Doanh nghiệp địa ốc chuyển đổi số: Nói dễ, khó làm
Chuyển đổi số mở ra cho doanh nghiệp địa ốc nhiều cơ hội để tiếp cận khách hàng và quản lý doanh nghiệp hiệu quả, nhưng quá trình này không hề đơn giản.
Nên hay không nên chuyển đổi số?
Thế giới đã ngày càng trở nên số hóa hơn bao giờ hết, khi mà Starbucks cũng biến thành một công ty công nghệ, áp dụng công nghệ trong toàn bộ hệ thống vận hành chứ không còn chỉ bán cà phê tại cửa hàng. Hay Walmart, bên cạnh thế mạnh cửa hàng truyền thống, cũng đã chuyển đổi số sang bán hàng online, trải nghiệm di động, thu thập dữ liệu…
Với các doanh nghiệp bất động sản, ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, xu hướng chuyển đổi số đã bắt đầu nhen nhóm khi nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng, các khách hàng trẻ tuổi hiện nay ưa chuộng sử dụng nhiều hơn các ứng dụng công nghệ số trong nghiên cứu, tìm kiếm thông tin, giao tiếp hay thực hiện đàm phán.
Ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Founder King Broker cho rằng, chuyển đổi số (Digital Transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất – kinh doanh, trong đó có bất động sản rơi vào trầm lắng, lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Các hoạt động mở bán bị tạm dừng, nhiều sàn giao dịch phải ngưng hoạt động, nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn.
Sự biến động của nhu cầu thị trường có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức hơn, nhưng mặt khác, những doanh nghiệp chống chọi và vượt qua được cơn bão này sẽ trở nên vững mạnh hơn rất nhiều. Một trong những cách ứng phó là ứng dụng công nghệ, tiến hành chuyển đổi số, từ đó đa dạng hóa cách tiếp cận khách hàng.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CEN Group đánh giá, chưa bao giờ, Protech (công nghệ bất động sản) nói riêng và ứng dụng mua sắm trực tuyến nói chung lại phát triển mạnh như thời gian qua. Những buổi mở bán online trong bất động sản đã trở nên quen thuộc và thu được nhiều kết quả vượt trội so với nhiều năm trước.
“50 – 70% khách hàng quyết định mua bất động sản thông qua các nền tảng và ứng dụng công nghệ tạo cảm xúc”, ông Hưng nhấn mạnh và cho biết, khách hàng Việt Nam đã có nhiều thông tin hơn, họ đã biết phân tích đánh giá và ra quyết định dựa trên số liệu thuyết phục, chứ không chỉ đơn giản là lời hứa, thương hiệu hay hiệu ứng đám đông. Bởi vậy, những nhà phát triển dự án hay đầu tư kinh doanh bất động sản cũng phải tự nâng cấp để đáp ứng nhu cầu và hành vi của khách hàng.
Vẫn còn nhiều rào cản
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu với các doanh nghiệp trong bối cảnh bối cảnh cách mạng 4.0 bùng nổ. Tuy nhiên, theo một nguyên cứu mới đây, xét trên bình diện chung, mức độ thâm nhập của các công nghệ số vào doanh nghiệp chỉ ở mức 37%. Con số này ở trong lĩnh vực bất động sản nói chung dường như còn thấp hơn do tính chất đặc thù của ngành này. Thêm nữa, số lượng dự án chuyển đổi số thất bại hoặc bị hủy bỏ rất lớn.
Từng trực tiếp đàm phán việc chuyển đổi số với nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc hiểu rõ hơn ai hết gian nan, vất vả của các doanh nghiệp bất động sản trong quá trình số hoá.
Ông Quyết cho biết, Đất Xanh Miền Bắc ký hợp tác chuyển đổi số vào năm 2010, nhưng dự án đã hoàn toàn sụp đổ 3 năm sau đó vì không thể thực hiện. Phải đến năm 2015, Công ty mới có thể “lấy hết sự can đảm và quyết tâm” để khởi động lại dự án.
