Mẹ – đời cỏ đồng
Tôi đã ra đồng cùng mẹ khi còn bé xíu, chỉ mới tám tuổi. Vào mùa bắp cải mẹ ra đồng cắt đi bán. Tôi lũn cũn cắp nách một bên một chiếc lên đường, cho đủ 100 chiếc để mẹ chất lên xe, sáng sau mang ra chợ...
Cữ này làng ngóng đợi mùa Giáng sinh. Gió phía sông Hồng thổi về ràn rạt, chất chồng cái lạnh của mùa đông tê cóng. Hoa cải đã rộ vàng sông. Mẹ không đủ sức ôm tất cả ruộng nhà để làm lụng như ngày mấy anh em tôi còn ở nhà. Giờ mẹ chỉ làm một sào ngô, một sào cải sen để rải màu vàng của hoa cho bãi sông, như hằng năm bao người làng khác đã làm, như một quy ước văn hóa bền vững. Để mỗi năm, cả vạt bãi sông đều trổ vàng dệt thành tấm thảm hoa mướt mát mà đứng trên đê nhìn xuống, thấy thân thương yêu làng, yêu sông.
Đồng quê mình lạ thế. Người dân tạo ra màu xanh cho đồng còn cánh đồng biết dâng hoa cho đời cho người. Một sự cộng sinh lý tưởng. Nhưng để có sự cộng sinh ấy, khởi nguồn từ những giọt mồ hôi, công sức của người nông dân. Mỗi người có sức vóc khác nhau, nhưng đều lội xuống đồng, bước vào mùa màng bằng nỗi hồi hộp, đợi chờ, bằng những nghĩ suy giản dị và bằng cách ứng xử mộc mạc nông dân. Tôi đã đi nhiều vùng đất, đã viết biết bao bài báo, miêu tả sắc đẹp của nhiều điểm du lịch, hay cũng đã gặp hàng vạn người nông dân chân lấm tay bùn, nhưng chưa bao giờ viết được đầy đủ về mẹ. Tôi chưa bao giờ viết được một bài rõ ngời về tình yêu của mẹ, khuôn mặt mẹ với biết bao lo toan cho đàn con mà vẫn phụng sự chồng đủ đầy, phụng sự cánh đồng tươm tất. Cũng bởi mỗi khi đặt bút thì ngòi bút run lên. Cảm xúc lấn lướt con chữ. Chẳng phải chỉ mình tôi hay nghĩ đâu. Nhiều người chung cảm giác đó. Cây bút của họ đã xúc động, đồng cảm và viết về hàng nghìn người, gia tài cả chục cuốn sách, nhưng lại tự trách bản thân đã chẳng có một bài về mẹ cho ra hồn, một cuốn sách riêng về mẹ cho thỏa kính yêu.
Tôi đã ra đồng cùng mẹ khi còn bé xíu, chỉ mới tám tuổi. Vào mùa bắp cải mẹ ra đồng cắt đi bán. Tôi lũn cũn cắp nách một bên một chiếc lên đường, cho đủ 100 chiếc để mẹ chất lên xe, sáng sau mang ra chợ. Tôi cũng được chia sẻ với mẹ ngày trồng rau gánh nước, vì còn nhỏ nên phải xách hai tay hai chiếc ấm tưới từng gốc cây tí hon, rồi bã bời mệt mỏi mới trở về nhà. Tuổi thơ tôi hai bàn tay trầy xước vì móc hang cua, bàn chân nhăn nhúm vì lội đồng lội nước, lẫn vào cỏ cây mà đánh giậm. Tôi tự nhủ, ngày bé ở bên mẹ đã ngấm đủ mùi ruộng đồng và vẫn có cách sẻ chia với nỗi vất vả của mẹ cha. Vậy mà bây giờ, đi khắp nơi để thỏa ước mơ được sống, được kiếm tiền theo cách riêng, chấp nhận vấp ngã để rồi đứng dậy, lót dưới chân người con gái khác lời mật ngọt để bước vào lối ca dao lãng mạn, tôi chẳng chia sẻ được nhiều với mẹ, dù vai mẹ mòn và lưng mẹ còng hơn trước. Nhưng mẹ chẳng một lời trách móc. Mẹ vẫn cần mẫn, như nhánh cỏ đồng, như đời cỏ đồng đứng giữa rét mướt và nắng cháy, để ở với màu xanh mùa màng. Dù thế nào mẹ cũng thắp lên xanh. Mẹ vẫn gieo hạt, ươm cây ở vườn nhà, như đã ươm những hạt thóc người chúng tôi thành cái cây người hôm nay.
Nhưng mẹ ơi, có lúc con vẫn sai lầm, đã gieo hạt ở trên sân khô, gieo vào đá trơ, mà vẫn lãng mạn nghĩ đang gieo ánh sáng vào nơi tối tăm, con vẫn nghĩ mình đang đi tìm an ủi người chứ không chờ người ủi an, đem trông cậy vào nơi thất vọng. Thứ hạt ấy sẽ mãi chẳng thành cây được phải không mẹ? Bởi nơi đó thiếu tình người, hay nhợt nhạt niềm cảm thông. Thôi thì lại về đồng với mẹ, gió, mây và bao điều nhân nghĩa. Về để thành một vạt cỏ ngắm trăng đông và nghe tiếng dế. Về để yêu đời cỏ mẹ, giản dị trong lòng quê thanh bình. Trong niềm kính yêu, con xin gọi mẹ – đời cỏ đồng của con. Và gia đình, lòng mẹ, không gian làng mình là nơi an trú con hằng ấp iu.