Những phận người nặng gánh mưu sinh ngày cận Tết

'Chẳng biết Tết này có gì cho cả nhà ăn Tết hay không?', bà Hương cố gượng cười nói với chúng tôi.

Nữ ‘tài xế’ … xe ngựa

Chị Kim Hiến, 39 tuổi nhà ở xã Quới Sơn (H. Châu Thành, Bến Tre) là một trong 3 xà ích nữ của bến xe ngựa trên cồn Thái Sơn (còn gọi là Cồn Lân – TP Mỹ Tho, Tiền Giang).

Chị ăn mặc giản dị, gương mặt hiền lành chân chất. Chị ngồi ở bên trái của xe, tay cầm dây cương thúc ngựa lao tới. Không nhìn thấy hình ảnh này đố ai biết chị là một ‘tài xế’ xe ngựa lành nghề.

Chị Kim Hiến có chồng và 2 con. Con trai lớn của chị năm nay tròn 17 tuổi cũng theo nghề của mẹ, cầm cương một chiếc xe ngựa khác. Chồng chị là tài xế xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng.

Tết, chị Hiến vẫn phải cắt cỏ cho ngựa, chở khách đi thăm quan nên hầu như chị không có một cái Tết trọn vẹn.

Chị là đời thứ 3 trong gia đình có nghề nuôi ngựa kéo xe. Thuở nhỏ, chị theo ông nội cắt cỏ chạy xe. Rồi đến đời cha, chị cũng tiếp tục sát cánh. Chị đã từng cắt những gánh cỏ vừa mềm vừa thơm để nuôi nhiều con ngựa. Chị cũng tập tành đánh xe. Cứ thế, theo năm tháng chị lành nghề lúc nào không hay.

Gia đình chị hiện không còn nuôi ngựa kéo xe. Chị nói, ông nội và bố đã bán ngựa và xe từ nhiều năm trước. Ba năm nay, chị xin vào làm ở khu du lịch cồn Thái Sơn, được nơi đây giao cho cả ngựa và xe để vừa chăm sóc vừa hành nghề.

‘Hàng ngày con dậy rất sớm, từ 5 giờ sáng đi cắt cỏ đến hơn 7 giờ mới về đến nhà. Lo sơ chút việc nhà, chăm cho con gái ăn sáng đến trường xong con vội mang cỏ qua để kịp cho ngựa ăn…’.

Con ngựa này – chị chỉ cho tôi xem – ‘Khi con nhận, nó ốm lắm, trơ cả xương. Con cố gắng vỗ béo nó để bây giờ mới đủ sức kéo hơn chục chuyến xe mỗi ngày’.

Càng cận Tết, khách du lịch càng vắng, chị vẫn phải có mặt. Mỗi ngày, chị chỉ có 4 -5 chuyến, được trả với giá 10.000đ/chuyến.

Xe chạy chậm để dừng lại. Chị Hiến trải lòng, ‘Nghề xe ngựa không có Tết chú ơi. Ai cũng thế, đã là người Việt, Tết rất thiêng liêng nhưng hoàn cảnh con thì không thể. Ngày Tết vẫn phải cắt cỏ cho ngựa, vẫn đưa du khách vui chơi. Thôi thì, mình không ăn Tết nhưng mang niềm vui Tết đến cho mọi người trên chiếc xe ngựa thô sơ này cũng là một điều hay’.

‘Thôi con cố gắng để vui Tết cùng gia đình nhé’. Chúng tôi nói với Hiến trước khi xuống xe tạm biệt người nữ xà ích của cồn Thới Sơn …

Những ngày Tết, khách du lịch đông, nhiều người làm nghề chèo chuyền ở cồn Thới Sơn vẫn mải miết với công việc.

Người chèo xuồng trên sông

Hàng trăm chiếc xuồng gỗ chen chúc ở bến đò rạch Bà Ngoạn trên cồn Thới Sơn. Chiếc cũ, chiếc mới. Trên xuồng, 2 người chèo đang cầm mái đứng chờ …

Chúng tôi xuống xuồng của chị Phan Thị Thu Thảo 40 tuổi. Chị và một người bạn ngồi ở 2 đầu xuồng. Mái chèo chuyển động. Chiếc xuồng lao tới phía trước.

Rạch Bà Ngoạn hẹp chỉ đủ cho hai xuồng qua lại. Hai bên rạch, suốt chiều dài nhiều cây số, hàng dừa nước tỏa bóng mát che khuất ánh mặt trời nóng rát của ngày cuối năm.

Mái chèo vẫn đều đặn, chiếc xuồng nhẹ nhàng đi tới. Chị Thảo cho biết, tại bến có tất cả 300 chiếc xuồng với 600 tay chèo phục vụ du khách. Đa số người chèo là phụ nữ.

Những ngày Tết, khách đông, chị Thảo tranh thủ làm thêm để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống.

Xuồng mình tự sắm, chị Thảo nói. Những người chèo xuồng ở đây đa số không có đất canh tác, không nghề nghiệp ổn định nên được chính quyền xã cho vay trả góp mỗi tháng. Nhờ vậy họ có phương tiện mưu sinh. Mỗi chuyến đi dài 2km được khu du lịch trả công 15.000đ. Ngày đông khách, họ đi được hơn chục chuyến nhưng ngày ế chỉ 3 – 4 chuyến. Số tiền thu được lại chia 2 vì cả 2 người cùng làm.

‘Cuộc sống ở cồn rất bấp bênh. Không chèo đò thì đi làm cỏ mướn hoặc các ngành nghề tay chân khác mới có ăn’, chị Thảo bày tỏ. ‘Nhưng với thu nhập ít ỏi như thế làm sao đủ ăn Tết?’, chúng tôi hỏi. Thảo mỉm cười, ‘Ở thôn quê, làm được nhiêu ăn bấy nhiêu, không như thành phố phải bon chen. Ở đây chủ yếu là có hũ gạo với nước mắm nước tương qua bữa là được rồi’.

Bà Hương năm nay đã 80 tuổi. Những ngày Tết bà vẫn miệt mài chèo thuyền đưa khách đi thăm quan phong cảnh ở cồn Thới Sơn.

Một chiếc xuồng vừa qua mặt. Người chèo là một bà cụ. Nét mặt bà tươi như hoa. Bà nở nụ cười chào mọi người. Chiếc xuồng của bà lướt nhanh trên mặt nước.

Được biết bà là Nguyễn Thị Ngọc Hương 80 tuổi. Bà hiện nay phải nuôi cháu nội đang học lớp 8.

Bà nói: ‘Cha đứa bé mất vì tai nạn, mẹ nó cũng làm nhưng chẳng đủ tiêu. Nó đã lớn cũng tham gia vào phụ mẹ phụ bà mưu sinh.

Chẳng biết Tết này có gì cho cả nhà ăn Tết hay không?’, bà Hương cố gượng cười nói với chúng tôi.

Theo Trần Chánh Nghĩa/ VietNamNet

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/nhung-phan-nguoi-nang-ganh-muu-sinh-ngay-can-tet-608679.html

 

Bài cùng chuyên mục