Gỡ vướng cho doanh nghiệp trong triển khai hóa đơn điện tử

Việc sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển, bảo quản hóa đơn, giảm thiểu các thủ tục hành chính, an toàn,... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp gặp không ít vướng mắc.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp (DN), khách hàng, cơ quan thuế, giúp giảm tới 70% quy trình phát hành, 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, góp phần cải cách thủ tục hành chính; giúp ngành Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn; hỗ trợ, phục vụ việc thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro DN, cá nhân kinh doanh, hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn.

Ông Lộc cho biết thêm, đối với các cơ quan quản lý, đặc biệt là đại diện cơ quan quản lý thuế, việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp cơ quan thuế kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Đồng thời, sử dụng hóa đơn điện tử còn góp phần bảo vệ môi trường, khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng hóa đơn bất hợp pháp – lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên.

Mặc dù có rất nhiều lợi ích, song quá trình triển khai HĐĐT đang gặp không ít khó khăn. (Ảnh minh họa)

Mặc dù có rất nhiều lợi ích, song quá trình triển khai HĐĐT đang gặp không ít khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai còn chưa bài bản nên gây khó cho DN, trong khi đó, ngành Thuế lại chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động để các DN, tổ chức kinh doanh thấy rõ lợi ích cũng như sự thuận lợi khi sử dụng HĐĐT.

Ông Nguyễn Khơ Din – Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghệ BKAV, Tổng thư ký CLB chữ ký số và giao dịch điện tử Thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, một trong những vướng mắc trong triển khai HĐĐT gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp đó là mặt pháp lý.

Cụ thể, mặc dù đã có Nghị định 119 song lại chưa có thông tư hướng dẫn nghị định này. Chính vì vậy đang có những “khoảng trống” quy định và đánh giá các đơn vị triển khai, quy định về ngày ký, ngày lập hóa đơn chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cho các loại hóa đơn đặc biệt…

Bên cạnh đó là những vướng mắc trong hoạt động triển khai chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, DN như thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường.

Ví dụ, cơ quan thuế thì khuyến khích việc sử dụng hóa đơn điện nhưng khi DN dùng hóa đơn điện tử, mang đến kho bạc hay đơn vị bảo hiểm thì lại chưa chấp nhận loại hóa đơn này, họ yêu cầu DN lại chuyển đổi sang hóa đơn giấy. Việc này làm mất đi ý nghĩa của việc triển khai hóa đơn điện tử.

Ông Nguyễn Khơ Din chia sẻ thêm, chính vì chưa có thông tư hướng dẫn nên trong quá trình triển khai các DN vẫn vướng mắc trong việc có cần thiết phải có chữ ký của người bán có hiển thị trên hóa đơn hay không? Đơn vị độc lập nào sẽ thẩm tra năng lực của đơn vị cung cấp giải pháp dịch vụ cung cấp hóa đơn, kiểm tra tính an toàn, an ninh và bảo mật của dịch vụ?

Ông Din kiến nghị, cần triển khai đồng bộ giữa các cơ quan liên quan. Các cơ quan cần ngồi lại để đưa ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc không gây khó khăn cho DN sử dụng hóa đơn điện tử. Đồng thời, kiến nghị sớm ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về hóa đơn điện tử quy định rõ: Lựa chọn đơn vị cung cấp, các vấn đề liên quan ngày ký, ngày lập hóa đơn. Bộ Tài chính, Tổng cục thuế cần đưa ra lộ trình triển khai rõ ràng theo từng giai đoạn cụ thể để tránh dồn vào thời điểm năm 2020.

Trước những tồn tại, hạn chế mà các đại biểu chỉ ra, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, để có đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử, một trong những điều kiện mà các DN phải có được chính là hệ thống máy móc và trang thiết bị đảm bảo cho việc vận hành và sử dụng hóa đơn này. Ngoài ra, còn phải có một hệ thống nhân lực với trình độ cao để có thể sử dụng hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Giao dịch điện tử, điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử khắt khe và phức tạp hơn nên việc triển khai chậm hơn. Hóa đơn điện tử chạy bằng phần mềm phải có chứng thư kĩ thuật số, hạ tầng ngành viễn thông cũng như các điều kiện khác từ phía các DN, phải kết nối cơ quan thuế và cơ quan liên quan thì mới có thể sử dụng hóa đơn điện tử.

“Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền về hành lang pháp lý và lợi ích của việc phát hành hóa đơn điện tử, để các doanh nghiệp hiểu rõ được những lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử và triển khai thực hiện sớm loại hình dịch vụ này”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo Hùng Quang/ CLO

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục