Hàng xôi bọc lá sen tươi đậm chất Bắc giữa lòng Sài Gòn, chỉ bán 2 tiếng mỗi ngày vì quá đông, khiến “cậu cả” bỏ đại học để nối nghiệp gia đình
Xôi lá sen nằm ở số 35 Ngô Thị Thu Minh, quận Tân Bình bán từ lúc 6h30 sáng, chưa đầy 3 giờ đồng hồ sau đó là đã "hẹn khách hôm sau".
“Cho tui một gói xéo mặn, nhiều ruốc”; “Của tui một gói bắp ngọt”; “Một gói cốm, ít ngọt luôn nha”, vừa xong hiệp khách đầu tiên, những tràng giọng cất lên thánh thót là báo hiệu của một hiệp khách thứ 2, đông nghẹt không kém những lượt khách đầu tiên và ai cũng vội vã. Cứ như thế hàng xôi lá sen này vừa dọn ra đã “vào việc”, không kịp chỉnh đốn, sắp xếp lại đồ đạc.
XÔI CHƯA KỊP DỌN ĐÃ CÓ KHÁCH RỒNG RẮN XẾP HÀNG, ĐẾN MUA XÔI PHẢI NHỚ MỘT “CÂU THẦN CHÚ”
Sở dĩ nhiều người ta gọi hàng xôi này là hàng xôi 3 tiếng là vì quán chỉ mở cửa và bán hàng trong vòng 3 giờ đồng hồ, từ 6h30 sáng đến khoảng 8h hơn là hết hàng. Và khi đến hàng xôi này người ta phải nhớ “câu thần chú” là tên của món xôi mình mua, kèm với đó phải liên tục í ới, gọi to thì may ra mới đến lượt mình.
Không cần biển hiệu, trên nền diện tích chừng 40 mét vuông đổ lại, một cái bàn nhựa những thau xôi nóng hổi, nào xôi đậu, xôi bắp, xôi cốm,… mùi thơm phải xộc qua từng lớp khẩu trang, khiến ai nấy không khỏi thèm thuồng, chép miệng.
Nhất là mùi xôi cốm, hạt dẻo xanh tinh tươm, hoà giữa nếp và cốm còn có cùi dừa, thơm đến nức lòng và khiến người ta rộng rãi mở hầu bao: “Cho thêm 1 gói xôi cốm nữa đi”.
Đã hơn 6 năm qua, hàng xôi nhà anh Huy hiện diện ở số 35 Ngô Thị Thu Minh, quận Tân Bình. Cách đây 2 năm khi được nhiều người biết đến là hàng xôi gói lá sen độc nhất ở Sài Gòn, anh Huy và mẹ chỉ bán trong vòng 2 tiếng đồng hồ là hết xôi, kể từ sau dịch bệnh, nhịp sống cũng chậm rãi. Tuy nhiên, không vì thế mà gánh xôi này thưa khách, thậm chí người ta còn rồng rắn chờ từ khi anh Huy chưa dọn ra.
“Hôm nào cũng thế, cứ dọn ra là thấy khách chờ. Đôi lúc chỉ kịp bê đồ ra, chưa kịp sắp xếp, tân trang lại là khách đã luôn miệng gọi. Bán cho đến lúc hết xôi, dọn về anh mới nhớ ban sáng mình còn chưa kịp dọn ra”.
Hàng xôi anh Huy bán chủ yếu có 3 loại: xôi xéo, xôi bắp, xôi cốm với giá từ 12.000 đồng/1 gói. Xôi xéo ở đây được cho là có hương vị chuẩn. Hạt nếp vàng đều, bóng, mình mua để tới trưa mà vẫn giữ được độ mềm dẻo. Xôi có ruốc mặn, chà bông, đậu xanh ăn đúng chuẩn xôi xéo miền Bắc.
Để bàn về xôi xéo miền Bắc thì: “Ôi thôi, phải mất cả ngày dài”. Xôi Bắc rất ý vị! Xôi ngon phải là xôi còn mới, vừa nấu, nguyên liệu thì phải nguyên bản đồng quê, thường bọc trong lá bàng non, lá sen to, hoặc lá chuối cắt nhỏ,… vị đăng đắng lá cây hoà với vị xôi thì mới được gọi là thượng vị.
Cũng như chiếc bánh mỳ thân thuộc của người Nam, xôi là thức ăn sáng nằm gói gọn trong tuổi thơ của người dân… xứ Kinh Kỳ. Nhắc ký ức về gói xôi lá sen của người Bắc ở Sài Gòn, nhiều người nhớ lưng lửng: “Sáng đi làm vội, mở gói xôi lá sen, nhựa lá còn dính, bên trong có mùi nếp dẻo, đặc quánh, có áo bên trên một lớp chà bông (hay còn gọi là ruốc), hành phi thơm lừng, cùng với một vài miếng chả lụa dày…”.
Nếu bạn muốn được thưởng thức món xôi lừng danh đất Sài Gòn này, mà đúng điệu xôi Tràng An thì bạn phải tranh thủ thời gian đến hàng xôi lá sen này.
