Vay tiêu dùng qua ví điện tử

Các trung gian thanh toán đang tích cực hợp tác với ngân hàng để mở rộng các khoản vay tiêu dùng hỗ trợ đời sống cho những người thu nhập thấp trong mùa dịch.

Ví điện tử kết nối cho vay tín chấp

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành phố ảnh hưởng đến thu nhập người dân và doanh nghiệp, nhu cầu vay ứng trước là khá lớn. Nắm bắt được nhu cầu này, Ví điện tử MoMo cho ra đời dịch vụ tài chính theo tiêu chí “4 không”: không thủ tục phiền toái, không chờ đợi, không giấy tờ, không tốn phí. Người dùng chỉ mất khoảng từ 1 – 3 phút là có thể thực hiện các thủ tục vay nhanh, chi tiêu trước – trả tiền sau để đầu tư, thanh toán hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng, mua các sản phẩm bảo hiểm tài sản, bảo hiểm du lịch… nhanh gọn và tiện lợi.

Ảnh minh họa

Thay vì trực tiếp làm việc với các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính, bây giờ trên ứng dụng ví điện tử MoMo, với “Ví Trả Sau” – sản phẩm hợp tác với TPBank, người dùng ngay lập tức có hạn mức lên tới 5 triệu đồng chỉ sau một phút kích hoạt, dùng cho những khoản chi tiêu cấp bách ngay trên ví điện tử và thanh toán sau. Hạn mức Ví Trả Sau có thể được nâng lên nếu có lịch sử chi tiêu tốt sau 1 đến 3 tháng sử dụng và thường xuyên thanh toán đúng hạn.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ người dùng trong mùa dịch khó khăn, MoMo đang miễn phí dịch vụ 20.000 đồng/tháng khi sử dụng Ví Trả Sau từ nay đến 31/8/2021. Phí dịch vụ là phí để duy trì dịch vụ Ví Trả Sau, sẽ chỉ phát sinh 1 lần duy nhất ở giao dịch đầu tiên trong tháng. Còn nếu trong tháng nếu không phát sinh giao dịch từ nguồn tiền Ví Trả Sau sẽ không bị tính phí này.

Trên thực tế, hiện không ít người có thu nhập trung bình trở xuống thường lúng túng khi tiếp cận các tổ chức tài chính và tìm kiếm một khoản vay nhỏ cho nhu cầu tiêu dùng. “Để giải quyết vấn đề này, cần một cách tiếp cận đơn giản, dễ dàng – điều mà chỉ có công nghệ mới có thể làm được”, ông Nguyễn Bá Diệp – Phó chủ tịch kiêm đồng sáng lập ví MoMo nói thêm.

Tiện ích tín dụng tiêu dùng rộng mở

Trên thị trường hiện các sản phẩm tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống trong giai đoạn Covid-19 đang tăng nhanh. Mobivi cũng có sản phẩm “mua trước trả sau” và “dịch vụ ứng tiền trực tuyến”. Theo đó người dùng chỉ cần chứng minh thu nhập hàng tháng trên 3 triệu đồng, có hợp đồng lao động trên 6 tháng là có thể vay ứng lương từ Công ty tài chính HDSaison bằng mức thu nhập. Ngoài ra, Mobivi cũng liên kết với một số tổ chức tín dụng triển khai khai dịch vụ mua trước trả sau, với mức vay tối đa 50 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng để khách hàng linh hoạt sử dụng khi có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng.

Hay như Fundiin hợp tác với nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo, tích hợp giải pháp thanh toán trả sau đến các đối tác của Sapo. Các nhà bán lẻ đủ điều kiện có thể hỗ trợ khách hàng chia đơn hàng thành 3 kỳ thanh toán hàng tháng hoàn toàn miễn phí mà không cần thẻ tín dụng và không cần tải ứng dụng.

Trong khi đó, Công ty tài chính VietCredit mới đây cũng có sản phẩm thẻ vay VietCredit với mức lãi suất ưu đãi 0% trong tuần lễ đầu sau khi mở thẻ và chỉ phải trả lãi trên thực tế số tiền thực rút qua thẻ vay.

Ông Trần Đại Dương – Giám đốc điều hành Interloan cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, tiềm năng mở rộng các sản phẩm dịch vụ tài chính tiêu dùng là rất lớn. Trong đó, các dịch vụ kết nối cho vay trả lương, ứng lương cho người lao động, cho vay tín chấp thông qua các ứng dụng của fintech liên kết với các tổ chức tín dụng phổ biến hơn.

Theo ông Dương, thời gian qua Interloan đã hợp tác với liên minh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số DTS và Viec.co – một nền tảng kết nối tức thời lao động tự do với doanh nghiệp – thực hiện giải pháp ứng lương nhanh cho người lao động khi mua sắm trên “chợ phiên online” và trả trước thù lao cho các cộng tác viên trên sàn Viec.co. Qua thực tế triển khai đã ghi nhận hàng nghìn giao dịch ứng lương thành công của người lao động thời vụ tự do với mức ứng từ 1-5 triệu đồng và mức phí khoảng 3% tổng số tiền ứng trước.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu tài chính tiêu dùng của người dân các quốc gia đều sẽ tăng lên trong khoảng 1-2 năm tới. Điều này sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để các sản phẩm tài chính tiêu dùng phát triển mạnh.

NguồnThạch Bình/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục