Những người cấp vốn bí ẩn của Be Group và FastGo

Chỉ trong một năm ra đời, công ty phát triển ứng dụng gọi xe be đã tăng vốn điều lệ từ vỏn vẹn 200 triệu đồng lên hơn 500 tỉ đồng. Mặc dù biết đến với vai trò sáng lập nhưng ông Trần Thanh Hải không hề góp vốn tại be.

Giữa tháng 9 mới đây, ứng dụng gọi xe be tuyên bố cán mốc phục vụ 25 triệu chuyến xe kể từ khi ra mắt. Cũng trong khoảng thời gian này, be có sự thay đổi đáng kể vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu của người viết, Be Group đã ba lần tăng vốn kể từ ngày đầu thành lập. Trong đó, hai lần được tiến hành sau khi be đã cung cấp ra thị trường hàng triệu chuyến xe.

Cổ đông sáng lập be sinh năm 1995

Được thành lập vào tháng 5/2018 với tên gọi ban đầu là CTCP Dịch vụ Công nghệ VEEP cùng ngành nghề kinh doanh chính gồm Các dịch vụ thông tin qua điện thoại, Dịch vụ tìm kiếm thông tin thông qua hợp đồng hay trên cơ sở phí.

Vốn điều lệ ban đầu 200 triệu đồng. Đáng chú ý, mặc dù được biết đến là người sáng lập be nhưng CEO Trần Thanh Hải không hề có tên trong danh sách những cổ đông sáng lập của VEEP. Cụ thể, những cổ đông ban đầu gồm Nguyễn Ngọc Bảo Lâm nắm 50%, Bùi Huy Hướng 25%, Hà Anh Tuấn 25%.

Trước khi ông Hải giữ vai trò Tổng giám đốc và đại diện pháp luật vào tháng 9/2018, chức vụ này thuộc về cá nhân Nguyễn Ngọc Bảo Lâm (sinh năm 1995).

Ông Hải đảm nhiệm nhiều vị trí như đồng sáng lập và nguyên Giám đốc Công nghệ VNG; đồng sáng lập, nguyên Tổng Giám đốc Fim+ và Vina Data; nguyên thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín… Ông Hải còn được biết đến là cháu trai của Norodom Sihanouk, một vị hoàng thân Campuchia.

Sau khoảng 4 tháng thành lập, tháng 9/2018, VEEP tăng vốn điều lệ từ 200 triệu lên 100 tỉ đồng.

Một tháng sau đó vào tháng 10/2018, VEEP đổi tên thành CTCP Be Group như hiện nay. Đồng thời ngành nghề kinh doanh chính được đổi thành Thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Thiết lập mạng xã hội; Dịch vụ thương mại điện tử.

Đến tháng 4/2019, Be Group tăng vốn điều lệ lên 300 tỉ đồng. Và lần cập nhật mới đây vào tháng 8, vốn điều lệ của Be Group đạt hơn 515,7 tỉ đồng.

Mặc dù không công bố sự thay đổi cơ cấu cổ đông nhưng có thể thấy qua các đợt tăng vốn, Be Group phát hành pha loãng 66,7% tỉ lệ cổ phần trong đợt ngày 18/4; phát hành pha loãng hơn 41,8% tỉ lệ cổ phần trong đợt tăng vốn gần nhất vào ngày 8/8.

Đặt giữa bối cảnh be vẫn đang phát triển nhanh, hiếm có nhà đầu tư giai đoạn sớm nào lại chấp nhận pha loãng tỉ lệ sở hữu nhiều đến vậy và trong thời gian ngắn đến thế.

Không loại trừ khả năng các cổ đông sáng lập của Be Group đã cấp vốn cho đơn vị này xuyên suốt theo từng đợt phát hành, cùng với những nhà đầu tư mới (nếu có).

Tổng giám đốc Be Group Trần Thanh Hải.

Ngành nghề kinh doanh chính của Be Group và FastGo là gì?

CEO Trần Thanh Hải từng khẳng định Be Group là công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, ứng dụng công nghệ với quan điểm cá nhân của ông Hải cho rằng, đây là dịch vụ vận tải vì về bản chất chúng ta đưa khách hàng từ điểm A đến điểm B.

Thế nhưng qui chiếu với ngành nghề đăng kí kinh doanh chính của Be Group thì lại là Thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; Thiết lập mạng xã hội; Dịch vụ thương mại điện tử.

Ngược thời gian trở lại sự kiện ra mắt ứng dụng be vào ngày 13/12/2018, phía Be Group cho biết hai đối tác chiến lược sẽ hỗ trợ hoạt động của đơn vị này là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank – Mã: VPB) và Công ty Bảo hiểm Số OPES.

Trong đó, VPBank hỗ trợ tài chính cho be và cung cấp các gói tín dụng cá nhân cho đối tác tài xế. Còn OPES triển khai các gói bảo hiểm đến các đối tác tài xế và khách hàng của be.

