Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm: Liệu có tín hiệu tích cực “nâng đỡ”?

Sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế và thị trường BĐS có sự phụ thuộc vào kết quả công tác kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới, cũng như diễn biến của tiến trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và mức độ xung đột lợi ích giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tất cả các nhân tố sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phục hồi, tăng trưởng của thị trường BĐS năm 2021 và các năm tiếp theo

Nhận định về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) từ nay đến cuối năm, bà Nguyễn Hương, CEO CTCP Đại Phúc Land cho rằng, nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng hiện có chung “biểu đồ”, gắn liền với những diễn tiến và sự kiềm chế dịch bệnh Covid – 19 của Chính phủ. Đây là yếu tố tác động từ bên ngoài, mang tính bất khả kháng đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, những doanh nghiệp còn tồn tại, vẫn luôn trong tâm thế chờ đợi những quyết sách mang tính thay đổi để bứt phá trong những tháng cuối năm.

Thị trường BĐS hiện gắn liền với những diễn tiến và sự kiềm chế dịch bệnh Covid-19

Đi sâu phân tích đối với từng phân khúc của thị trường BĐS, chuyên gia Savills Việt Nam chỉ ra, mỗi mảng thị trường sẽ có hướng phát triển khác nhau nhưng nhìn chung, vẫn chịu sự tác động đáng kể từ đại dịch Covid-19. Cụ thể, lĩnh vực BĐS công nghiệp đến nay vẫn luôn giữ vị thế là một trong những phân khúc có triển vọng phát triển tốt nhất. Thị trường này được kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận nhiều nhu cầu mới hơn nữa trong tương lai, đặc biệt tại các khu vực kinh tế triển vọng. Đà tăng trưởng của BĐS công nghiệp vẫn hưởng lợi từ các thương vụ M&A và nguồn cung mới.

Bên cạnh đó, thị trường văn phòng, nhà ở cho thuê, nhà gắn liền với đất mặc dù có dấu hiệu chững lại nhưng xét về tầm nhìn dài hạn vẫn có xu hướng tăng trưởng do nhu cầu sẽ cải thiện dần khi dịch bệnh được đẩy lùi. Một mảng miếng khác là BĐS nghỉ dưỡng dù trước đó khá ảm đạm, hy vọng cuối năm nay cũng như trong tương lai gần sẽ có tín hiệu khả quan nhất định, nhất là khi các quy định về dãn cách được Chính phủ nới lỏng. Vì vậy, các chủ đầu tư đã lựa chọn cẩn thận hơn nhà điều hành uy tín cho các dự án nghỉ dưỡng cao cấp hơn là chỉ đầu cơ cho các dự án condotel như trước kia.

“Từ nay đến cuối năm, những tác động của dịch Covid-19 sẽ vẫn ảnh hưởng tới thị trường BĐS, do vậy sẽ có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các phân khúc và dự án ở từng khu vực khác nhau. Mục tiêu chung hiện nay là sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và các chương trình tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 cần được nhanh chóng triển khai để nền kinh tế sớm trở lại trạng thái bình thường. Một khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương có thể thu hút không chỉ đầu tư nội mà còn các nhà đầu tư quốc tế. Nhất là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… cùng các địa phương trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế sẽ vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Với các nhà đầu tư cá nhân, khi có ý định đầu tư bất kỳ loại hình phân khúc BĐS nào, nhà đầu tư cần nhớ tới quy tắc luôn nghiên cứu kỹ loại hình đầu tư và những tiềm năng phát triển của BĐS đó trong tương lai. Việc thu thập các thông tin chính xác và đáng tin cậy về hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, về quy hoạch đã được công bố và xác nhận giúp nhà đầu tư không chạy theo đám đông với những thông tin chưa được kiểm chứng”.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trên cơ sở kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, dự báo năm 2021, thị trường BĐS cả nước và TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, ổn định và chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng “đóng băng”, hoặc “bong bóng” BĐS, do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao.

Trong đó, phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, bao gồm nhà ở thương mại có giá trung bình, nhà ở thương mại có giá thấp, nhà ở xã hội sẽ giữ vai trò chủ đạo của thị trường BĐS. Đây cũng chính là cơ hội để người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư tạo lập được nhà ở.

Phân tích về các nhân tố tác động đến sự phục hồi, tăng trưởng của thị trường BĐS từ nay đến cuối năm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, cũng là năm đầu của kế hoạch 2021-2025, chắc chắn sẽ tạo được xung lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có thị trường BĐS. Nhất là, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật có hiệu lực như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS… mang tính đồng bộ, liên thông, tháo gỡ được các vướng mắc, khó khăn của thị trường BĐS. Các quy định pháp luật mới sẽ giúp cho cán bộ công chức nhà nước của các địa phương yên tâm thi hành công vụ, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại, để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế vững chắc.

“Sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế và thị trường BĐS có sự phụ thuộc vào kết quả công tác kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới, cũng như diễn biến của tiến trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và mức độ xung đột lợi ích giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tất cả các nhân tố sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phục hồi, tăng trưởng của thị trường BĐS năm 2021 và các năm tiếp theo” – ông Châu khẳng định.

Nguồn Minh Tuyết/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục