Hàng lậu vẫn “nóng”!

Hàng loạt vụ buôn bán hàng lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc vừa được các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý

Mặc dù các lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng thường xuyên ra quân truy quét hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, song do lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để mua bán, vận chuyện hàng hóa không rõ nguồn gốc bằng nhiều hình thức rất tinh vi.


Hàng loạt vụ buôn bán hàng lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc vừa được các lực lượng chức năng phát hiện và xử

Đơn cử, ngày 16/4/2021, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) vừa phát hiện 1 kho hàng túi xách nhập lậu số lượng lớn nằm sâu trong khu dân cư trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

Qua kiểm tra kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn mặt hàng túi xách các loại của nhiều nhãn hiệu nước ngoài. Công an quận Liên Chiểu phát hiện 465 sản phẩm túi xách của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Chanel, Louis Vuitton, Hermes, Gucci, Christian Dior… Kho hàng trên được xác định do bà Trần Thị Thuỳ Vân, trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu làm chủ.

Bà Vân khai thời gian qua đã liên hệ qua mạng xã hội để nhập hàng từ TP. Hồ Chí Minh chuyển về Đà Nẵng tiêu thụ. Suốt một thời gian dài, bà thường xuyên livestream với tên facebook “Lana Trần” và fanpage “Trùm sỉ lẻ hàng Quảng Châu” để bán hàng qua mạng xã hội. Vào thời điểm kiểm tra, bà Vân không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số túi xách nói trên. Hiện Công an quận Liên Chiểu đã kiểm đếm, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hoá túi xách vi phạm để xác minh, xử lý theo quy định.

Trước tình hình buôn bán hàng lậu có chiều hướng gia tăng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Đà Nẵng đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động mua bán hàng hóa trên địa bàn thành phố. Qua các đợt ra quân, đơn vị đã phát hiện và xử lý hàng loạt vụ vi phạm.

Ví như, mới đây, Cục QLTTTP Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra đột xuất đối với một số địa điểm kinh doanh trên địa bàn và tạm giữ hàng ngàn đơn vị hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT về việc phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Thực hiện Kế hoạch số 169/KH-CQLTT của Cục QLTTTP. Đà Nẵng về việc triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Ngày 7/4/2021, Cục QLTTTP. Đà Nẵng tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 4 địa điểm kinh doanh hàng hóa là các sản phẩm may mặc, tiêu dùng phục vụ cho hoạt động thể thao, du lịch, dã ngoại trên địa bàn.

Qua kiểm tra tại các địa điểm kinh doanh, các Đoàn kiểm tra thuộc Cục QLTTTP. Đà Nẵng tạm giữ tổng cộng 2.155 đơn vị sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Trong đó, có 921 sản phẩm gồm áo khoác, giày, quần, balo, túi đeo, găng tay có dấu hiệu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “The North Face”. Cụ thể, tại địa điểm số 155C Lê Đình Lý, quận Hải Châu (Đà Nẵng), lực lượng chức năng tạm giữ 1.228 đơn vị sản phẩm hàng hóa. Tại địa điểm số 15 Hoàng Hoa Thám, quận Thanh Khê (Đà Nẵng), tạm giữ 172 đơn vị sản phẩm hàng hóa. Địa điểm số 335 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, tạm giữ 138 đơn vị sản phẩm hàng hóa. Địa điểm số 119 Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) tạm giữ 617 đơn vị sản phẩm hàng hóa.

Trước đó, vào ngày 5/3/2021, Cục QLTTTP. Đà Nẵng kiểm tra đột xuất đối với 3 địa điểm kinh doanh trên địa bàn và tạm giữ gần 3.500 đơn vị sản phẩm hàng hóa là thuốc lá điện tử, tinh dầu và linh kiện, phụ kiện các loại được sử dụng cho thuốc lá điện tử nhưng không có hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Cụ thể, Cục QLTTTP. Đà Nẵng chỉ đạo Đội QLTT số 2 (Đội cơ động) phối hợp cùng Đội QLTT số 1 (quận Hải Châu) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 3 địa điểm kinh doanh tại quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ. Qua kiểm tra, Cục QLTT TP Đà Nẵng phát hiện toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu, đầu lọc, máy hút sử dụng cho sản phẩm thuốc lá điện tử có nhiều loại, nhiều mùi vị, hương thơm và thông tin về hàm lượng nicotine không được thể hiện trên sản phẩm chính xác, cụ thể trên sản phẩm. Các sản phẩm này đều do nước ngoài sản xuất (Trung Quốc, Mỹ, Anh…) hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, người đại diện của các địa điểm kinh doanh đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Theo ông Trần Phước Trí, Q. Cục trưởng Cục QLTT Đà Nẵng – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP. Đà Nẵng, qua đợt kiểm tra đột xuất, Cục QLTT TP. Đà Nẵng ghi nhận đối tượng mua và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu, đầu lọc, máy hút sử dụng cho sản phẩm thuốc lá điện tử phần lớn là các em học sinh ở độ tuổi từ 12-18 tuổi. Như vậy, trình trạng hút và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu điện tử, các sản phẩm có hàm lượng nicotine, chất kích thích như thuốc lá đang được trẻ hóa và lan rộng trong thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần của các em học sinh. Do đó, Cục QLTT TP. Đà Nẵng khuyến cáo người tiêu dùng là các bậc phụ huynh, cha mẹ học sinh có con em đang độ tuổi đi học lưu ý, cảnh giác trước tình trạng các cháu đang có xu hướng sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử ngày càng tăng như hiện nay.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo 389 TP. Đà Nẵng tiếp tục tham mưu về các giải pháp trong đấu tranh phòng chống hàng giả, gian lận thương mại. Đặc biệt, các lực lượng của Ban chỉ đạo 389 TP. Đà Nẵng tiếp tục phối hợp hiệu quả với nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại… Qua đó, bảo đảm kiểm soát chất lượng hàng hóa, ổn định thị trường…

NguồnChí Thiện/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục