Những cuộc “soán ngôi” làm thay đổi thị trường ô tô Việt
Có những mẫu xe tưởng chừng như không thể bị lung lay ở vị trí dẫn đầu phân khúc nhưng chỉ trong thời gian ngắn, chúng đã bị thay thế. Điều này cho thấy thị trường ô tô Việt Nam đang cạnh tranh ngày một khốc liệt.
Toyota Innova, Hyundai Grand i10 từng là những mẫu xe mang tính biểu tượng ở phân khúc của nó với doanh số ổn định, vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những cái tên mới đầy triển vọng đã nhanh chóng đẩy những model này xuống vị trí “cựu vương” và nếu không có gì quá đột phá, chưa có dấu hiệu cho thấy chúng sẽ sớm lấy lại được vị thế của mình.
Sự đi xuống của những mẫu xe này cũng cho thấy một thực tế tại thị trường ô tô Việt Nam là mọi thứ đang thay đổi rất nhanh. Những giá trị cũ, vốn tưởng chừng khó thay đổi trong thời gian ngắn lại không còn là tiêu chí hàng đầu khi người dùng chọn mua xe. Bất kỳ một hãng, một mẫu xe nào cũng đều phải liên tục thay đổi tư duy làm và định giá sản phẩm nếu không muốn đánh mất vị trí của mình.
Dưới đây là một số màn “soán ngôi” đáng chú ý trên thị trường ô tô Việt Nam:
VinFast Fadil và Hyundai Grand i10
Sự vươn lên của VinFast Fadil ở phân khúc xe hạng A mang đến nhiều điểm thú vị. Model này được đưa về Việt Nam từ tháng 6/2019, nhận nhiều hoài nghi từ người dùng. Khi thương hiệu VinFast ra mắt, mọi con mắt cũng đều đổ dồn vào 2 model dòng Lux là Lux A2.0 và Lux SA2.0. Tuy nhiên, Fadil dần chứng minh sức hút của mình qua từng tháng. Cho đến cuối năm 2020, Fadil kết thúc năm với doanh số 18.106 xe, nhiều hơn 447 xe so với Hyundai Grand i10.
Lúc này, người ta đã bắt đầu tin vào một cuộc lật đổ trên thị trường. Tháng gần nhất (5/2021), VinFast Fadil đạt doanh số 1.868 xe, lần thứ 2 trong năm giành vị trí mẫu xe bán chạy nhất trên thị trường. Trong khi đó, Hyundai Grand i10 chỉ đạt 953 xe, tức là chỉ bằng một nửa so với đối thủ. Cộng dồn 5 tháng đầu năm, Fadil đã đạt doanh số 7.575 xe trong khi đối thủ từ Hyundai chỉ đạt 5.364 xe. Mức chênh lệch giữa cả 2 đã không còn suýt soát như năm 2020 mặc dù chưa đến nửa năm trôi qua.
Nhìn vào cuộc soán ngôi này, người ta thấy được sự “chậm chạp” của Hyundai Grand i10 khi mẫu xe này đã trải qua khoảng thời gian dài không được nâng cấp. Trong khi đó, VinFast Fadil sở hữu động cơ mạnh nhất phân khúc, nhiều tuỳ chọn tương đương xe hạng B cùng chính sách bán hàng hết sức linh hoạt. Cách vận hành của VinFast đã mang đến nhiều bài học cho các hãng xe kinh doanh tại Việt Nam, vốn không có quá nhiều sự đổi mới trước đây.
Ở phân khúc xe hạng A, Fadil hiện giữ tương đối chắc ngôi vua doanh số khi những sản phẩm như Kia Morning, Toyota Wigo không đủ sức cạnh tranh. Grand i10 tuy thua sút nhưng vẫn thường xuyên lọt top 10 xe bán chạy.
Kia Seltos và Hyundai Kona
So với phân khúc hạng xe hạng A, SUV đô thị hạng B chứng kiến những cuộc cạnh tranh cực kỳ thú vị. Trước khi Kia Seltos và Toyota Corolla Cross về Việt Nam, Hyundai Kona chính là ông vua phân khúc với doanh số vượt trội so với các đối thủ như Ford Ecosport hay Honda HR-V.
Cái cách Kia Seltos về nước và nhanh chóng đánh chiếm ngôi đầu cũng khá giống với Hyundai Kona trước đây. Thời điểm đầu, SUV đô thị hạng B chỉ có Ford Ecosport là model khai phá phân khúc. Doanh số ổn định của model này khiến các hãng đối thủ nhìn ra tiềm năng của phân khúc tưởng như khó tồn tại này.
Hyundai Kona về nước từ tháng 8/2018 và giữ ngôi vương được khoảng hơn 1 năm trước khi chịu thất thế hoàn toàn trước Kia Seltos. Điều này khá dễ hiểu kia Kona chưa có bản nâng cấp nào từ khi ra mắt (bản facelift đã ra mắt nhưng chưa được đưa về Việt Nam) trong khi Seltos có ngoại hình trẻ trung, phong cách hơn, giá bán rẻ hơn. Ở tháng gần nhất, Kia Seltos đạt doanh số 1.080 xe trong khi Hyundai Kona chỉ bán được 369 xe. Doanh số của Kona cũng không sánh được so với Toyota Corolla Cross (765 xe).
Trong tháng 6, Hyundai công bố giá 40 triệu đồng cho mẫu Kona. Kết hợp với các chính sách ưu đãi của đại lý, người mua có thể tiết kiệm khoảng 60 triệu đồng khi mua Kona. Tuy nhiên, không nhiều người tin rằng các ưu đãi này có thể giúp Kona vượt mặt Kia Seltos trong các tháng kế tiếp bởi đơn giản, model của Kia thể hiện nhiều sự vượt trội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì SUV đô thị vẫn là một phân khúc mới tại Việt Nam. Do đó, mức độ ổn định trong tâm lý lựa chọn của người dùng chưa rõ ràng. Bằng chứng là chỉ trong 3 năm, đã có liên tiếp 2 mẫu xe bị mất ngôi vương, đều vào tay các model mới và trẻ trung hơn. Do đó, trong thời gian tới, nếu có SUV đô thị nào đó mới về nước, hoặc giảm giá mạnh để kích cầu, mọi chuyện có thể tiếp tục đảo chiều.
Mitsubishi Xpander và Toyota Innova
Innova trong nhiều năm được xem là mẫu MPV quốc dân. Doanh số của nó luôn vượt rất xa các đối thủ và gần như là lựa chọn tối ưu nhất cho những ai muốn sắm một chiếc MPV 7 chỗ phục vụ nhu cầu di chuyển của gia đình hoặc chạy dịch vụ. Tuy nhiên, Xpander xuất hiện và làm thay đổi mọi thứ.
Mẫu xe của Mitsubishi như thổi một làn gió mới vào một phân khúc vốn rất cũ kỹ, ít thay đổi và gần như không có sự cạnh tranh. Kiểu dáng trẻ trung hơn hẳn, nhiều tuỳ chọn về cấu hình trong khi giá bán cũng thấp hơn nhiều so với đối thủ, Xpander từng bước vượt mặt đối thủ và đến thời điểm hiện tại, sự chênh lệch đã thể hiện rất rõ. Tháng gần nhất, Mitsubhishi Xpander đạt doanh số 1.470 xe, là mẫu xe bán chạy thứ 4 tại Việt Nam, trong khi Innova chỉ đạt 229 chiếc.
Bền bỉ, rộng rãi, thương hiệu được khẳng định, Innova vẫn sở hữu những ưu điểm lớn nhưng giờ đây, người dùng chấp nhận đánh đổi những giá trị đó để lựa chọn thứ gì đó trẻ trung, mới mẻ và đặc biệt, tiết kiệm chi phí hơn. Đó là lý do Xpander – kẻ dám mang đến những giá trị mới, lên ngôi. Ngoài Xpander thì Suzuki XL7 cũng đang được thị trường đón nhận tốt ở phân khúc này.