Vi phạm xây dựng ở Bình Tân vẫn tiếp diễn

Hàng chục công trình xây dựng không phép, sai quy hoạch vẫn đua nhau mọc lên trên địa bàn quận Bình Tân. Hầu hết các công trình vi phạm này được chính quyền địa phương, ngành chức năng lập biên bản, nhưng việc xử lý thì không rõ ràng.

Một quán ăn xây dựng không phép tại Tiểu khu 3, KDC Bình Trị Đông

Trong khi TP.HCM đang yêu cầu cấp ủy, chính quyền các quận huyện, phường xã thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy TP.HCM để lập lại trật tự xây dựng thì tại quận Bình Tân, hàng chục công trình xây dựng không phép, sai quy hoạch vẫn đua nhau mọc lên. Đáng chú ý, hầu hết các công trình vi phạm này được chính quyền địa phương, ngành chức năng lập biên bản, nhưng việc xử lý thì không rõ ràng.

Lập biên bản nhưng… “chậm” xử lý!

Khu nhà ở Tiểu khu 1, còn gọi Khu dân cư (KDC) Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B, nằm trong dự án KDC Bình Trị Đông do Công ty Đầu tư xây dựng Thanh niên xung phong TP.HCM làm chủ đầu tư. Theo quy định, chủ đầu tư phải xây nhà ở đúng với quy hoạch xây dựng (thiết kế, quy mô…) do cơ quan thẩm quyền cấp duyệt, sau đó mới được bán. Tuy nhiên, thời gian qua, chủ đầu tư dự án ngang nhiên bán đất nền cho khách hàng. Đã vậy, nhiều trường hợp mua đất nền trái quy định còn xây dựng công trình sai quy hoạch và sử dụng sai công năng. Đơn cử, tại lô đất ở góc đường số 1 và đường số 30, bà Phạm Thị Thi (ngụ phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) đã xây dựng Cửa hàng vật liệu xây dựng – trang trí nội thất An Gia Phát 2.

“Đây là dự án nhà ở kiểu mẫu, được UBND quận Bình Tân quy hoạch xây dựng. Do đó, việc chủ đầu tư tự ý bán đất nền, người mua đất xây cất sai quy hoạch xây dựng, sử dụng không đúng công năng là sai quy định, gây nhếch nhác, phản mỹ quan KDC. Rất nhiều lần chúng tôi báo lên phường, quận nhưng không thấy xử lý triệt để”, ông Đỗ Năng Tình, cán bộ hưu trí ở KDC, bức xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 26/9, UBND phường Bình Trị Đông B và lực lượng chức năng quận Bình Tân đã lập biên bản đối với chủ đầu tư công trình vi phạm nêu trên là bà Phạm Thị Thi. Thời điểm này, công trình mới san lấp, đổ bê tông nền và dựng cột sắt. Lập biên bản nhưng sau đó cơ quan chức năng chậm xử lý, đến ngày 14/10, chủ đầu tư hoàn thiện công trình, khai trương, đưa cửa hàng vào hoạt động. Cách công trình của bà Thi vài chục mét, có 3 công trình khác ở các địa chỉ số 130, 132 và 134 đường số 30, cũng được cất lên sai quy hoạch xây dựng và sử dụng làm kho bãi, quán cà phê, sai công năng được duyệt là nhà ở. Ngoài các công trình trên, tại khu nhà ở Tiểu khu 1 còn hơn chục công trình khác cũng vi phạm tương tự. Những công trình này “mọc” lên từ năm 2017, 2018 và những tháng đầu năm 2019, phường và lực lượng chức năng quận đã lập biên bản nhưng đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại!

Khu đất 47,3ha thuộc Tiểu khu 3 (KDC Bình Trị Đông) được quy hoạch làm khu công viên cây xanh – thể dục thể thao – nhà ở công nhân. Trong lúc dự án chưa triển khai, hàng chục công trình không phép đã “mọc” lên tại đây. Ghi nhận vào những ngày giữa tháng 10-2019, dọc tuyến đường 34 (phía khu đất dự án) có hơn 20 công trình lớn nhỏ được dựng lên làm quán ăn, nhà hàng, kho bãi. Theo người dân địa phương, phần lớn các công trình được xây dựng từ giữa năm 2019 đến nay.

Sai phạm “đẻ” vi phạm

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, thừa nhận hiện khu đất 47,3ha thuộc Tiểu khu 3 tồn tại nhiều công trình không phép. “Để ngăn chặn công trình xây dựng không phép hình thành trong Tiểu khu 3, ngoài việc thắt chặt quản lý địa bàn, tổ chức cưỡng chế các trường hợp chủ công trình không tự tháo dỡ, hiện phường đã có văn bản kiến nghị UBND quận Bình Tân làm việc với chủ đầu tư dự án, yêu cầu báo cáo tiến độ, chấp hành các quy định thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư đối với khu đất trong thời gian dự án chưa triển khai”, ông Minh nói và khẳng định chính quyền địa phương không bao che để công trình xây dựng vi phạm tồn tại.

Tại Tiểu khu 1, một cán bộ đội thanh tra địa bàn quận Bình Tân cho biết tất cả công trình vi phạm tại đây đang được đơn vị tiến hành các bước xử lý. Do số lượng công trình vi phạm nhiều, tính chất vi phạm phức tạp, trong khi biên chế cán bộ đơn vị ít nên việc xử lý có chậm. “Một nguyên nhân khác dẫn đến việc xử lý chậm là do hầu hết chủ công trình vi phạm mua đất nền bằng giấy tay từ chủ đầu tư, trong khi chủ đầu tư không xây nhà theo quy hoạch được duyệt nên không được cấp chủ quyền. Có tình trạng một miếng đất sang tay nhiều lần. Khi bị xử lý, chủ công trình vi phạm không ra mặt. Do đó, để xử lý theo đúng quy định pháp luật, chúng tôi phải đi lại xác minh nhiều lần nên tốn thời gian”, đại diện Đội thanh tra địa bàn quận Bình Tân lý giải, đồng thời kiến nghị cấp thành phố, quận Bình Tân cần thanh tra làm rõ các vi phạm, sai phạm hiện nay tại dự án KDC Bình Trị Đông.

Vi phạm đất đai, xây dựng tại quận Bình Tân vẫn đang tiếp diễn. Nhiều vi phạm được “đẻ” ra từ các sai phạm trước đó. Dẫn đến thực tế trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền, ngành chức năng địa phương, bởi nếu quản lý tốt, không thể có tình trạng hàng loạt công trình vi phạm phát sinh và tồn tại trong thời gian dài!

Ngày 14/10, nhận thông tin từ báo chí về một số trường hợp san lấp đất và dựng công trình không phép trong khu đất 47,3ha (Tiểu khu 2), lãnh đạo UBND phường Bình Trị Đông B cho biết sẽ kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Thế nhưng, những ngày sau đó vẫn có nhiều trường hợp tiếp tục san lấp đất trái phép, tráng nhựa, dựng công trình không phép tại khu đất dự án nêu trên. Điển hình như công trình đối diện địa chỉ số 92 đường số 34, vị trí này được san lấp từ ngày 14/10, đến nay đã xây móng, tường gạch và dựng tôn.

Theo Phạm Minh/ Báo SGGP

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục