Đà Nẵng: Kiểm soát chặt việc kinh doanh bất động sản
Theo Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, để việc kinh doanh BĐS tại các dự án BĐS trên địa bàn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi của khách hàng, các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh chỉ được đưa sản phẩm BĐS có sẵn hay hình thành trong tương lai vào kinh doanh phải đáp ứng quy định của Luật Kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Gần đây, thị trường BĐS tại các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa… luôn trong tình trạng sôi động, thu hút được khá nhiều chủ đầu tư lớn nhỏ. Cùng với đó là giới đầu tư BĐS tham gia ngày càng đông. Trước đây, phần lớn nhà đầu tư đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Song thực tế hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư tại các địa phương cùng tham gia vào lĩnh vực này.
Cùng với đó, thực tế cũng cho thấy có một số chủ đầu tư lợi dụng tâm lý nóng vội đầu tư của khách hàng nên khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, chưa hoàn thiện hạ tầng cơ bản đã mở bán, nhận cọc đặt chỗ… Thậm chí, còn phát sinh những tranh chấp giữa chủ đầu tư và đối tác phát triển dự án, giữa chủ đầu tư với nhà đầu tư, gây mất trật tự xã hội. Điển hình như trường hợp tai tiếng của CTCP Bách Đạt An gây bức xúc dư luận xã hội suốt thời gian dài. Khi chủ đầu tư này thực hiện các dự án BĐS tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) không chịu bàn giao sổ đỏ cho khách hàng. Vụ việc khiến hàng trăm khách hàng bức xúc…
Đây là vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng đặt cọc môi giới đất nền giữa CTCP Bách Đạt An, đóng tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và CTCP Đầu tư Hoàng Nhất Nam, tại dự án 7B mở rộng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã kéo dài nhiều năm nay, Thời báo Ngân hàng đã nhiều lần phản ánh. Vì bức xúc về quyền lợi, nhiều lần hàng trăm người dân tập trung tại văn phòng CTCP Bách Đạt An yêu cầu giải quyết và cầu cứu đến nhiều cơ quan công quyền của TP. Đà Nẵng và Quảng Nam, gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Để tránh tình trạng trên xảy ra, mới đây Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng vừa có công văn số 2182/SXD-QLN về kiểm soát việc tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh BĐS. Theo Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, để việc kinh doanh BĐS tại các dự án BĐS trên địa bàn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi của khách hàng, các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh chỉ được đưa sản phẩm BĐS có sẵn hay hình thành trong tương lai vào kinh doanh phải đáp ứng quy định của Luật Kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở tại dự án nhà ở thương mại phải thực hiện theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng sai phạm trong đầu tư dự án, kinh doanh BĐS. Các tổ chức, cá nhân khi giao dịch BĐS chỉ thực hiện các dự án bảo đảm đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh.
Sở Xây dựng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố và UBND các quận, huyện phối hợp chỉ cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với các dự án BĐS đã đủ điều kiện theo quy định; lưu ý trường hợp cấp quyền sở hữu nhà ở đối với tổ chức, cá nhân người nước ngoài.
Đồng thời rà soát, xử lý đối với các trường hợp đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại các dự án không cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở.
Sở Xây dựng cũng đề nghị Sở Tư pháp yêu cầu các Văn phòng Công chứng chỉ thực hiện công chứng các hồ sơ giao dịch BĐS đối với các dự án đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định và thường xuyên, kiểm tra, xử lý các vi phạm nếu có trong lĩnh vực công chứng…