Tranh cãi nảy lửa về đề xuất chung cư có thời hạn: Đồng tình hay phản đối đều có lý!

Đề xuất quy định về thời hạn sở hưu chung cư đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia, các hiệp hội liên quan tới bất động sản.

Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đưa ra 2 phương án quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia, các hiệp hội liên quan tới bất động sản.

Bên nói không sửa luật cũng có lý

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, nếu đề xuất này được thông qua, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tâm lý của người mua nhà và thị trường.

Đề xuất quy định về thời hạn sở hưu chung cư đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia, các hiệp hội liên quan tới bất động sản.

Ông Châu phân tích: Nếu có thời hạn, người mua sẽ cảm thấy đây là một hình thức thuê nhà dài hạn, điều này có thể dẫn nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ gắn liền với đất ở.

“Hành động này có thể dẫn đến tình trạng giá biệt thự, nhà phố lại bị đẩy lên cao, “làm lợi” cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thấp tầng”, Chủ tịch HoREA nói.

Do đó, ông Châu kiến nghị: Nên tiếp tục giữ nguyên chính sách hiện nay của Luật Nhà ở 2014 cho phép phát triển cả hai loại nhà chung cư sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài hoặc nhà chung cư sở hữu có thời hạn để đảm bảo chính sách nhà ở nhất quán và có tính kế thừa.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng có quan điểm không đặt ra quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, bởi tuổi thọ của Luật rất ngắn, chu kỳ của Luật Đất đai là 10 năm, còn Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi mới được năm 9 năm.

Theo đó, ông Đính kiến nghị giữ nguyên quy định theo khoản 3 Điều 126 Luật Đất đai năm 2013.

“Đối với dự án kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê hoặc để cho thuê mua thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài”, ông Đính nói.

Bên đồng ý sửa luật cũng không sai

Trong khi đó, các ý kiến đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng đang chiếm tỷ lệ khá áp đảo. Nhiều quan điểm cho rằng, việc chung cư có thời hạn sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa làm giá chung cư hạ nhiệt, vừa giải quyết được vấn đề cải tạo chung cư cũ đã xuống cấp.

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 cho biết: Khi doanh nghiệp này thực hiện cải tạo chung cư cũ ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), việc có sự đồng ý của 100% hộ gia đình là rất khó khăn nên việc thống nhất sửa rất khó. Và việc áp dụng quy định chung cư có thời hạn có thể giải quyết triệt để tình trạng này.

Nhiều quan điểm cho rằng, việc chung cư có thời hạn sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích.

“Chúng ta đang có 1557 chung cư cũ và hàng triệu tòa nhà sắp tới cần giải quyết, vậy nên việc quy định rõ ràng và hài hòa lợi ích trong vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn là rất quan trọng”, ông Quê cho biết.

Đồng tình với nhận định này, Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đánh giá: Mọi công trình đều có khấu hao nhất định, hết thời hạn thì phải đập đi xây lại để bảo đảm an toàn, nên chung cư có thời hạn là hợp lý.

Ông Chung nhấn mạnh: “Đặc biệt, khi chung cư có thời hạn, chắc chắn giá nhà sẽ giảm. Tuy nhiên, thời hạn bao lâu, như thế nào thì cần xem xét thêm. Có thể chung cư thời hạn 50 năm sẽ rẻ hơn so với chung cư có thời hạn 70 năm”.

Bên cạnh đó, ông Chung nhìn nhận: Các vấn đề cần xác định rõ, một là thời hạn sử dụng đất đối với chung cư cao tầng, hai là thời hạn sử dụng nhà chung cư.

Trong đó, việc xác định thời hạn sở hữu này có một số điểm cần xác định. Cụ thể, đất cho xây dựng nhà chung cư cũng không thể cấp vô thời hạn.

Về quyền sở hữu, ông Chung chia sẻ: Nên chăng không dùng từ thời hạn sở hữu nhà chung cư và thay bằng thời hạn sử dụng nhà chung cư. Khách hàng bỏ tiền ra mua nhà chung cư nên họ có quyền sở hữu tài sản. Quyền này được pháp luật dân sự bảo vệ, chỉ khi tài sản không còn mới mất quyền sở hữu.

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục