ ràng, minh bạch câu chuyện này thì Nhà nước sẽ có nguy cơ phải chịu ba thiệt hại.

Thứ nhất, nếu định giá không chuẩn, Thành phố Hà Nội sẽ mất rất nhiều đất để đổi lấy hạ tầng. Thứ hai, nếu con đường Chu Văn An đúng tiến độ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đằng này lại chậm trễ như vậy thì đã mất đi cơ hội phát triển. Thứ ba là uy tín, Thành phố Hà Nội mất nhiều đất để đổi lấy một con đường chậm tiến độ thì uy tín đối với nhân dân sẽ giảm.

Luật sư Nguyễn Danh Huế kiến nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán phải vào cuộc kiểm tra xem hợp đồng BT giữa Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tập đoàn Bitexco có được hiện đúng hay không, các điều khoản, định giá giữ hai bên so với giá thị trường thế nào. Có như vậy thì Nhà nước mới tránh được thất thu, tránh được việc doanh nghiệp đẩy giá lên.

NguồnHoàng Anh/Báo Nông nghiệp Việt Nam
Bài cùng chuyên mục