Vụ “khủng bố” quán Phở Hòa Pasteur: Vì sao công an chậm xử lý?
Vụ việc các đối tượng giang hồ 8 lần hắt chất bẩn vào quán Phở Hòa Pasteur và nhiều vụ việc tương tự từng diễn ra đều không có sự can thiệp kịp thời từ cơ quan công an
Liên quan đến vụ việc quán Phở Hòa 8 lần bị giang hồ “khủng bố” bằng chất bẩn buộc phải đóng cửa, ngày 2/8, Công an quận 3, TP HCM cho biết đã làm việc với đại diện Công ty Thu hồi nợ Đại Hải (trụ sở tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM).
Công ty đòi nợ: “Làm sao chúng tôi biết được!”
Trước đó, báo chí đã thông tin, ông Võ Anh Tuấn, con rể thứ 6 của ông Phan Tùng Linh, chủ quán Phở Hòa Pasteur (số 280C Pasteur, phường 8, quận 3), có vay mượn số tiền hơn 8 tỉ đồng của một số người. Nhiều chủ nợ, công ty thu hồi nợ đến quán gây áp lực yêu cầu ông Tuấn trả nợ, từ đó dẫn tới việc quán phở này 8 lần bị “khủng bố”, tạt sơn, mắm tôm, chất bẩn, buộc phải đóng cửa vào ngày 1/8.
Một trong những người mà ông Tuấn nợ tiền là ông Võ Thanh Sang. Công ty Thu hồi nợ Ðại Hải được ông Sang ký hợp đồng ủy quyền thu hồi nợ với tổng số tiền 3,3 tỉ đồng.
Làm việc với công ty này, Công an quận 3 và các cơ quan chức năng đã kiểm tra giấy phép hoạt động của Công ty Thu hồi nợ Đại Hải, cùng các giấy tờ liên quan, hợp đồng ủy quyền thu hồi nợ ký kết với ông Võ Thanh Sang.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sơn, đại diện Công ty Thu hồi nợ Đại Hải, xác nhận làm việc với công an, ông đã cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan. “Ông Sang đã ủy quyền cho chúng tôi thu hồi số tiền 3,3 tỉ đồng từ ông Võ Anh Tuấn. Chúng tôi đã gửi thông báo theo đúng quy định, trình tự. Còn ai tạt mắm tôm, chất bẩn vào quán Phở Hòa thì làm sao chúng tôi biết được!” – ông Sơn nói.
Cùng ngày, Công an quận 3 cũng đã mời ông Võ Thanh Sang lên làm việc liên quan đến các hợp đồng vay mượn nợ cũng như hợp đồng ủy quyền đòi nợ mà ông ký với Công ty Thu hồi nợ Đại Hải.
Trước đó, ngày 1/8, Cơ quan CSĐT Công an quận 3 đã đến quán Phở Hòa Pasteur ghi nhận hiện trường. Ông Phan Tùng Linh, chủ quán, cũng đã đến Công an quận 3 làm việc.
Do đang trong quá trình xác minh, đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa đưa ra thông tin các đối tượng “khủng bố”, ném chất bẩn vào quán Phở Hòa Pasteur có liên quan đến ông Sang hay Công ty Thu hồi nợ Đại Hải hay không.
Không được ngăn chặn từ đầu
Vụ việc khiến dư luận quan tâm ở chỗ, sự việc diễn ra trong nhiều ngày, các đối tượng “khủng bố” chất bẩn rất manh động nhưng gần như không thấy có sự can thiệp kịp thời từ công an. Cả 8 lần bị tấn công, gia đình quán Phở Hòa Pasteur đều trình báo công an nhưng sự việc ngày càng nghiêm trọng hơn, khiến quán phải ngừng bán để khắc phục hậu quả.
Trên thực tế, đã từng xảy ra các vụ việc tương tự như thế và các gia chủ phải tự chịu trận. Điển hình là trường hợp của gia đình anh C.N.C (ngụ đường Vĩnh Viễn, phường 5, quận 10, TP HCM). Anh C. cho biết vợ của anh nhiều lần vay tín dụng “đen” lãi suất cao. Do bị đe dọa, anh C. bấm bụng đưa cho chủ nợ là bà T. 350 triệu đồng. Tưởng đã xong nhưng sau đó, anh Hòa bị các đối tượng đòi nợ thuê thông báo vợ anh còn nợ 100 triệu đồng. Sau đó, dù đã ly hôn nhưng anh C. vẫn bị nhóm thanh niên đến nhà đòi nợ, 4 lần hắt mắm tôm, sơn đỏ vào nhà.
Anh C. nói rằng trong một thời gian dài, anh bị khủng hoảng tinh thần, gửi đơn cầu cứu đến Công an quận 10. “Công an có xuống ghi nhận rồi nói với chúng tôi rằng phải ngồi canh camera, khi nào chúng đến thì thông báo công an để tóm chúng. Tôi thấy rất vô lý, không ai có thời gian ngồi canh camera để chờ bọn giang hồ đến cả?” – anh C. thuật lại.
Câu hỏi là vì sao cơ quan chức năng chậm vào cuộc xử lý các vụ việc như vậy?
Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 10, cho rằng hành vi hắt chất bẩn vào nhà người khác thông thường nếu bắt được thì cũng chỉ xử lý hành chính; trường hợp gây hư hại về tài sản mà đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại tài sản” thì mới bị xử lý hình sự.
Theo thiếu tá Thanh, rất nhiều vụ công an vào cuộc đã xử lý các đối tượng đòi nợ với những tội danh khác như cưỡng đoạt tài sản, “khủng bố”. Tuy nhiên, cái khó là thông thường những gia đình bị “khủng bố” tinh thần thường có quan hệ vay mượn, nợ nần “chợ đen” mà mục tiêu của người cho vay là bằng mọi giá phải thu hồi nợ. “Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân cần cẩn thận khi vay tiền các đối tượng bên ngoài xã hội để tránh lãi mẹ đẻ lãi con, gây thiệt hại cho chính mình và gia đình mình” – thiếu tá Nguyễn Chí Thanh nói.
TS LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH (Đoàn Luật sư TP HCM):
Không đơn thuần là tranh chấp về dân sự”
Việc tạt mắm tôm, chất bẩn để đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” gây hoang mang trong nhân dân. Phần lớn những vụ việc đều khép lại với lý do chung chung là không tìm được đối tượng nên không thể xử lý. Vụ Phở Hòa Pasteur bị tấn công 8 lần quả là gây bức xúc, phẫn nộ bởi vì các đối tượng tấn công giữa ban ngày, nhắm vào các thực khách trong đó có những người nước ngoài.
Theo pháp luật hiện hành, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo. Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Điều quan trọng là cần phải xóa bỏ nhận thức “đây là các tranh chấp về dân sự” trong các cơ quan chức năng hiện nay bằng việc nâng cao các chế tài trong việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm thì mới bảo đảm sự an toàn cho nhân dân. Bên cạnh đó cần phải có sự xử lý các đối tượng này một cách thích đáng để có tính răn đe”.
Theo Phạm Dũng/ NLĐ