Bảo hiểm OPES là một công ty bảo hiểm phi nhân thọ, tiền thân là CTCP Bảo hiểm Việt Nam Thịnh Vượng với cổ đông lớn là VPBank.

Cuối tháng 3/2019, DealstreetAsia dẫn thông tin từ các nguồn thân cận, cho biết nhiều thành viên hội động quản trị của VPBank đã đầu tư vào Be Group.

Khoảng hai tháng sau, Be Group hợp tác cùng VPBank ra mắt beFinancial nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính của VPBank trên nền tảng công nghệ và hệ sinh thái tài chính công nghệ của ứng dụng be.

Thời điểm ra mắt beFinancial là lúc ứng dụng be đã thực hiện được 11 triệu chuyến xe, khoảng một tháng sau đợt tăng vốn lớn lần thứ hai (18/4/2019) của Be Group.

Thay đổi vốn điều lệ của Be Group từ khi thành lập đến nay. (Thừa Vân tổng hợp)

Với hàng chục triệu chuyến xe đã thực hiện, be tiếp xúc nhiều với người dùng. Giữa kỉ nguyên số, dữ liệu là thứ quan trọng, hợp tác với VPBank trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính có lẽ là bước đi đầu tiên hướng đến việc xây dựng một hệ sinh thái có thể sinh lợi cho be.

Trong cuộc đua với các ứng dụng gọi xe khác, giữa tháng 9, be tuyên bố cán mốc phục vụ 25 triệu chuyến xe, 4 triệu lượt tải ứng dụng, cùng với đó là hơn 300.000 lượt yêu cầu đặt xe mỗi ngày. Đơn vị này cho biết đã có 40.000 tài xế hoạt động tại 7 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ.

Vào đầu tháng 10/2019, Tổng Giám đốc ứng dụng gọi xe FastGo Nguyễn Hữu Tuất đăng đàn trên mạng xã hội tiết lộ những con số đốt tiền của những ứng dụng gọi xe phổ biến tại Việt Nam, số liệu ông Tuất cho hay lấy từ báo cáo cả ABI Research.

Cụ thể, Grab thực hiện 146 triệu cuốc xe, tốn khoảng 160 triệu USD, trung bình khoảng 1,1 USD/cuốc. Be đạt 31 triệu cuốc, tốn khoảng 75 triệu USD, trung bình 2,5 USD/cuốc. Go-Viet 21 triệu cuốc, khoảng 30 triệu USD, tương ứng 1,4 USD/cuốc. Còn FastGo mất trung bình 1 USD/cuốc.

Vị Tổng Giám đốc FastGo còn cho biết be sẽ gặp khó vì đã “đốt” nhiều tiền nên định giá công ty sẽ cao, do đó khiến các quĩ đầu tư mạo hiểm (venture capital fund – VC fund) không vào được mà chỉ có thể là các quĩ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (private equity fund – PE fund).

Phía be đến nay chưa có phản hồi liên quan đến những thông tin kể trên. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Be Group Trần Thanh Hải trước đây cũng đã nhận định để tham gia cạnh tranh trong lĩnh vực gọi xe thì phải xác định tiêu tốn vài nghìn tỉ đồng để đầu tư.

Ông Hải cho biết be không nhảy vào các cuộc đua đốt tiền hay cố gắng để thắng từng trận khuyến mãi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc be đang có lời.

Qui luật bất thành văn trong thị trường gọi xe là càng cung cấp được nhiều chuyến xe thì lỗ càng lớn, be khó lòng nằm ngoài vòng xoáy đó.

(Nguồn: Người viết tổng hợp)

Về FastGo, được phát triển bởi CTCP FastGo Việt Nam, thành lập tháng 4/2018, gần với thời điểm công ty phát triển be ra đời.

FastGo có vốn điều lệ ban đầu 2 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là Tư ván máy tính và quản trị hệ thống máy vi tính. Khác với be, nhà sáng lập Nguyễn Hữu Tuất (sinh năm 1983) nắm một nửa cổ phần tại FastGo, còn lại là ông Nguyễn Hòa Bình.

Nhà sáng lập Nguyễn Hữu Tuất của FastGo

Tháng 8/2018, FastGo tăng vốn lên 2,4 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông có thêm sự góp mặt của nhiều cá nhân khác như Nguyễn Thị Thanh Hương 0,541%; Hồ Chương 5,405%; Nguyễn Hoàng Long 2,703%; Đào Minh Phú 5,406%; Nguyễn Thanh Sơn 2,703%; theo đó sở hữu của ông Tuất và Bình cùng giảm xuống còn 41,621% mỗi người.

Tháng 1/2019, một nhà đầu tư đến từ thiên đường thuế British Virgin Islands tham gia góp vốn gần 881 triệu đồng vào FastGo với tỉ lệ sở hữu đạt 25,23%, qua đó đưa vốn của công ty tăng lên 3,2 tỉ đồng.

Theo Hải Hà/ Kinh tế & Tiêu dùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục