Trên đà giảm tốc mạnh, thị trường bất động sản 2023 sẽ phục hồi?
Theo các chuyên gia, cuối quý IV/2022 hoặc đầu quý I/2023, thị trường bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Song, nhu cầu nguồn cung ở một số phân khúc vẫn được kỳ vọng tăng cao.
Trên đà giảm tốc
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà giảm tốc mạnh. Những thị trường lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ đều ghi nhận sự suy giảm mối quan tâm của người tìm kiếm bất động sản khoảng 14-19%. Các loại hình bất động sản giảm khoảng 9-50%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm được vị này chỉ ra do tình trạng tắc nghẽn nguồn vốn. Trên thực tế, tình trạng khát vốn của các chủ đầu tư đã diễn ra từ đầu năm tới nay. Các nguồn vốn chính của thị trường đều đang “hẹp cửa” với các doanh nghiệp khi tín dụng đang trên đà tăng trưởng nhanh so với mục tiêu 14% của Chính phủ trong năm 2022. Như vậy, room tín dụng cho vay trong những tháng cuối năm nay sẽ không còn nhiều. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động từ kênh trái phiếu bất động sản cũng đang gặp khó.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, đa phần những nhà đầu tư bất động sản có tầm nhìn trung và dài hạn sẽ kỳ vọng khác với những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn. Điều này giải thích vì sao trong giai đoạn thị trường chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid19, giá bất động sản không giảm và vẫn tiếp tục tăng.
“Những người cắt lãi hay cắt lỗ trong thời gian vừa qua đa phần là những người sử dụng vốn vay và có kỳ vọng ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường cũng trải qua hai quý khó khăn, những nhà đầu tư này đã rơi rụng. Hiện tại đa phần chỉ còn những nhà đầu tư dài hạn đang cố gắng trụ lại”, vị chuyên gia nhận định.
Thách thức và điểm sáng
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, từ nay đến cuối năm và sang năm 2023, thị trường bất động sản vẫn phải đối mặt với một số thách thức.
Thứ nhất, kinh tế thế giới và Việt Nam phục hồi còn nhiều bấp bênh. Điều này sẽ tác động đến thương mại, đầu tư và du lịch và bất động sản…
Thứ hai, giá năng lượng, nguyên vật liệu hiện nay vẫn ở mức cao và sẽ còn tăng. Theo ông Lực, nhiều doanh nghiệp xây dựng, xây lắp và bất động sản cho biết, dòng vốn đang tồn đọng trong thị trường bất động sản tương đối lớn.
“Cụ thể, có khoảng 30 – 40% các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, xây lắp đang nợ đọng lẫn nhau. Trước đây họ gia hạn cho nhau 45 ngày nhưng hiện nay đã lên tới 90 ngày. Do đó, vòng quay tiền chậm đi và đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản. Một phần lý do là do giá nguyên vật liệu tăng cao”, vị chuyên gia nêu.
Thứ ba, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kiểm soát theo hướng chặt hơn. Thứ tư, nguồn cung chưa dồi dào ngay. Giá bất động sản (đất nền, chung cư…) còn cao và khó đoán định được việc liệu có điều chỉnh hay không,…
Nêu quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc phụ trách thị trường bất động sản phía Nam Batdongsan.com dự báo, sau giai đoạn trầm lắng, nguồn cung bất động sản trong quý cuối năm 2022 sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là phân khúc chung cư tại TP. HCM. Các chủ đầu tư đang có những đợt mở bán rầm rộ.
Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư đất nền cũng sẽ có sự hồi phục vào cuối quý IV/2022 hoặc đầu quý I/2023, mặc dù hiện tại phân khúc này vẫn đang gặp khó khăn.
Theo ông Tuấn, nếu nhìn trong quá khứ, thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới sẽ thấy lượng quan tâm tìm kiếm đất nền luôn ở mức cao và thường xuất hiện những cơn sốt. Bởi đây là thời điểm có nhiều thông tin liên quan đến quy hoạch hạ tầng được công bố, và quý cuối năm việc giải ngân đầu tư công cũng sẽ được đẩy mạnh hơn.
Một phân khúc nữa theo chuyên gia này sẽ có những điểm sáng trong thời gian tới đó là bất động sản công nghiệp. Nguyên nhân là do Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Kéo theo đó, bất động sản dân sinh gần các khu công nghiệp như các khu đô thị sẽ là loại hình được quan tâm.
Kỳ Hoa | Nhà báo & Công luận