Khi “thượng đế”… tự phục vụ

Thực hiện chủ trương của thành phố, cùng đồng lòng đẩy lùi Covid-19 hàng loạt cửa hàng, tiệm ăn... trên địa bàn Đà Nẵng đã đồng loạt treo biển “chỉ bán mang về”.

Chỉ bán mang về

Nhằm tăng cường công tác phòng chống đại dịch Covid-19, UBND TP. Đà Nẵng đã có Công văn số 2707/UBND-KGVX yêu cầu tạm dừng hoạt động tại các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đó, các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng cho khách mang đi, đặt hàng và bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng; nghiêm cấm phục vụ khách tại chỗ…

Thực hiện chủ trương của thành phố, cùng đồng lòng đẩy lùi Covid-19 hàng loạt cửa hàng, tiệm ăn… trên địa bàn Đà Nẵng đã đồng loạt treo biển “chỉ bán mang về”. Ghi nhận của phóng viên Thời báo Ngân hàng, trên các tuyến đường có nhiều quán hàng như Quang Trung, Hà Huy Tập, Trần Cao Vân, Châu Thị Vĩnh Tế, Nguyễn Văn Thoại… có rất nhiều nhà hàng, tiệm cà phê, hàng quán ăn uống đóng cửa nghỉ kinh doanh. Còn những cửa hàng nào mở cửa hoạt động, cũng đã chủ động sắp xếp hết bàn ghế, tuyệt đối không phục vụ khách tại chỗ; đồng thời dán thông báo và thực hiện việc bán hàng mang về, bán qua điện thoại… Tại các cửa hàng này, đội ngũ nhân viên sẵn sàng giao hàng tận nhà cho các “thượng đế” tự phục vụ.

Đo thân nhiệt trước khi vào chợ Nại Hiên Đông, Đà Nẵng

Ông Nguyễn Văn Cho – chủ một quán cà phê trên đường Trần Cao Vân chia sẻ, khi biết thành phố không cho phục vụ khách tại chỗ, tôi đã cho một số nhân viên tạm thời nghỉ việc đồng thời treo biển “chỉ bán mang về”. Việc bán hàng này chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều, khi doanh thu giảm rõ rệt. Song, trong thời điểm khó khăn như thế này, việc hạn chế các tiếp xúc, hàng quán chậm có chậm hơn chút nhưng sẽ góp phần cùng với xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ mong rằng, dịch bệnh sớm được đẩy lùi việc kinh doanh mới yên ổn lâu dài được.

Trong khi đó, về phần các “thượng đế”, cũng chấp hành nghiêm việc không tập trung quá 5 người nơi công cộng của chính quyền thành phố. Nhiều người tự giác đi mua hàng rồi mang về nhà tự phục vụ. Bà Cao Thị Dục, trú tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho rằng, không chờ đến khi có lệnh cấm của thành phố, khi Covid-19 mới “rục rịch” quay trở lại Đà Nẵng, các thành viên trong gia đình đã chọn phương án mua hàng về rồi tự phục vụ tại nhà, thay vì ra các hàng quán như trước đây. Cũng theo bà Dục, mỗi khi đi mua hàng đều phải trang bị rất cẩn thận, từ việc sát khuẩn tay từ ở nhà, bước ra đường thì đeo khẩu trang, đến tiệm mua hàng đứng giãn cách để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Về phía các cơ quan chức năng cũng thường xuyên sử dụng các phương tiện để tuyên truyền lưu động, lực lượng trật tự tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh phải thực hiện theo đúng quy định. Theo ông Nguyễn Đắc Hùng – Trưởng Ban quản lý chợ Cồn, thực hiện chủ trương của thành phố, ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra tại khu ẩm thực để tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm túc việc cấm phục vụ khách tại chỗ. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp tiểu thương vi phạm với hình thức xử phạt cấm kinh doanh từ 3 đến 5 ngày tùy vào mức độ vi phạm.

Sức mua giảm sút

Cũng như trong các đợt dịch trước, vào thời điểm này tại các chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn thành phố nguồn cung luôn bảo đảm, không lo thiếu hàng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên địa bàn TP. Đà Nẵng tại các điểm bán lẻ, các chợ, siêu thị… không còn hiện tượng người dân không đổ xô đi mua hàng như những đợt dịch trước từng xảy ra. Các mặt hàng thiết yếu để phòng, chống dịch được chuẩn bị đầy đủ như, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ cũng phát triển hình thức bán hàng online để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, hạn chế việc tập trung nơi đông người.

Được biết, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trên thị trường, Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã có công văn đề nghị các chợ, siêu thị, đơn vị phân phối lớn… tăng cường dự trữ nguồn hàng hóa so với ngày thường để chủ động cho trường hợp dịch bệnh kéo dài, các vùng cách ly y tế xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, Sở Công thương thành phố cũng yêu cầu Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng thường xuyên theo dõi sản lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa… đánh giá tình hình biến động về giá cả, sức mua của người dân tại các chợ thuộc trách nhiệm quản lý, báo cáo hàng ngày về Sở Công thương tổng hợp, theo dõi; phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm trường hợp tiểu thương có hành vi găm hàng chờ tăng giá hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá bán cao hơn giá hàng ngày.

Trên thực tế thị trường tại các chợ dân sinh, tuy nguồn cung hàng hóa rất dồi dào song nhìn chung kể từ thời điểm đại dịch bùng phát trở lại, sức mua của người tiêu dùng có phần giảm sút hơn. Thậm chí, có chợ, có thời điểm đã xảy ra tình trạng người bán nhiều hơn… người mua. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sức mua trên thị trường giảm, việc buôn bán của nhiều tiểu thương ế ẩm do nhiều nhà hàng, quán ăn uống, khu điểm lưu trú du lịch, không còn đón khách, nên giảm số lượng hàng hóa mua vào, hoặc tạm ngưng lấy hàng. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố đây luôn là một đối tượng khách hàng quan trọng, luôn tiêu thụ hàng hóa với số lượng lớn. Bên cạnh đó, nhiều trường học, các bếp ăn tập thể đang tạm dừng hoạt động càng khiến cho nhiều tiểu thương “mất mối”…

Tương tự, tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn thành phố cũng đang khuyến khích khách hàng mua sắm và thanh toán online trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Theo đại diện một siêu thị trên địa bàn thành phố, nhằm đa dạng các hình thức đặt hàng, giao hàng để khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng và an toàn, siêu thị đã áp dụng nhiều kênh mua sắm online. Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục món hàng và liên hệ siêu thị bằng các hình thức gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới tận nhà. Siêu thị miễn phí giao hàng trong bán kính 5km với hóa đơn từ 300 nghìn đồng và tính phí 5 nghìn đồng với mỗi km tăng thêm. Các mặt hàng được giao tận nhà đa dạng từ rau xanh, thực phẩm khô, dầu, gạo, mắm đến thực phẩm thủy hải sản, thịt, cá tươi sống mỗi ngày… Những nỗ lực này giúp các “thượng đế” hạn chế di chuyển, tiếp xúc nơi đông người.

NguồnNghi Lộc/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục