Món “gà leo cây” ngày gian khó

Ngày xưa khốn khó, bữa cơm hiếm khi có được chút thịt cá trên mâm nên món “gà leo cây” lại thành “đặc sản”.

Mỗi lần được ăn món bắp chuối trộn tôi lại nhớ ngoại ghê gớm. Tôi nhớ dáng ngoại gầy nhom đội chiếc nón lá bạc thếch, ra góc vườn hái bắp hoa chuối trong chiều nhạt nắng. Ngoại cười, nói với đàn cháu: “Tối nay ăn thịt gà bóp nghe mấy đứa”. Thế là mấy đứa cháu hò reo hớn hở. Cái thuở nghèo khó, dù chỉ là món hoa chuối bóp giả thịt gà, vậy mà vẫn vui.

Hồi xưa, vườn nhà ngoại toàn cây ăn trái. Phía cuối vườn có một khoảnh đất trũng, ngày mưa luôn ngập nước. Ngoại kể, hồi dựng nhà, ông ngoại đào đất ở đó để đắp nền nhà. Cái chỗ đất lõm xuống ấy, ngày hè đạp chân trần là mát lạnh. Cảm giác mát từ lòng bàn chân loang khắp các thớ thịt, xoa dịu tiết trời oi ả mùa hè.

Khoảnh trũng ấy, chẳng cây trái nào chịu sống. Ngoại đành cắm xuống mấy cây chuối hột, vậy mà ít bữa, đám chuối con đã “nhảy” khắp một góc bờ rào, xanh um.

Chuối hột, hay chuối chát là loại có nhiều hạt bên trong. Trái non thì cắt mỏng ăn ghém cùng rau sống. Trái chín thì dùng ngâm rượu. Mỗi lần chuối trổ buồng, ngoại đợi cho các nải chuối xòe hết thì cắt hoa chuối để chế biến món ăn.

Ngày xưa khốn khó, bữa cơm hiếm khi có được chút thịt cá trên mâm. Ngoại thương mấy đứa cháu nhà nghèo, nên thường mày mò chế biến mấy nguyên liệu chân quê thành món ăn sao cho đa dạng.

Bắp chuối hấp chín sau đó tẩm bột mì chiên giòn chấm nước mắm gừng có mùi vị y chang thịt vịt. Ngoại hay gọi vui là món “gà leo cây”, “vịt leo cây”. Dù là nói vui, nhưng sâu trong mắt ngoại lại man mác như một sự bất lực xót xa khi không thể kiếm được một bữa ăn đủ chất cho mấy đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn.

Hồi nhỏ, tôi ghiền món “gà leo cây” của ngoại. Bắp chuối rửa sạch, cắt thành ba khúc dài chừng ngón tay. Ngoại luộc bắp chuối với chút muối, sau đó vớt ra xé nhỏ như xé thịt gà, lại vắt cho ráo nước. Bên ang nước gần phía sau góc bếp, ngoại có trồng mấy bụi rau răm, vài cây ớt chỉ thiên có trái chín đỏ, đám ngò gai rải rác ở góc vườn.

Ngoại bước ra vài bước là hái được một nắm rau răm xanh ngắt, lá ngò gai non, lại thêm vài ba quả ớt chín cay xé lưỡi. Xong đâu đấy, ngoại ngồi xuống bên bếp củi vẫn đang âm ỉ lửa, nhấc cái chảo gang lên, cho chút dầu vào, thả vô mấy tép tỏi đập giập, mùi thơm chẳng mấy chốc mà bừng cả góc bếp.

Nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn sàng, ngoại chỉ cần cho bắp chuối đã vắt ráo vào thau nhôm nhỏ, nêm một ít muối, tiêu, bột ngọt rồi trộn đều cho vừa ăn, vắt thêm chút nước chanh, sau đó cho rau răm, ngò gai cắt nhỏ cùng vài lát ớt.

Để đủ vị béo bùi, ngoại còn rưới lên trên một ít dầu với tỏi đã phi vàng. Hôm nào sang lắm ngoại mới rang rải ít đậu phộng giã nhỏ lên trên món ăn.

Ngày ấy, những bữa cơm có món “thịt gà bóp”, tôi với mấy đứa em ngồi khua đũa liên tục. Lúc bụng no căng mới chịu dừng đũa. Ngoại thường ngồi nhìn mấy đứa cháu và cơm, miệng cười mà mắt ươn ướt, chắc tại chiều xuống, gió ngoài sông thổi vào nhiều khiến ngoại cay mắt.

Bây giờ, ngoại không còn, mảnh vườn nhỏ cũng xơ xác vì thiếu người chăm bón. Bữa cơm hiếm lắm mới có dịp được nếm món “gà leo cây”.

NguồnNgọc Hà/ Phụ nữ online
Bài cùng chuyên mục