Xôi xéo là chuẩn bị nhất tiếp đến là xôi bắp. Có 2 loại ngọt và mặn, xôi ngọt có đường, dừa, còn xôi mặn có chả, chà bông, ruốc, hành phi,… Riêng xôi cốm, bao gồm nếp kết hợp với đậu xanh và trộn chung với dừa, mùi vị vừa phải và đặc biệt rất dẻo, không quá ngọt lại không quá khô.
“CẬU CẢ” BỎ HỌC ĐẠI HỌC, CHỌN NỐI NGHIỆP GÁNH XÔI LỀ ĐƯỜNG VÀ QUAN ĐIỂM ĐẮT GIÁ
Lục Đức Huy (27 tuổi) là con trai cả “thừa hưởng” hàng xôi gia truyền hơn 5 năm nay. Gắn bó với hàng xôi của bố mẹ từ năm 18 tuổi, ít ai biết ngày trước thay vì theo đuổi con đường của mình, phụ giúp, đỡ đần bố mẹ là công việc mà anh Huy đã chọn cho mình.
Vẫn là câu chuyện cũ, một cậu DJ sáng phụ mẹ bán xôi tối đi làm thêm “nightlife”. Huy bây giờ thay đổi nhiều, anh gần như hiểu câu chuyện mà mọi người nhớ đến mình không chỉ là “hot boy bán xôi” mà còn là câu chuyện của một người trẻ, lựa chọn gia đình.
“3h sáng mỗi ngày phải dậy, tầm 6h rưỡi đã có mặt ở góc đường, anh như vậy đã 5 năm rồi”, anh Huy cười nhẹ và sự ngại ngùng khi nhắc về câu chuyện của chính mình cách đây 4 năm mà tôi gặp đã không còn nữa; mà thay vào đó là sự tự tin, tin rằng hơn cả việc mưu sinh hàng xôi này mang lại nhiều hơn thế.
Những ngày đầu khi từ Bắc vào Nam lập nghiệp, anh Huy quan ngại rất nhiều điều, vốn không quen với việc mua gánh bán bưng, đôi khi vì cực nhọc anh còn nghĩ quay trở về tiếp tục con đường học đã dang dở. “Phóng lao thì theo lao”, cuối cùng anh và gia đình cũng chờ được ngày gánh xôi trở nên quen thuộc với đông đảo người dân sống trong khu vực, tiếng lành đồn xa, báo chí, truyền thông tìm đến review, không tốn một đồng quảng cáo, hàng xôi này vẫn đắt khách dù nắng hay mưa.
Anh Huy kể, ngày trước anh ngại việc người này người kia thay nhau gọi mình là “hot boy bán xôi”. Bạn bè tầm tuổi đã có việc làm ổn định, riêng anh là bán buôn ở vỉa hè. Nhưng dần dần việc đó như một thứ nhận diện khi anh rời Bắc vào Nam.
“ Ở Sài Gòn chẳng ai quan tâm mình làm nghề gì, cực như thế nào, có thể diện hay không, mình là người biết tận dụng thời gian kiếm tiền, bằng công sức, chất xám của mình là đã đáng tự hào. Ai cũng phải làm, phải xây dựng cuộc sống, mục đích cuối cùng là kiếm ra đồng tiền chân chính”.
XÔI GÓI LÁ SEN LÀ MỘT BÍ QUYẾT, VỊ “ĐẮNG VÀ CHÁT” KHIẾN XÔI NGON HƠN!
Anh Huy cho biết, ở Sài Gòn không có nhiều lá sen để phục vụ đủ cho số lượng xôi bán ra hằng ngày. Do đó, gia đình anh phải nhập lá sen từ Đồng Tháp, Long An… lá phải là loại lá tròn đều, còn tươi nguyên. Lá sen trước khi gói xôi đã được rửa sạch với nước, phơi ráo và rọc phần gân thô.
“Gói lá sen ngoài để an toàn còn là vì muốn giữ vị xôi dẻo, giữ được độ nóng, lá sẽ tiết ra một chút vị đắng, chát hoà với vị xôi, dù là mặn hay ngọt, miếng ăn đầu tiên nếu tinh ý sẽ thấy cái vị xôi Bắc tràn ngay ở đầu lưỡi”, anh Huy nói.
Theo anh Huy, lá sen cùng với vị đắng chát hoà vào xôi là “ý tứ” mà gia đình anh đã để lại trong mỗi gói xôi. Bao năm qua vật giá leo thang nhưng giá xôi vẫn thế, vừa là thứ đặc biệt để người xa quê không quên quê hương, không quên tuổi thơ của mình.
“Xôi bọc lá sen ăn sẽ rất khác với xôi bỏ hộp nhựa”, anh Huy chắc nịch.
Anh Huy cho biết vốn dĩ có thể bán nhiều hơn vài trăm phần nhưng gia đình anh chỉ muốn giữ đúng hương vị này mỗi buổi sáng. Một phần là cho người Sài Gòn đi làm, phần khác là để người Bắc nhớ quê mà tìm lại chút hương vị cũ.
Từng lượt khách cứ thế mà rời đi, trong vòng chưa đầy 3 tiếng hàng xôi của anh Huy đã “hẹn khách hôm sau”.
Theo Trí thức trẻ