Nghịch lý: Người nước ngoài sở hữu hàng trăm héc-ta khu công nghiệp 50 năm, nhưng nhà ở lại không
Theo ý kiến của một số chuyên gia, đề xuất người nước ngoài sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư đang là rào cản lớn cho thị trường bất động sản tăng trưởng.
Trong dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đã đề xuất các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư, bao gồm cả chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho biết: Thực tế, từ năm 2015, Chính phủ đã có Nghị định số 99 về số lượng nhà ở cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà tại Việt Nam. Nghị định này cũng đã quy định rõ các cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ của mỗi tòa chung cư.
“Quy định này đã có hiệu lực từ năm 2015 thông qua một Nghị định của Chính phủ. Do đó, tôi cho rằng, việc có nên đưa quy định này vào Luật Nhà ở hay không, Bộ Xây dựng cũng nên xem xét lại”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, việc đưa ra quy định giới hạn người nước ngoài sở hữu căn hộ trong một tòa chung cư là để đảm bảo trật tự xã hội, xa hơn nữa là các vấn đề an ninh quốc phòng và rất ít quốc gia trên thế giới có quy định này.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực, nếu nới lỏng quy định này, đây sẽ là một kênh đầu tư hút vốn ngoại rất lớn.
“Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được đánh giá là tiềm năng, nếu quy định này được nới lỏng, vị dụ con số 30% có thể tăng lên 50%, hoặc gỡ bỏ hoàn toàn có thể là một động lực giúp bất động sản tăng trưởng”, ông Tuấn nhận xét.
Trong khi đó, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP tư vấn dịch vụ thương mại địa ốc Hoàng Quân đề nghị Bộ Xây dựng xem xét tỷ lệ người nước ngoài sở hữu chung cư.
Chủ tịch công ty Hoàng Quân phân tích: Ở Việt Nam hiện nay, 63 tỉnh thành trên cả nước đều quy định người nước ngoài không được sở hữu quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư.
“Vấn đề này cần xem xét lại, ví dụ ở hải đảo, biên giới thì có thể hạn chế để đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng còn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng thì có nên quy định như vậy hay không”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nhấn mạnh: Tại sao một khu công nghiệp lớn, rộng từ hàng trăm đến hàng nghìn héc-ta, người nước ngoài có quyền sở hữu 50 năm mà nhà ở thì lại không?
“Nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ bất động sản là một nguồn thu vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp bất động sản nên xem đó là hoạt động tốt và hiệu quả, ví dụ khu Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM. Do đó, tôi nghĩ nên phân lại ở một số thành phố lớn, có thể phân cho người nước ngoài, cho Việt kiều sở hữu lên tới 100%”, ông Tuấn đề nghị.
Cũng liên quan tới quy định giới hạn người nước ngoài sở hữu chung cư, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Ban Pháp Chế VCCI cho biết: Dường như các dự thảo luật chưa có sự nhất quán trong một số quy định, chẳng hạn Luật Nhà ở và Luật Đất đai hiện đang có quy định khác nhau về cấp giấy chứng nhận cho người nước ngoài sở hữu nhà ở.
“Doanh nghiệp đã từng có ý kiến về Luật Đất đai và Luật Nhà ở cho người nước ngoài. Luật Đất đai và dự thảo không quy định người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài. Luật Nhà ở thì quy định người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận. Vậy quy định như này vướng trong triển khai thực tế”, bà Hồng nói.
Do đó, ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, Bộ Xây dựng nên xem xét kỹ lưỡng về quy định này trước khi trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.