Theo ông Quyết, sau nhiều lần thử nghiệm, hiện nay, khi giao dịch với Đất Xanh Miền Bắc, khách hàng chuyển tiền đặt cọc mua căn hộ thay vì viết phiếu thu như trước đây, thì đã được thực hiện trực tuyến. Hệ thống của Đất Xanh Miền Bắc sẽ xác thực giao dịch với khách hàng bằng mã xác nhận được gửi qua tin nhắn điện thoại. Điều này giúp doanh nghiệp giao dịch nhanh, tiết kiệm thời gian.
Việc chuyển đổi số để quản trị doanh nghiệp hiện Đất Xanh Miền Bắc đã thực hiện xong, nhưng theo ông Quyết, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc ứng dụng công nghệ để chăm sóc khách hàng sau khi bán sản phẩm.
“Đến tận hôm nay, sau 5 năm triển khai, Đất Xanh Miền Bắc vẫn mới chỉ đang ở giai đoạn giữa của quá trình chuyển đổi số, thậm chí chưa phát triển đến giai đoạn giữa chứ chưa nói đến giai đoạn cuối”, ông Quyết thừa nhận.
Không chỉ Đất Xanh Miền Bắc, vị lãnh đạo này cho rằng, việc chuyển đối số trong các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu.
“Nhiều doanh nghiệp mới chỉ số hoá ở giai đoạn 1.0, chứ chưa đến 2.0. Việt Nam đang đi sau thế giới rất xa trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý doanh nghiệp”, ông Quyết nhấn mạnh.
Nói về nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thành Nam, đơn vị phát triển Tpizi.com – nền tảng quản lý kinh doanh bất động sản Tpizi trực tuyến khá nổi trong thời gian vừa qua cho biết, xuất phát từ việc kiến thức về chuyển đổi số còn tương đối hạn chế với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.
Các mô hình truyền thống đã hoạt động hiệu quả trong nhiều năm, vì vậy, hơi khó để họ thích nghi với một mô hình mới. Do đó, để thuyết phục chủ doanh nghiệp về hiệu quả của việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý để họ thay đổi tư duy và sử dụng phần mềm công nghệ là không hề dễ dàng.
“Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa đánh giá đúng lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số vào quản trị doanh nghiệp, dẫn đến lo ngại việc chuyển đối số đòi hỏi nguồn lực rất lớn cả về tài chính, thời gian và con người. Tuy nhiên, thực tế, việc chuyển đổi số nếu được quan tâm thì doanh nghiệp có thể chuyển đổi không quá khó khăn và mang lại những hiệu quả trong kinh doanh, cũng như quản trị doanh nghiệp’, ông Anh Tuấn cho biết.
Lấy ví dụ về Tpizi.com, ông Tuấn cho biết, nhờ vào xây dựng trên nền bản đồ số GIS, nên khi khách hàng quan tâm tới dự án, có thể tìm hiểu các thông tin dự án trực tiếp từ nhà, cả người bán và người mua luôn trong trạng thái chủ động trong việc tương tác và mua bán. Các nhân viên kinh doanh nắm được tình hình giao dịch của dự án, sự quan tâm của khách hàng qua ứng dụng trên điện thoại di động và cập nhật các giao dịch mới trên hệ thống. Mọi thao tác từ giữ chỗ, đặt cọc cho đến thanh toán hợp đồng đều thực hiện qua điện thoại di động.
Theo các chuyên gia, sự thành công của chuyển đổi số phải nằm ở tư duy, trong cách nhân viên tiếp cận và giải quyết vấn đề hàng ngày, hàng giờ. Một công ty mà nhân viên không có tư duy số hóa, văn hóa không nuôi dưỡng sự đổi mới, thì đừng mong có một công nghệ nào có thể cứu sống được doanh nghiệp.
Chuyển đổi số không chỉ là hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, tạo lợi nhuận mà hơn hết, nó phải là nền tảng văn hóa của một doanh nghiệp. Và văn hóa đó, phải được xây dựng và thực hành trong một chiến lược lâu dài và kiên định.