Tết của người nhà quê

Người ta bảo cái tết ở quê vui hơn ở thành thị. Tôi cũng chưa từng ăn tết ở thành thị nên không so sánh được. Nhưng chắc chắn rằng tết đối với trẻ con thì dù ở đâu cũng vui hơn người lớn.

(Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Thương).

Theo ý kiến chủ quan của tôi có lẽ tết đối với trẻ con nhà quê tết hẳn sẽ bát ngát và bất tận hơn. Bởi ở thành thị trẻ con dễ dàng được thỏa mãn với niềm vui, còn trẻ con ở quê muốn có niềm vui phải biết lượm lặt dù chỉ là lượm những viên sành vỡ…

Khi cái rét ngọt tràn vào giữa đêm lẫn trong tiếng mưa lắc cắc ngoài thềm, lúc ấy là mùa đông và mùa xuân đang giao ca. Sớm mai, cạnh trái bưởi bắt đầu ửng vàng là những bông bưởi đực rụng trắng góc vườn. Ngoài đồng, những chiếc cải bắp to tròn chắc lẹm được chặt thồ ra chợ bán. Người trong làng bắt đầu bóc hành củ muối dưa chua đón tết.

Nhưng tết sẽ thực sự đến gần hơn, rõ rệt hơn trên những cánh đồng. Khi tiếng nói cười rôm rả trên cánh đồng nhiều hơn mọi khi. Nhà nhà thi nhau nhổ mạ thật nhanh, để cấy xong mấy thửa ruộng. Phải tranh thủ lúc thời tiết còn ấm để cấy nếu không để ra tết sẽ chạm cái rét nàng Bân, trời sẽ lạnh, sương sẽ giáng cây lúa khó bén rễ trổ nhành. Nhà ai cấy xong trước, quay qua phụ một tay cho nhà bên cạnh để kịp trước chiều 30… Người nhổ mạ, người thồ mạ, người cấy đi lại gặp nhau nói nói cười cười… không khí hối hả tràn ngập sắc xuân.

Tết đã về thật trên cánh đồng và đang đến rất gần trong tiếng nói cười của người dân miền quê. Trẻ con lúc ấy bắt đầu đứng trước sân lấy viên gạch đỏ vẽ từng vạch đếm ngày tết.

Người ở quê không có thói quen sắm tết từ trước cả tuần, cả tháng. May chăng trước đó vài tháng người ta tranh thủ mua mấy con gà con thả sau vườn chờ đến tết lấy thịt. Những gia đình thu xếp được công việc đồng áng sớm hơn thì 28, 29 Tết bắt đầu dọn nhà sửa soạn gói bánh chưng.

Nhưng sao tết với người nhà quê sao lại nô nức đến thế? Trẻ con bảo tết đến sẽ được lì xì, trong nhà lúc nào cũng đầy bánh kẹo, mứt và trái cây. Những thứ mà ngày thường chẳng bao giờ có. Đặc biệt mỗi mâm cỗ đều có thịt gà, giò lợn, cơm nếp, bánh chưng… Những thứ mà cả năm may ra cũng chỉ được ăn vài lần hoặc thậm chí một lần.

Nhưng cô bé nhà quê là tôi của hơn 20 năm về trước, không chỉ là bánh, là mứt là được đi chơi nhà này nhà khác, để nghe những lời chúc tụng… mà tết còn một ý nghĩa khác nữa. Đó là, quanh năm suốt tháng, quanh quẩn với một buổi đi học, một buổi ra đồng. Những ngày cuối tuần cũng phải phụ gia đình cuốc đất, cấy gặt… Vì thế 3 ngày tết là dịp duy nhất chúng tôi không phải ra đồng làm lụng. Không phải lội bùn cấy lúa trong cái lạnh đến thấu xương, không phải gánh phân tưới rau hay cuốc đất cả chiều. Cũng chẳng phải tranh thủ dậy từ 5 giờ sáng để gặt cho khỏi nắng. Tết là ba ngày duy nhất trong năm người nhà quê được nghỉ ngơi, đi chơi theo đúng nghĩa.

Những ngày đi chơi rất ngắn, hay có thể gọi đó là những chuyến đi chơi rất bé với phạm vi chỉ quanh trong làng. Ấy vậy mà sao vẫn nô nức và vui đến bất tận.

Bắt đầu từ chiều mùng một, người già, người trẻ, trẻ con tụ tập quanh gốc đu thi nhau nhún trong cái gió xuân lồng lộng lẫn tiếng reo hò “nhún nữa đi cao lên tí nữa”. Người nhà quê, từ trẻ con đến người già ai cũng biết đánh đu và mê trò chơi này.

Nhưng gốc đu cũng là nơi để trẻ con khoe áo mới, nam nữ thanh niên cũng để ý nhau cũng từ ấy mà ra. Bởi đối với người nhà quê, chỉ có tết mới được may áo mới. Còn những ngày trong năm quần áo của em thì mặc lại của chị, của chị mặc lại của chị trên nữa. Cứ như vậy nếu rách mặc rách thì may mặc lại quanh năm như thế.

Thời đó ở nhà quê rất chuộng loại vải trắng sa tanh để may áo, kaki đen để may quần. Nhà nào giàu có thì may cho con cả bộ, còn nhà nào dù có nghèo lắm cũng phải cố may cho con một chiếc áo mới. Có năm mẹ bảo, chị lớn rồi nên không may áo tết nữa mà nhường lại cho em. Đến ngày tết, mẹ nhìn cô chị học lớp 9 nhìn đứa em mặc áo mới mắt ngẩn ngơ mà nước mắt rớm lệ.

Thường thì áo may phải giặt rồi mới mặc. Nhưng vì mấy làng mới có một tiệm may nên có khi đặt may chậm nên phải nhận vào tối 30 nên không kịp giặt. Đến khi mặc còn nguyên vết chỉ kẻ.

Sáng mồng một, trẻ con cũng được đánh thức dậy rất sớm, phần vì chúng háo hức đón tết, phần vì sắp được mặc áo mới. Dù áo có mới nhưng chỉ sau một ngày chơi xuân, áo có thể bẩn. Nhưng không đứa trẻ nào chịu cởi áo ra mà đòi mặc tiếp sang ngày mồng hai, mồng ba. Trẻ con sẽ đem niềm vui ấy vào giấc ngủ, ngủ cũng nhất định không chịu cởi áo mới. Nhưng niềm vui thường chóng vánh và qua rất nhanh. Bởi hết ngày mùng 3 là hết tết. Sang ngày mồng bốn trẻ con và người lớn đã bắt đầu ra đồng cấy lúa.

Với người nhà quê sở dĩ niềm vui bát ngát như vậy cũng bởi tết quá ngắn. Thế nên cái tết của người nhà quê trong ký ức của những người xa xứ thường hoài niệm đến rưng rưng.

Nguồn Yên Trang/ Báo điện tử Đại Đoàn Kết
Bài cùng chuyên mục