Cổng làng – chứng nhân văn hóa

Trong tâm khảm tất cả mỗi người đều nhận thấy, cổng làng luôn là nơi ta bước chân ra đi, cũng là nơi đón ta trở về làng. Bao đời cứ đứng đó, lặng lẽ chứng kiến biết bao khuôn mặt hồ hởi, vui buồn, đau đớn của những con người đi qua...

Có phải cổng làng là nơi mà bao thế hệ, bao số phận đi qua? Đúng như thế, làng Việt Nam thường có hình ảnh cây đa bến nước mái đình. Đầu làng có cổng. Mỗi làng có thể có tới hai hoặc ba cổng, là cổng chính và cổng phụ. Nhưng cổng nào cũng quan trọng. Thời đại đô thị hóa, nhiều ngôi làng cổ bị mất đi cái cổ kính trăm năm đáng tự hào, những cái cổng đậm đà bản sắc văn hóa cũng ngày càng bị “triệt hạ” nhiều. Rồi sẽ có một lúc nào đó chợt nhớ, ta trở về làng, tìm lại cái cổng là biểu tượng xa xưa, thì không còn nữa. Ta bỗng thấy nuối tiếc biết bao.

Ông nội tôi là một người không biết nhiều chữ nho, nhưng lại am hiểu gốc tích của nhiều cổng làng xung quanh mình. Nhất là làng tôi, ông nhớ từng nét chữ đậm nhạt ghi trên đó. Mỗi khi đi đâu xa trở về, nơi đầu tiên ông nhìn là những hàng chữ nho, ngẫm nghĩ những điều ghi trên đó, như ôn lại một điều gì trong tiềm thức. Ông vẫn thường dạy con cháu, đi đâu xa dù vui sướng đến mấy thì hãy nhớ về quê, gốc tích của nơi mà ta sinh ra. Bởi nó quá đỗi thân thương, tạo nên biểu tượng văn hóa nông thôn.

Trong tâm khảm tất cả mỗi người đều nhận thấy, cổng làng luôn là nơi ta bước chân ra đi, cũng là nơi đón ta trở về làng. Bao đời cứ đứng đó, lặng lẽ chứng kiến biết bao khuôn mặt hồ hởi, vui buồn, đau đớn của những con người đi qua. Ngày nhỏ, chúng tôi thường thoải mái chơi những trò chơi gần cổng làng, cũng xòe ra những đồng bạc lẻ mua kẹo của bà bán hàng già nua trong cái quán tẻo teo gần đó, không có một ý thức gì về sự hiện diện của chiếc cổng. Sau này ra phố học hành và công tác, mỗi mùa gặt hái tôi thường về quê để thưởng thức mùi rơm mới, phơi từ cánh đồng về đến cổng, và những con ngõ trong làng. Bao giờ tôi cũng đứng trước cổng, bưng lên một nắm rơm khô nỏ mà hít hà cho thỏa. Phải về với quê, đứng trước một biểu tượng, ta mới cảm nhận được sự tuyệt diệu của khoảnh khắc này.

Chẳng ít những người con đã viết về quê hương mình, trong đó có sự xuất hiện của chiếc cổng làng. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh say mê đi khắp nơi, chụp ảnh về những chiếc cổng làng để lưu giữ một kho tàng văn hóa. Cổng làng cũng đi vào thơ ca, nhạc họa, phim ảnh… Đó không chỉ là địa giới, là chứng nhân lịch sử, đó còn là cái thần thái của mỗi ngôi làng. Tất cả những mặt như kiến trúc, chất liệu, hàng chữ, vị trí, đều thể hiện cái thần thái, thể hiện sự hài hòa trong nếp sống của dân cư. Cổng làng cũng là một cái “Tôi”, cái danh xưng của mỗi ngôi làng. Làng nào có cái tên đẹp, cổng có kiến trúc độc đáo, cũng đáng tự hào lắm chứ. Cổng làng sẽ cho người từ xa đến đây biết được những thông tin rằng đó là làng nghề hay làng học hành…

Ở vào vị trí đó, cổng làng chẳng những bảo vệ ngôi làng ở dạng “động” tức là khỏi sự tấn công, xâm nhập bên ngoài, mà còn bảo vệ ở dạng “tĩnh”, đó là việc gìn giữ văn hóa, đề kháng với sự dị biệt bên ngoài. Vì lý do này mà ngay cả hai làng sát nhau, lời ăn tiếng nói, những nét đặc trưng cũng khác nhau.

Ông tôi nói một câu hay, mà sau này, đi ra ngoài nhiều, kiểm chứng, tôi thấy quả là chí lý. Đó là cổng làng được người ta coi như một lão làng khả kính. Nhiều người đi qua phải cúi xuống, người đi xa nhớ về, như nhớ một vị cha già hiền từ đang đứng đó, dõi theo những đứa con.

Vậy cổng làng đáng để chúng ta tôn trọng, bảo vệ? Nhiều ngôi làng hiện đang thực hiện xây mới cổng, do thời gian, chiến tranh mà bị sụp đổ. Cũng có làng tôn tạo lại, đảm bảo gần y như cũ. Nhưng ác thay, cũng có những chứng nhân văn hóa làng xã bị xâm phạm, gục ngã trước sự nhẫn tâm của con người. Quả là đáng tiếc biết bao!

NguồnThúy Oanh/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục