Bộ Xây dựng ‘siết’ việc huy động vốn, chặn tình trạng ‘bán lúa non’

Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức phạt kịch khung lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mức phạt này cũng chưa đủ sức răn, các chủ đầu tư sẵn sàng 'bán lúa non', huy động vốn rồi nộp phạt...

Phạt kịch khung 800 triệu đồng

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Dự thảo nghị định này quy định một số điểm mới về mức phạt tiền trong kinh doanh bất động sản, vi phạm xây dựng biện pháp khắc phục hậu quả, xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép…

Tại tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định, Bộ Xây dựng đánh giá sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Nghị định 139) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng việc quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, vi phạm về trật tự xây dựng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để góp phần giảm thiểu tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch…..

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, Nghị định 139 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi, bổ sung chưa như có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm; một số lĩnh vực còn thiếu chế tài xử lý; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…

Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức phạt kịch khung lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản. Trong ảnh: Dự án Athena Complex Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh bất động sản, nhưng chủ đầu tư đã bán cho nhiều người.

Dự thảo lần này đã đưa vào các quy định của Thông tư 03/2018/TT-BXD tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139 trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư). Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết….

Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hiện hành, mức phạt cao nhất chỉ là 300 triệu đồng.

Không đủ sức răn đe

Nhiều chuyên gia cho rằng, mức phạt 800 triệu đồng đối với các hành vi kinh doanh bất động sản như dự thảo nghị định do Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đưa ra là chưa đủ sức răn đe.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: “mức phạt 800 triệu đồng như dự thảo nghị định do Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đưa ra là chưa đủ sức răn đe. Thậm chí, nếu phạt kịch khung trong luật Xử lý vi phạm hành chính là 2 tỷ đồng thì cũng chưa đủ răn đe đối với các chủ đầu tư dự án vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây chính là bất cập, là kẽ hở pháp luật để chủ đầu tư lách luật, đẩy rủi ro về phía người mua nhà”.

Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, đây là điểm bất cập lớn, kẽ hở của luật pháp để các chủ đầu tư lách, sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt. Nếu không sớm khắc phục điểm này sẽ dẫn đến nhờn luật, mất niềm tin vào pháp luật của người dân, gây thiệt hại cho khách hàng.

Theo KTS Tùng, để thay đổi có hiệu quả, mang tính đột phá thì luật Xử lý vi phạm hành chính cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng mức phạt, tăng chế tài đối với các ngành, lĩnh vực có tiềm lực kinh tế lớn, trong đó có bất động sản. Mức phạt phải đủ sức răn đe để các chủ đầu tư, người vi phạm thấy rõ nếu có vi phạm thì bản thân chịu thiệt nặng trước, không có lợi lộc gì.

“Đồng thời, cần xem xét các yếu tố để hình sự hoá các vụ việc, xử lý nghiêm, dứt điểm. Như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe, chấm dứt được tình trạng đẩy thiệt hại về cho khách hàng như nhiều vụ việc từ trước đến nay. Thậm chí, cần quy trách nhiệm cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm đối với người đứng đầu địa phương, các cấp cán bộ khi để xảy ra vi phạm”, KTS Tùng nói.

NhưTiền Phongthông tin, thời gian qua, dù đang làm hạ tầng kỹ thuật, thậm chí chỉ là những khu đất trống nhưng tại loạt dự án khu đô thị, dự án nhà ở của nhiều địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Cần Thơ… được chủ đầu tư “bắt tay” với các sàn môi giới bất động sản rầm rộ quảng cáo rao bán, huy động vốn trái phép dưới nhiều hình thức, tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng. Chính quyền các địa phương buộc ra cảnh báo, đề nghị công an vào cuộc.

Như tại Hà Nội, mới đây nhiều khách hàng kêu cứu việc Công ty TNHH Phát triển đô thị và xây dựng 379 chủ đầu tư Toà nhà hỗn hợp Athena Complex Pháp Vân (Athena Complex Pháp Vân) phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai bán nhà trái phép, không đúng quy định.

Đáng nói, đến nay dự án đã xây xong phần thô nhưng vẫn chưa đủ điều kiện bán. Việc chủ đầu tư chậm bàn giao cho người mua nhà khiến nhiều người dân bức xúc kêu cứu.

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, đến thời điểm 15/7, Sở Xây dựng chưa có văn bản xác nhận nhà ở hình thành trong tương lại tại dự án Toà nhà hỗn hợp Athena complex Pháp Vân đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 của Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.

“Như vậy, nếu chủ đầu tư Dự án nhà ở khi chưa được Sở Xây dựng có văn bản xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện đưa vào kinh doanh mà vẫn thực hiện việc bán nhà ở hình thành trong tương lại (Ký hợp đồng mua bán) là vi phạm quy định. Căn cứ theo phản ánh của cơ quan báo chí, Sở Xây dựng sẽ giao Thanh tra Sở thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) tại dự án Athena complex Pháp Vân”, Sở Xây dựng nêu.

Dù đang trong quá trình san lấp, thi công cơ sở hạ tầng nhưng từ nhiều tháng qua Công ty CP BĐS Hải Long Land đã bán “lúa non” bằng cách ký hợp đồng vay vốn và kèm theo Phiếu đăng ký nhu cầu mà bản chất là thỏa thuận đặt cọc, giữ chỗ cho BĐS hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện huy động vốn.

Tại tỉnh Hòa Bình, Sở Xây dựng vừa yêu cầu chấm dứt việc rao bán bất động sản của dự án Khu vui chơi giải trí cao cấp suối khoáng Kim Bôi (tên thương mại là Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi) do Công ty CP Thương mại và Du lịch Kim Bôi làm chủ đầu tư.

Theo Sở Xây dựng Hòa Bình, hiện nay một số trang mạng: apecmandala-kimboi; apecmandala-hoabinh; mandalahoabinh.com,… đang rao bán bất động sản khi dự án chưa đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản.

Sở Xây dựng Hòa Bình cho biết, dự án Apec Sky Villas Mandala Kim Bôi mới được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại quyết định số 18 hồi tháng 6/2021. Tại quyết định này, UBND tỉnh Hòa Bình chưa cho phép Công ty CP Thương mại và Du lịch Kim Bôi được phép đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Do đó, Sở Xây dựng Hòa Bình yêu cầu các trang thông tin điện tử, quảng cáo gỡ các thông tin rao bán bất động sản đối với dự án Apec Mandala Kim Bôi…

NguồnĐình Phong / Tiền phong
Bài cùng chuyên mục