Dồn dập lập hãng hàng không, Thiên Minh lại muốn lập hãng bay Cánh Diều và cất cánh ngay năm sau – 2020
Sau Vietravel Airlines, Vinpearl Air, Tập đoàn Thiên Minh đã gửi hồ sơ phê duyệt Dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều và muốn cất cánh ngay năm sau.
Hãng bay Cánh Diều có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, “đóng đô” tại Quảng Nam
Công ty CP Hàng không Thiên Minh mới gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, về việc phê duyệt Dự án thành lập hãng hàng không KiteAir (Cánh Diều), vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng.
“Đại bản doanh” mà KiteAir sẽ đặt nằm tại Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam).
Trong văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, Thiên Minh dự kiến đến năm 2024 sẽ đầu tư tổng cộng 30 máy bay. Trong đó, có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A321 hoặc dòng máy bay có năng lực tương đương.
Ngay trong năm đầu tiên hoạt động, Thiên Minh sẽ đầu tư 6 máy bay ATR72. Số máy bay này sẽ tăng gấp đôi ngay trong năm thứ hai. Sang năm thứ ba, Thiên Minh dự kiến khai thác 15 tàu ATR72 và 5 tàu bay A320/A321.
Tiếp đó mỗi năm, Thiên Minh sẽ có thêm 5 tàu bay A320/A321 hoặc tương đương vào khai thác.
Thiên Minh đang sở hữu hãng bay Hải Âu
Tháng 4/2019, Tập đoàn Thiên Minh của ông Trần Trọng Kiên và AirAsia đã chấm dứt hợp tác việc thành lập một liên doanh hàng không. Thời điểm đó, ông Kiên cho biết do không tìm được đồng thuận giữa cả hai nên quyết định dừng hợp tác.
2 tháng sau, tức giữa năm 2019, Thiên Minh đã thành lập Công ty CP Hàng không Thiên Minh. Theo giấy đăng kí kinh doanh, ông Kiên vừa là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và là cổ đông lớn tại hãng bay này.
Hiện góp vốn vào Công ty CP Hàng không Thiên Minh gồm ông Trần Trọng Kiên nắm 60% cổ phần, Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh nắm 30% và bà Trần Hằng Thu góp 10%.
Bà Thu cũng là “người quen”, hiện đang giữ chức Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính tại Thiên Minh Group.
Thành lập năm 1994, Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh (Tập đoàn Thiên Minh – TMG) được đánh giá là một trong những tập đoàn du lịch hàng đầu Đông Nam Á, với ba lĩnh vực kinh doanh chính: Du lịch (điều hành tour và dịch vụ vận tải); khách sạn (sở hữu và quản lí khách sạn) và trực tuyến (website đặt phòng khách sạn trực tuyến).
Thiên Minh Group có vốn điều lệ 1.150 tỉ đồng, trong đó ông Trần Trọng Kiên hiện nắm giữ 31,89%. Có đến 44,41% số cổ phần của Thiên Minh chưa được tiết lộ.
Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu thuộc Thiên Minh Group được thành lập năm 2011, Hàng không Hải Âu là đơn vị đầu tiên và duy nhất khai thác kinh doanh loại hình thủy phi cơ tại Việt Nam.
Chính thức khai trương dịch vụ thuỷ phi cơ du lịch tại cảng Tuần Châu, vịnh Hạ Long từ tháng 9/2014, đến 2016, Hàng không Hải Âu cung cấp ba dịch vụ bay là bay hành trình, bay thuê chuyến và bay ngắm cảnh. Mỗi năm, Hàng không Hải Âu thu hút được gần 15.000 lượt khách.
Hàng không Hải Âu đang có 3 chiếc thuỷ phi cơ, trong đó gồm máy bay Cessna Grand Caravan 208B- EX là loại máy bay hiện đại nhất.
Dồn dập “đòi” lập hãng hàng không
Chỉ vài ngày qua, liên tục các hãng bay mới được công nhận đủ điều kiện và xếp hàng chờ Thủ tướng cấp phép bay.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, sau khi thẩm định dự án thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines của Công ty CP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel).
Cục Hàng không cho biết dự án thành lập hãng hàng không này của Vietravel đủ điều kiện để Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nếu đúng như kế hoạch, Vietravel sẽ cất cánh ngay trong quý II năm sau – 2020.
Vài ngày trước đó, Cục Hàng không cũng có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, về việc dự án thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air của Công ty CP hàng không Vinpearl Air đủ điều kiện kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 30 máy bay vào năm 2025.
Trong khi các hãng đang xếp hàng chờ bay, thì 5 hãng đang có mặt trên thị trường đang cạnh tranh gay gắt.
Tính sơ bộ đến tháng 6, thị phần của nhóm 3 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO vào khoảng 51%, Vietjet khoảng 41,3%. Trong khi Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC, dù mới cất cánh từ đầu năm 2019 nhưng đến nay cũng đã đạt khoảng 7%.
Những con số này thay đổi so với hồi đầu năm, cho thấy cuộc đua giành thị phần giữa các hãng đang ngày càng khốc liệt.
Cục Hàng không khuyến cáo nhiều khó khăn với Vietravel Airlines và Vinpearl Air
Tuy nhiên, Cục Hàng không cũng lưu ý mô hình kinh doanh của Vietravel Airlines tiềm ẩn khó khăn, khi chọn mạng đường bay chủ yếu ở các sân bay thứ cấp.
Theo phân tích của Cục Hàng không, khó khăn của Vietravel Airlines xuất phát từ việc khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, không phải từ Thừa Thiên Huế.
Và nếu như, trong trường hợp khai thác các chuyến bay charter không hiệu quả, Vietravel Airlines sẽ khai thác thường lệ và sẽ phải sử dụng các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu máy bay qua đêm. Điều này được cho là sẽ góp phần gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không.
Cơ quan này khuyến cáo Vietravel Airlines cần xây dựng kế hoạch khai thác linh hoạt trong trường hợp thuê chuyến tại các sân bay lớn, do sẽ gặp khó khăn trong việc có được các slot (giờ cất, hạ cánh) vì mới tham gia thị trường.
Trong khi đó với Vinpearl Air, Cục Hàng không Việt Nam lưu ý quy mô đội bay.
Theo hồ sơ, Vinpearl Air dự kiến khai thác thương mại vào tháng 7/2020, với 6 máy bay. Trung bình hàng năm Vinpearl sẽ đưa vào khai thác 6 máy bay và đến năm 2025 đội bay đạt 36 chiếc.
Nhưng theo Cục Hàng không Việt Nam, quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp.
Theo khuyến cáo, kế hoạch phát triển quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 của Vinpearl Air có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường, trong trường hợp Vietnam Airlines thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh cao và các hãng hàng không thực hiện theo đúng kế hoạch đội bay đã báo cáo Cục Hàng không Việt Nam.
Theo Đời sống & Pháp lý