Cận cảnh hành lang bảo vệ sông Sài Gòn bị “độc chiếm”
Nhiều công trình xây dựng, dự án bất động sản ven sông Sài Gòn có dấu hiệu lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, gây mất an toàn và ảnh hưởng tới cảnh quan chung.
TP.HCM là thành phố sông nước với điểm nhấn đặc sắc là sông Sài Gòn và các kênh, rạch nội đô. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, chẳng những có giá trị cao về cảnh quan, môi trường, giao thông, mà nếu có cơ chế chính sách phù hợp thì còn tạo ra nguồn lực lớn về kinh tế và phát triển du lịch.
Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, nhất là các hộ ven kênh rạch.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 150/2004/QĐ-UB ngày 9/6/2004 và sau đó được điều chỉnh bằng Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 18/4/2017.
Trên cơ sở phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa và các tuyến hàng hải, đối với loại sông, suối, kênh rạch ở cấp độ đặc biệt, cấp I, cấp II thì chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ (tính từ mép bờ cao vào phía bờ) mỗi bên phải 50 mét.
Mọi hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích hoặc những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở, làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng trên địa bàn đều bị nghiêm cấm.
Có chiều dài 256km, sông Sài Gòn được chia làm 3 đoạn. Đoạn từ ngã ba rạch Thị Nghè đến hạ lưu đập Dầu Tiếng dài 128km. Đoạn từ ngã ba rạch Thị Nghè đến cầu Bình Triệu dài 15km thuộc cấp II. Còn đoạn từ cầu Bình Triệu đến hạ lưu đập Dầu Tiếng dài 130km thuộc cấp III. Quy hoạch đến năm 2030, sông Sài Gòn thuộc cấp II.
Tuy vậy, theo ghi nhận của PV , dọc hai bên sông Sài Gòn qua địa bàn TP.HCM hiện có nhiều dự án bất động sản đã và đang xây dựng sát mép sông, “độc chiếm” hành lang bảo vệ bờ sông.
1. Dự án Elite Park tại số 2W Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh do Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp miền Nam (Gelleximco MN) làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên khu đất 2ha với 200 mét trải dọc sông Sài Gòn.
Thi công những hạng mục đầu tiên từ năm 2011 rồi ngưng, đến năm 2015 dự án Elite Park khởi động lại thì xảy ra sự cố sập tường vây, gây nứt lún cho nhiều nhà dân lân cận. giữa năm 2016, công trình này bị tạm đình chỉ thi công.
Hiện chủ đầu tư chỉ rào chắn xung quanh dự án và bên trong không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào.
2. Tọa lạc tại số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh là dự án khu căn hộ phức hợp cao cấp Sài Gòn Pearl của Công ty CP Tập đoàn SSG. Dự án có quy mô 25,3ha với 10 tòa nhà cao tầng và 126 villa này đang “độc chiếm” 10.000m2 bờ sông.
3. Cách đó không xa là dự án Sunwah Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh) do Tập đoàn Sunwah (Hồng Kông) làm chủ đầu tư. Quy mô dự án này khoảng 1.000 căn hộ và 63 biệt thự. Cách mép sông Sài Gòn không xa, hoạt động xây dựng tại dự án này đang diễn ra rầm rộ.
4. Dự án Khu dân cư thấp tầng Thảo Điền Sapphire tại số 35 – 45 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2 của Công ty CP TDS làm chủ đầu tư. Dự án này được Sở Xây dựng TP.HCM cấp phép xây dựng vào tháng 6/2015.
Quá trình thi công dự án, giữa năm 2017 Công ty CP TDS bị UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính 1 tỷ đồng đối với về hành vi xây dựng sai phép.
Cụ thể, chủ đầu tư đã xây dựng tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với diện tích vi phạm gần 1.400m2. Đây được xem là mức xử phạt cao nhất trong lĩnh vực xây dựng ở TP.HCM từ trước đến nay.
5. Dự án Khu dân cư Đảo Kim Cương (Diamond Island) ở phường Bình Trưng Tây, quận 2 của Công ty Bình Thiên An và Kusto Home hợp tác đầu tư. Dự án có quy mô 8ha nằm trọn trên hòn đảo duy nhất của TP.HCM.
6. Dự án Water Bay tại số 26 Mai Chí Thọ, phường Bình Khánh, quận 2 của Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế Kỷ 21 làm chủ đầu tư. Hai mặt phía sau dự án đều giáp sông, tầm nhìn sang đảo Kim Cương. Do một số lý do về chuyển nhượng nên dự án bị tạm ngưng và mới được khởi động lại trong năm 2018.
7. Khu biệt thự Lan Anh, phường Bình An, khu phố 1, phường Bình An, quận 2 do Công ty TNHH May thêu thương mại Lan Anh làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 4ha với 39 căn biệt thự đơn lập và song lập.
Bên trong dự án đoạn sát mép bờ sông Sài Gòn hiện đang được chủ đầu tư “biến” thành quán cà phê. Người dân muốn đi vào bên trong dự án phải qua chốt bảo vệ.
Tính đến tháng 7/2019, TP.HCM có 63 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn và các tuyến kênh được cơ quan chức năng lên kế hoạch xử lý.
Thống kê cho thấy huyện Bình Chánh dẫn đầu về công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn với 17 trường hợp. Quận 9 có 15 trường hợp, quận 7 và quận Bình Thạnh mỗi nơi có 7 trường hợp, huyện Củ Chi 4 trường hợp, huyện Cần Giờ có 3 trường hợp, quận 8 có 1 trường hợp…
Theo Phương Anh/ VietnamNet