Thuốc Molnupiravir chưa được phép lưu hành, chợ online đã bán rầm rộ: Cảnh báo từ Bộ Y tế

Mặc dù Molnupiravir chưa được lưu hành để điều trị COVID-19, các hiệu thuốc cũng chưa có hàng, thế nhưng trên các chợ online đã ‘ôm’ hàng rầm rộ với giá hàng triệu đồng.

Các hiệu thuốc chưa bán Molnupiravir

Mới đây, Cục quản lý Dược, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất tại Việt Nam.

Cụ thể, các loại thuốc được cấp phép là thuốc kháng virus Molnupiravir 400mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm sản xuất; thuốc Molravir 400mg của Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam và thuốc Movinavir của Công ty CP dược phẩm Mekophar. Theo nhiều nguồn tin từ công ty sản xuất thuốc, dự kiến giá bán khoảng dưới 300.000 đồng/hộp, thậm chí có thể thấp hơn nếu sản xuất với số lượng lớn.

Thông tin thuốc Molnupiravir nội sẽ được cung ứng trên thị trường khiến nhiều người dân chờ đợi, vì họ có thể mua ở các nhà thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, hiện tại các hiệu thuốc trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chưa có thuốc Molnupiravir.

Molnupiravir vẫn chưa được bán ra thị trường. Ảnh minh họa.

Các nhà thuốc dọc đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết hiện các nhà thuốc vẫn chưa có thuốc Molnupiravir để bán, giá cả như thế nào họ cũng chưa biết.

Tương tự, nhân viên hiệu thuốc trên đường Cầu Giấy cho biết dự kiến cuối tuần này hoặc sang đầu tuần sau các nhà thuốc mới có hàng nhập về. “Chúng tôi đang chờ Bộ Y tế hoàn thành thủ tục cấp phép cho các hiệu thuốc bán. Lúc ấy chúng tôi mới nhập hàng về được. Giá thế nào khi ấy cũng mới biết”, nhân viên nhà thuốc cho hay.

Chợ online sôi nổi với giá tiền triệu

Mặc dù các hiệu thuốc không có thuốc để bán, tuy nhiên trên các trang mạng xã hội, theo tìm hiểu của PV, mặt hàng thuốc Molnupiravir ngoại được bán tràn lan. Nhiều tiểu thương khoe mẽ ‘ôm’ cả lô với giá hời.

Chị Lộc Thị L. (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bản thân chị bị nhiễm Covid-19 có triệu chứng ho, rát họng, mệt mỏi, đau đầu,… nên muốn tìm mua thuốc Molnupiravir trên mạng về dự trữ, phòng trường hợp bệnh trở nặng. Chị được người bán hàng giới thiệu thuốc Molnupiravir với giá 2,6 triệu/hộp.

Dạo một vòng các nhóm chợ thuốc, có thể nhận thấy Molnupiravir được nhiều chủ thương rao bán với mức giá từ 1,8 – 2,6 triệu/hộp tùy từng loại thuốc.

Đơn cử, thuốc Molnupiravir Capsules 200mg Malaz có xuất xứ từ Ấn Độ được các ‘tiểu thương’ báo giá 2 triệu; 2,2 triệu; 2,6 triệu/hộp.

Molnupiravir Capsules 200mg Malaz được rao bán trên mạng.
Hay Molnupiravir Capsules Molnatris 200mg Mylan hộp trắng xanh xuất xứ từ Ấn Độ được rao bán trên mạng với giá 2,9 triệu.

Với Molnupiravir trong nước, được Bộ Y tế chỉ định phát cho những F0 điều trị tại nhà miễn phí, thuốc này được rao bán trên mạng với giá 1,8 triệu/1 hộp.

Hoặc cũng có nhiều người ‘hét giá’ cao gấp 3 lần so với giá dự kiến Bộ Y tế đưa ra.

Theo ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế, dự kiến ngày 27/2, Bộ Y tế sẽ họp với 3 doanh nghiệp trên về quá trình cung ứng, sử dụng, chất lượng và giá cả của các loại thuốc. Vì vậy, thời điểm này chưa thể có thuốc được bày bán ở các nhà thuốc như người dân mong đợi.

Về nguyên tắc, 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir được cấp phép khẩn cấp để điều trị miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến về việc ngoài sử dụng để điều trị miễn phí ở cơ sở, có thể cho bán các loại thuốc này tại các cơ sở đăng ký, kinh doanh về thuốc. Việc này có mục đích giúp người dân khi  bị nhiễm Covid-19 có thể chủ động mua về điều trị tại nhà theo đơn của bác sĩ.

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có chỉ định của bác sĩ về các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng khi dùng thuốc. Người dân tuyệt đối không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, Molnupiravir ban đầu do trường đại học Emory (Mỹ) phát minh để trị cúm. Sau đó thuốc này được công ty Ridgeback Biotherapeutics mua lại. Khi dịch Covid-19 bùng phát, hãng này chuyển hướng sang nghiên cứu tác dụng trên SARS-C0V-2 và phối hợp với hãng Merck. Hai hãng này đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng pha 2 và pha 3 quy mô lớn từ tháng 10/2020 đánh giá hiệu quả của Molnupiravir trong điều trị Covid-19, dự kiến kết thúc vào tháng 5/2022.

Tuy nhiên, do kết quả báo cáo giữa kỳ của thuốc quá tốt, nên 2 hãng đã xin phép sử dụng khẩn cấp cho điều trị Covid. Thuốc Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành có điều kiện tại Anh (ngày 04/11/2021), phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Mỹ (ngày 23/12/2021), tại Nhật Bản (ngày 25/12/2021).

Thuốc Molnupiravir là một nucleoside giả, khi uống thuốc vào trong cơ thể những nơi nào có tế bào đang nhân lên cũng sẽ bị ảnh hưởng theo cơ chế tương tự. Những tế bào non đang sinh sản sẽ bị ảnh hưởng, ví dụ như trứng, tinh trùng, sụn xương… Chính vì thế người ta khuyên không dùng thuốc cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 18 tuổi vì ở tuổi này các đầu xương đang phát triển.

Người đang uống thuốc không nên có thai vì nguy cơ ảnh hưởng đến bào thai đang nhân lên. Thậm chí người ta khuyến cáo nam giới nên kiêng sinh con 3 tháng sau khi sử dụng thuốc này. Phụ nữ trước khi sử dụng thuốc phải thử thai để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Những người bị suy thận, suy gan đến nay FDA khuyến cáo sử dụng có kiểm soát, chưa phải đối tượng chống chỉ định thuốc này.

Mộc Trà
Nguồn Mộc Trà/Doanh nghiệp & Tiếp thị
Bài cùng chuyên mục