Hát về cây lúa
Hôm nay, đi ngang cánh đồng sớm, khi người dân đang dần làm xanh những ô ruộng, chợt muốn hát về cây lúa thân thương.
Cả nước ta vẫn đang chìm trong biển nóng của mùa hè – một mùa hè có chuỗi ngày nắng nóng kéo dài nhất trong gần 30 năm qua. Công việc vẫn phải làm, bà con nông dân vẫn hăng hái ra đồng sản xuất. Những ngày này là mùa cấy chính vụ. Cái nắng nóng không cản được người dân ra đồng. Cái nắng nóng không cản được những cây mạ cắm rễ xuống bùn để nên xanh.
Để tránh cái nắng nóng, thay vì cấy ban ngày, ở nhiều vùng quê bà con chuyển sang cấy đêm. Họ thắp đèn cho đêm, cho những bước chân vững chãi lội bùn. Ngày xưa ở quê, cùng người làng, người xã, gia đình chúng tôi vẫn cấy mỗi năm hai vụ. Vụ nào cũng vất vả. Vụ nào cũng “ruộng cấy người trông cơn mưa”.
Những năm tháng đó, ở vùng quê tôi con trâu con bò vẫn làm nhiệm vụ cày bừa. Có những ô thửa phải dùng sức người để cuốc bờ, cuốc góc. Nhọc nhằn không biết bao nhiêu mà kể. Khi cấy cũng phải chuẩn bị nhổ mạ, làm đất, ủ nước, ủ phân… Các bà, các chị được phân công việc cấy, bởi tay họ dẻo, lưng họ mềm, họ cấy nhanh hơn. Và hơn thế, công việc cấy bằng tay đòi hỏi người dân phải cúi mình xuống, vừa tầm để đưa cây mạ cắm xuống bùn.
Đó là hình ảnh đẹp đến thân thương. Ngày xưa không nắng nóng nhiều như bây giờ. Chừng 36 độ đã là khủng khiếp, việc đi cấy sớm vụ mùa nắng cũng được thực hiện, vừa để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa đỡ “nóng chân” cây lúa. Không có đèn pin thì dùng đèn bão. Đêm nào có trăng thì đỡ, không thì mò mẫm trong đêm rồi đến 7 giờ sáng, trời đã nắng gắt.
Nhưng cũng có người dân nhiều việc, cấy sớm không xuể thì phải cấy trưa. Nhớ xưa nhà thơ Trần Đăng Khoa có viết: “Những trưa tháng 6/ Chết cả cá cờ/Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy”… Chỉ mấy câu mà khắc họa được sự hy sinh, vất vả của người nông dân, phải lội vào chỗ nguy hiểm để gửi vào đó mầm cây, mong ngày sau kết hạt, có thành quả, nuôi nấng đàn con thơ.
Bây giờ máy móc đã thay phần nhiều sức lực con người trong những công đoạn vất vả nhất của người trồng lúa. Nhưng nắng nóng thì mỗi ngày tăng hơn. Áp lực dân số, thiếu lao động làm nông nghiệp cũng khiến nhiều người dân bỏ ruộng hoang, không cấy lúa. Đất đai, tài nguyên phí phạm. Một số ít diện tích đất được những người dân tiếc của “xin làm tạm” để gỡ gạc ít thóc, giữ đất cho gia chủ. Đó là bản tính tốt đẹp “năng nhặt chặt bị” và vô cùng cần cù của người nông dân ta.
Không gì có thể nói hết nỗi nhọc nhằn của người làm nông nghiệp. Nhất là vào những ngày nắng nóng này. Ở miền Trung có vùng dùng áo tơi bằng lá cây để khoác lên mình cho đỡ nóng lưng nóng đầu, mồ hôi bớt toát ra. Công việc ấy khiến mỗi chúng ta xúc động. Công việc ấy khiến chúng ta không thể cầm lòng. Tôi vẫn thường nghe ca sĩ Trọng Tấn cất lên bài hát về cây lúa hôm nay: Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa và người trồng lúa cho quê hương. Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế, đồng lúa hẹn hò những mùa gặt. Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, ngày mai bắt đầu từ hôm nay… và thêm yêu, cảm thương người trồng lúa, muôn đời.
Phải khẳng định là nền nông nghiệp của nước ta còn chưa phát triển xứng tầm, năng suất lao động thấp. Thiên tai khắc nghiệt mỗi năm tàn phá nhiều diện tích lúa. Việc xâm nhập mặn vào nhiều đồng điền ở phía Nam cũng khiến cây lúa quằn quại, xơ xác và không thể kết hạt. Nhiều vụ thất thu. Mỗi khi ấy, bà con nông dân lại gồng mình lên gánh chịu, khắc phục. Nhưng chúng ta có một nền văn hóa lúa nước lâu đời đáng tự hào. Nền văn hóa ấy vẫn từng ngày được tích tụ, lắng bồi. Những lối ứng xử, câu hát, sinh hoạt dân gian vào mùa cấy vẫn được phát huy để trở thành trầm tích văn hóa nông nghiệp, nông thôn.
Hôm nay, đi ngang cánh đồng sớm, khi người dân đang dần làm xanh những ô ruộng, chợt muốn hát về cây lúa thân thương.