Tâm sự của bác sĩ muốn “hưu non” nhưng bị đại gia đình phản đối “ngu sao mà về?”

Quá mệt mỏi với công việc và áp lực từ môi trường bệnh viện, tôi muốn nghỉ hưu sớm hơn. Tuy nhiên, khi tôi nói điều này với đại gia đình, tôi bị họ phản đối kịch liệt.

Ảnh minh họa.

Tôi làm bác sĩ tại một bệnh viện công lớn ở Hà Nội. Người nhà, xã hội nhìn vào ai cũng nghĩ tôi sướng, tiền nhiều, công việc thuận lợi. Một cái danh bác sĩ bệnh viện lớn nghe có vẻ “sang chảnh” nhưng họ không thể biết được những áp lực mà tôi phải trải qua.

Thời con trẻ, chúng tôi phải lao động hết mình để dành suất học bổng đi du học nước ngoài về phục vụ cho nhân dân. Những bác sĩ từng đi học ở nước ngoài như chúng tôi ai cũng hiểu được mặt trái của môi trường bệnh viện công lập như thế nào.

Cái chúng tôi được là danh tiếng nhưng cái mất của chúng tôi không ai có thể hiểu hết được. Từ khi cơ chế tự thu, tự chi ra đời, bác sĩ chúng tôi trở thành cái máy với những con số khám bệnh lên đến 60 – 70 ca ngày. Có đồng nghiệp của tôi làm mệt tới 12h30 chẳng muốn ăn gì, chỉ thở hắt “từ sáng tới giờ gần trăm ca chứ mấy”.

Chúng tôi còn luôn luôn bị áp lực dù bất cứ hoàn cảnh nào bác sĩ vẫn sai. Người bệnh có cáu gắt chúng tôi vẫn phải nhẹ nhàng. Quan điểm người bệnh luôn đúng nhiều khi làm cho tôi quá mệt mỏi.

Năm ngoái, đồng nghiệp của tôi bị cắt thi đua cả năm chỉ vì giải thích cho người bệnh nhưng họ không hiểu và thế là “được lên mạng xã hội”, cuối cùng cái “án” phải nhận là cắt thi đua.

Công việc của chúng tôi khá mệt mỏi, với những tai biến xảy ra với bệnh nhân, nhiều khi đó là cái “án treo” sẵn chúng tôi có thể nhận bất cứ lúc nào. Chúng tôi thường đùa với nhau là không có thời gian dành cho chuyên môn mà phải chăm chăm các thủ tục hành chính, giải quyết bảo hiểm cho người bệnh, khổ nhất là được bệnh nhân chỉ định thay. Người bệnh vào viện họ yêu cầu được làm cái này, cái kia dù bác sĩ giải thích không cần, họ vẫn cứ đòi làm.

Chỉ còn 2 năm nữa tôi sẽ về hưu. Tôi mong mình được về hưu từng ngày, từng giờ. Tôi đếm ngược từng tháng còn 30 tháng, còn 29 tháng, còn 28 tháng… Gần đây, tôi có suy nghĩ xin về hưu trước 1 năm. Khi suy nghĩ này của tôi chia sẻ với vợ và gia đình. Vợ tôi chỉ nói tùy anh.

Còn đại gia đình tôi thì ngược lại. Ai cũng bảo tôi “ngu sao mà về hưu?”. Nhiều người còn cười bảo tôi là dị nhân, chỗ làm ngon thế người ta muốn ở chẳng được tôi lại muốn về.

Người duy nhất ủng hộ quyết định của tôi lại chính là mẹ tôi. Người 37 năm về trước đã xin nghỉ hưu non ở bệnh viện, về mở một quán nước nhỏ. Chính nhờ bà và cái quán đó mà bốn anh em tôi được vào đại học thỏa ý nguyện của bố tôi. Từ trước đến nay bà tự hào về con bao nhiêu thì nay lại càng ủng hộ quyết định của tôi. Điều này làm tôi khá bất ngờ nhưng khi nói chuyện với bà tôi mới hiểu được sự lo lắng, quan tâm của người mẹ với con như thế nào. Bà nói: với mẹ, sức khỏe và cuộc sống của con là điều quý giá nhất. Mọi danh tiếng, địa vị, tiền bạc chỉ là phù du. Đừng ham hố theo đuổi khi con không có sức khỏe. Hãy sống hạnh phúc với lựa chọn của mình. Mẹ tôn trọng quyết định của con!

Còn cả gia đình phía nhà tôi các cô, chú, bác, anh em họ hàng đều gọi điện bảo tôi đừng nghỉ.

Hôm trước, mẹ vợ tôi còn nói người ta mong chẳng được, anh nghỉ rồi sau này nhà có ai vào viện thì nhờ cậy ai? Mọi người đều lo rằng tôi nghỉ việc sẽ chẳng có ai để nhờ cậy khi vào viện.

Nói đến khoản nhờ cậy khi vào viện chắc các đồng nghiệp của tôi cũng toát mồ hôi. Người nhà thân thiết thì không nói nhưng có những thứ nhờ đến là khủng khiếp. Mẹ của cậu của cậu ruột chị bạn thân của đứa em… đó là những thứ tôi nhận được khi muốn nhờ. Và tôi không ở khoa đó thì lại một hành trình…. nhờ nhờ nhờ nữa.

Vẫn biết rằng có chỗ thân cận nhờ vả mọi người yên tâm hơn nhưng tôi tin rằng bất cứ bác sĩ nào cũng đều hết lòng vì người bệnh chứ không phải có thêm sự nhờ vả đằng xa họ mới chăm lo cho người bệnh.

Theo K. C / infonet.vn

Bài cùng chuyên mục